Nâng cao giá trị lúa gạo: "Mỏ vàng" gạo nội địa
Trong khi các DN đang cạnh tranh khốc liệt giành thị phần gạo XK với giá vài trăm USD/tấn thì ngay ở trong nước, phân khúc gạo chất lượng cao với giá bán lên tới cả nghìn USD/tấn vô cùng tiềm năng cho 30 triệu dân tại các đô thị lại chưa được khai thác...
NHẬP NHẰNG GẠO "XỊN"
Mua gạo đóng túi với người tiêu dùng trong nước là việc làm khá mới mẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn người dân sống tại những đô thị vẫn duy trì thói quen mua gạo rời được các cửa hàng lương thực, thực phẩm bày bán trong thau chậu, bên trên cắm tấm biển có ghi tên và giá các loại gạo.
Thị trường gạo đóng túi tại VN có tiềm năng lớn
|
Nói chung, người bán hàng bảo gạo gì người mua biết gạo đó chứ không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để xác minh nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm soát chất lượng.
Nhưng vài năm trở lại đây, tại những đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… bắt đầu xuất hiện mặt hàng gạo được đóng túi với bao bì, nhãn mác khá hấp dẫn, bước đầu được dân nội trợ văn phòng dùng thường xuyên hơn.
Khảo sát tại hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nội như Hapro, BigC, Metro, Hiway, Fivimart, Vinmart… chúng tôi nhận thấy mặt hàng gạo đóng túi chủ yếu của một số DN gồm TCty Lương thực miền Bắc (VNF1), Cty CP Chế biến lương thực - thực phẩm Thái Dương (Yamada), Cty CP XNK Lương thực VN…
Các sản phẩm gạo đóng túi được DN bày bán chủ yếu là tám xoan Hải Hậu, tám Điện Biên, thơm Thái Lan, gạo lứt đỏ Huyết Rồng của Cty CP Chế biến LTTP Thái Dương; nếp cái hoa vàng, Bắc Hương, Trân Châu, tám Thái của VNF1; tám Thái Lan, tám Điện Biên của Cty CP XNK Lương thực VN…
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo thì hầu hết các DN đang làm gạo đóng túi chất lượng cao được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng, bách hóa hiện nay chỉ là “hàng xáo”. Nói thẳng ra là làm thương mại thông qua việc mua gạo trên thị trường về rồi đóng túi đem bán chứ chưa có vùng nguyên liệu, nhà máy xay xát hay quy trình SX khép kín để quản lý, giám sát mọi công đoạn từ giống cho đến đóng gói.
Quả thực, dù gắn mác là tám xoan Hải Hậu hay tám Điện Biên nhưng thực chất gạo bày bán tại siêu thị mà chúng tôi khảo sát ở trên chính là gạo Bắc thơm số 7.
Ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho biết: “Hiện diện tích tám xoan Hải Hậu tại Nam Định chỉ còn khoảng 300 ha với năng suất cao nhất khoảng 3 tấn/ha thì lấy đâu ra gạo tám xoan mà bán tràn ngập thị trường Hà Nội. Có khả năng mặt hàng tám xoan Hải Hậu đang được bày bán tại Hà Nội là gạo Bắc thơm số 7 được cấy tại Nam Định thôi”.
Còn theo bà Phạm Thị Tươi, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên, gạo tám Điện Biên được bày bán tại Hà Nội phần lớn không phải gạo tám "xịn", bởi diện tích lúa tám Điện Biên còn lại rất ít, chủ yếu nông dân trồng để phục vụ cho gia đình mình. Trong tổng số diện tích 4.000 ha của cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên), chiếm tới 90% là giống Bắc thơm số 7. Với năng suất bình quân 6 tấn/ha, sản lượng gạo chỉ đủ nhu cầu lương thực của tỉnh, chứ xuất bán về Hà Nội số lượng không đáng kể...
LÀM THƯƠNG HIỆU
Tại hội thảo “Tái cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững phục vụ xây dựng NTM” do Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức vừa qua tại Hà Nội, các chuyên gia của IRRI và FAO có đưa ra 6 sáng kiến để tái cấu trúc ngành lúa gạo VN sau khi dành 6 tháng khảo sát các vùng SX lúa trọng điểm của nước ta.
Theo số liệu thống kê, VN hiện có khoảng 30 triệu dân sống tại khu vực đô thị và nhu cầu gạo bình quân của một người chừng 100 kg/năm nên mỗi năm dân số tại khu vực này tiêu thụ hết khoảng 3 triệu tấn gạo, qua đó mới thấy đây là một "mỏ vàng" lớn nếu các DN biết khai thác.
|
6 sáng kiến đó gồm: Lai tạo giống lúa chất lượng cao phục vụ SX thương mại các loại gạo đặc sản đáp ứng nhu cầu nội địa và XK; Xây dựng thương hiệu gạo VN; Giảm tổn thất sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo; Giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với SX lúa gạo; Tiếp cận nông hộ nhỏ SX lúa gạo; Đề xuất các chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển lúa gạo chất lượng cao và phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
Qua 6 gợi ý của IRRI và FAO cho thấy sự cấp thiết phải xây dựng chuỗi SX lúa gạo mang thương hiệu của VN. Để làm được việc đó phải có sự đồng bộ từ khâu giống, quy trình SX, chế biến, đóng gói và công đoạn quan trọng nữa là làm thương mại.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR), Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo thuộc Liên minh Nông nghiệp, thị trường gạo thế giới chủ yếu biết đến thương hiệu Khao Hom Mali, Thai Hom Mali của Thái Lan; Basmati của Ấn Độ hay Japonica của Nhật Bản. Với VN, những năm gần đây mới manh nha hình thành thương hiệu hạt dài có tên gọi quốc tế là Jasmine, song chưa thật sự có tên tuổi.
Xung quanh câu hỏi tại sao gạo của VN chưa có thương hiệu, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, thực tế không có thương hiệu gạo của VN mà việc xây dựng thương hiệu gạo phải do chính các DN làm.
Thực tế, các thương hiệu gạo nổi tiếng trên thế giới hiện nay của Ấn Độ, Thái Lan hay Nhật Bản đều là thương hiệu của các DN tại những quốc gia đó xây dựng nên. Chính vì vậy, để gạo VN có thương hiệu trên thế giới thì phải trông chờ vào sự vươn lên của các DN SX lúa gạo.
“Hiện trong nước có các thương hiệu gạo đang nổi tiếng trên thị trường như tám xoan Hải Hậu, tám Điện Biên, Nàng Yến, nếp cái hoa vàng… nếu được các DN SX lúa gạo bán ra thị trường trong nước, thế giới ngày một nhiều hơn, được tiếp nhận, đánh giá cao thì sau này chính cái tên đó là đại diện cho thương hiệu gạo của VN”, ông Quảng chia sẻ.
Theo dự báo, cùng với xu hướng đô thị hóa, công nhiệp hóa tiêu chí mua lương thực của người dân sẽ ngày một khắt khe hơn nên việc thay đổi thói quen từ ăn gạo không nhãn mác, bao bì, không nguồn gốc xuất xứ, không quy trình, quy chuẩn sang gạo có túi có kiểm soát chất lượng tại các đô thị là điều tất yếu. Chính vì vậy, thời điểm này là thời cơ vàng cho các DN tham gia vào xây dựng chuỗi SX lúa gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu nội địa.
|
Nguyên Huân
nongnghiep.vn
|