Thứ Sáu, 05/12/2014 10:01

Công nghệ giúp ngân hàng tối ưu hóa quản trị rủi ro như thế nào?

Cạnh tranh giữa các ngân hàng bán lẻ ngày càng khốc liệt và một trong những vấn đề không kém phần quan trọng là việc quản trị các rủi ro như thế nào để ngân hàng được vận hành hiệu quả nhất.

* TS Cấn Văn Lực luận bàn về xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ

Ông Trần Nhất Minh (Ủy viên HĐQT, phó TGĐ ngân hàng VIB) - Lãnh đạo Công nghệ thông tin xuất sắc khu vực Đông Nam Á năm 2014

Chia sẻ tại Diễn đàn Ngân hàng Đông Nam Á tổ chức ngày 03/12/2014 về quản trị rủi ro trong ngân hàng bán lẻ, ông Trần Nhất Minh - Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng. Tại Việt Nam, 20% dân số là khách hàng của ngân hàng trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ này là 60%. Theo số liệu của một cuộc khảo sát từ năm 2010, có đến 80% các ngân hàng được hỏi muốn trở thành ngân hàng bán lẻ. Ông Minh cũng chia sẻ thêm, làm ngân hàng bán lẻ có vẻ lợi hơn so với các khách hàng là doanh nghiệp, bởi khi đó rủi ro sẽ được chia đều, lợi nhuận thu về cũng cao hơn và có thể tận dụng bán chéo trong ngân hàng.

Nhưng cuộc chơi này không hề dễ dàng bởi yêu cầu đầu tư thường xuyên và nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh, các ngân hàng vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, chiến lược của nhiều ngân hàng có thể giống nhau nhưng vấn đề là ai sẽ thực hiện thành công được, ông Minh nói thêm. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc quản trị rủi ro của chính ngân hàng đó.

Theo ông Minh, để đảm bảo chất lượng tín dụng, tất cả các loại rủi ro phải được giám sát và quản trị ở mức tốt nhất. Quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng bán lẻ quan trọng nhất là các yếu tố (1) tổ chức văn hóa, quản trị; (2) quy trình, chính sách, mục tiêu; (3) phương pháp, công cụ, hệ thống công nghệ thông tin và (4) con người tập trung chủ yếu ở hoạt động quản trị rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành.

Với rủi ro tín dụng, các vấn đề thường gặp phải là xung đột lợi ích trong cơ chế phê duyệt tín dụng, hạ thấp tiêu chuẩn cho vay, thông tin khách hàng cung cấp không minh bạch, ứng dụng phòng ngừa rủi ro chưa phổ biến vì chi phí đầu tư cao hay nhân sự chưa đạt chuẩn. Về rủi ro vận hành cũng phải giải quyết các vấn đề tiêu cực từ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình tác nghiệp có nhiều kẽ hở, kế hoạch ứng phó với những sự cố bất ngờ còn bị bỏ ngỏ, hệ thống công nghệ thông tin gặp sự cố, ngừng hoạt động, sự hiểu biết và thái độ của nhân viên ngân hàng. Trong đó nổi cộm lên những rủi ro như sự không rõ ràng giữa Ban quản trị và Ban điều hành, độ độc lập của Ban quản trị rủi ro, quy trình cho vay không rõ ràng, phân tán mỗi nơi mỗi kiểu… Để có thể hoạt động hiệu quả, ngân hàng cần quản trị tốt các rủi ro này.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình tại VIB, ông Minh cho biết VIB hướng đến tam giác chiến lược, tăng trưởng doanh thu, nâng cao năng suất lao động, quản trị rủi ro nhất quán trong “MỘT” ngân hàng để trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam. HĐQT sẽ hoạch định chiến lược còn Ban điều hành thực hiện chiến lược này hàng ngày để tách bạch các hoạt động kinh doanh, phê duyệt, tác nghiệp…

Tại Việt Nam mới chỉ có VIB áp dụng Hệ thống quản trị chi phí (EMS). Dự án này cũng đã được đánh giá cao tại sự kiện “Asean CIO/CSO of the Year” mới đây bên cạnh các dự án Phê duyệt tín dụng tập trung (LOS) và Xây dựng trung tâm dữ liệu và trung tâm phục hồi thảm họa (DCDR) của ngân hàng.

Hệ thống quản trị chi phí (EMS) là giải pháp sáng tạo cho phép kiểm soát chuỗi cung ứng của ngân hàng một các mềm dẻo, hiệu quả, nhanh chóng đem lại lợi ích cho VIB và hoàn vốn. EMS cho phép thay thế các văn bản giấy nội bộ và gửi chuyển phát nhanh từ gần 160 chi nhánh của VIB về Hội sở, là hệ thần kinh số để quản lý ngân sách, chi phí, mua sắm và quản lý tài sản của VIB theo một chuẩn mực thống nhất trên toàn quốc. Mọi thông tin đều được lưu lại trong Hệ thống, giảm thiểu thời gian phê duyệt, thời gian tìm văn bản và dễ dàng trong việc lưu trữ, thuận tiện cho Ban dịch vụ tài chính Hội sở VIB, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập khi thực hiện kiểm toán.

Dự án này nằm trong chuỗi các dự án tối ưu hóa và tự động hóa quy trình của chương trình “Tối ưu hóa mô hình hoạt động” đã góp phần làm giảm 14% chi phí vận hành của VIB (tương đương giảm 255 tỷ đồng) năm 2013 so với năm 2012. VIB cho biết hệ thống này sẽ mang lại hiệu quả trong thời gian dài, có thể lên đến 14-15 năm, trong khi chỉ phải đầu tư ban đầu 1 lần. Đáng chú ý là việc VIB đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin từ 7-8% doanh thu tương tự theo thông lệ nhiều nước quốc tế trong khi khoản đầu tư này tại nhiều ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức từ 3-4%.

Bên cạnh đó, thành quả của việc áp dụng công nghệ mới và vận hành hệ thống quả trị rủi ro là việc tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mới của VIB chỉ ở mức khoảng 1%.

VIB được nhận giải “Ngân hàng có chi nhánh tiêu biểu” và “Lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc” trong khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam 2014 do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV). Giải thưởng nhằm tìm kiếm và tôn vinh những ngân hàng đã có những hoạt động xuất sắc và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung; vinh danh các “Lãnh đạo Công nghệ thông tin” (CIO) và các “Lãnh đạo An ninh thông tin” (CSO) xuất sắc trong khu vực Đông Nam Á (Asean CIO/CSO of the Year).

Đặc biệt với giải thưởng Lãnh đạo Công nghệ thông tin, VIB được đề cử với ba dự án Hệ thống quản trị chi phí (EMS), Phê duyệt tín dụng tập trung (LOS), Xây dựng trung tâm dữ liệu và trung tâm phục hồi thảm họa (DCDR). Là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng ý tưởng và triển khai các dự án công nghệ của VIB, ông Trần Nhất Minh – Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc VIB đã được công nhận là Lãnh đạo Công nghệ thông tin xuất sắc khu vực Đông Nam Á năm 2014.

Ông Trần Nhất Minh là Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VIB. Ông phục trách quản trị doanh nghiệp và công nghệ ngân hàng. Trước khi gia nhập VIB, ông Minh từng nắm giữ các chức vụ Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành, COO và CIO. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực quản trị và công nghệ thông tin với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài trong các dự án phát triển CNTT, kiến trúc doanh nghiệp và ứng dụng các giải pháp CNTT, tối ưu hóa mô hình hoạt động và tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ. Tại VIB, ông Minh là người phụ trách Khối Dịch vụ Tổng hợp và Khối Dịch vụ Công nghệ ngân hàng, tham gia chỉ đạo trực tiếp các dự án ứng dụng CNTT để giảm thiểu rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành.

Ông Minh nhận bằng Tiến sỹ ngành Viễn thông tại Trường Tổng hợp kỹ thuật viễn thông và tin học Moscow (MTUCI) và bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh trong chương trình hợp tác giữa Đại học Mở (Vương quốc Anh) và học viện quản trị quốc tế LINK (LB Nga).

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   Dư nợ bất động sản đến tháng 09/2014 tăng 10.8% (04/12/2014)

>   Chỉ số dư nợ trên vốn huy động (LDR) thấp nhất trong nhiều năm (04/12/2014)

>   Người Việt đầu tiên làm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam (04/12/2014)

>   Hệ thống tài chính đang kém hiệu quả (04/12/2014)

>   TS Cấn Văn Lực luận bàn về xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ (04/12/2014)

>   NHNN có thể đã bán ra đến 1,5 tỉ đô-la để giữ tỷ giá (03/12/2014)

>   Sacombank nhận giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu của năm 2014 (03/12/2014)

>   VietinBank 5 năm liền đạt Top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (03/12/2014)

>   Thu hút kiều hối cuối năm (03/12/2014)

>   VAMC- công cụ xử lý nợ xấu đặc thù và khả thi (03/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật