Chới với vì vay tiêu dùng
Nhiều người vay tiền mua hàng trả góp chỉ quan tâm đến số tiền phải trả cố định hằng tháng, đến khi không trả được và bị xếp vào nợ quá hạn mới “té ngửa” vì lãi suất quá cao
Ông Nguyễn Quốc Hùng, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết con gái ông là Nguyễn Quốc Hồng Trân có vay tiêu dùng trả góp của Công ty TNHH MTV Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit) số tiền 5.843.000 đồng vào ngày 18-2-2014, do không trả nợ đúng hạn nên đến ngày 17-6, số tiền tăng lên đến 9.024.000 đồng.
Nhân viên một ngân hàng tư vấn cho vay ô tô tại một triển lãm về ô tô ở TP HCM (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
|
Lãi suất... hơn 85%/năm
Tháng 2, con gái ông Hùng có nhu cầu mua một điện thoại hiệu iPhone 4S giá ghi trên hóa đơn là 8,5 triệu đồng. Khoản tiền mặt trả trước 3 triệu đồng, số tiền đề nghị vay của Home Credit là 5.843.000 đồng (trong đó có 343.000 đồng phí bảo hiểm). Thời hạn vay 12 tháng với lãi suất 7,09%/tháng. Do vay trả góp, số tiền mỗi tháng khách hàng phải trả là 752.000 đồng.
Đến ngày 17-6, do không trả được nợ, gia đình ông Hùng nhận thông báo quyết định đơn phương chấm dứt sớm hợp đồng tín dụng từ Home Credit về khoản vay trên. Con gái ông Hùng phải thanh toán cho Home Credit đầy đủ khoản tồn đọng và bồi thường các thiệt hại vì chấm dứt sớm hợp đồng với tổng số tiền 10.374.000 đồng. “Nếu công ty không nhận được đầy đủ khoản thanh toán kể trên trong 10 ngày, công ty sẽ khởi kiện ra tòa, đồng thời sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương” - thư thông báo của Home Credit nêu.
Sau đó, gia đình ông Hùng tiếp tục nhận được thư cảnh báo từ Công ty Luật TNHH Đức Tín và cộng sự, căn cứ đơn yêu cầu ủy thác của Home Credit.
“Trường hợp cho vay này có phải một dạng tín dụng đen vì lãi suất tương đương 85,08%/năm? Có vi phạm pháp luật về cho vay nặng lãi theo điều 163 Bộ Luật Hình sự năm 2009 hay không?” - ông Nguyễn Quốc Hùng thắc mắc.
Cơ quan quản lý thả nổi
Trường hợp con gái ông Hùng không phải cá biệt mà nhiều khách hàng khác cũng vay tiêu dùng với lãi suất cao ngất ngưởng, dao động từ 25%-70%/năm. Bà Nguyễn Thị Tuyết V. (ngụ quận 10, TP HCM) vừa tất toán khoản vay từ Home Credit để mua điện thoại với mức lãi suất 7,41%/tháng (tương đương 88,92%/năm). Hiện bà V. còn kẹt khoản vay 15 triệu đồng trả góp hằng tháng với mức lãi suất 6,58%/tháng (tương đương 78,56%/năm). “Khoản vay của tôi chỉ còn 3 kỳ đóng lãi là kết thúc nhưng tôi bức xúc không chỉ lãi cao mà còn về cách hành xử của nhân viên công ty khi liên tục điện thoại, nhắn tin như “đòi nợ” dù chưa tới ngày đóng” - bà V. phản ánh.
Theo giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ do bà V. ký với Home Credit ngày 27-1, hợp đồng tín dụng hơn 3 tháng sau mới được gửi về nhà. Căn cứ theo ngày ký, bà V. nghĩ chỉ cần trả lãi 3-4 ngày trước mốc ngày 27 hằng tháng là được. Nhưng hợp đồng lại ghi kỳ thu nợ ngày 18 hằng tháng. “Cứ khoảng ngày 13-14 là nhân viên công ty điện thoại, nhắn tin giục trả nợ, bất kể giờ giấc. Gia đình tôi cũng lục đục vì cho rằng tôi làm ăn bên ngoài ra sao mà để người ta liên tục gọi đến nhà đòi nợ, rồi gọi cả cho số di động của chồng, con tôi” - bà V. ấm ức.
Vài năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phát triển khá mạnh khi đánh vào yếu tố thủ tục nhanh, gọn, đơn giản tối đa cho khách hàng. Hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán xe máy, bán điện thoại di động, hàng điện tử điện lạnh… đều có nhân viên tư vấn tại chỗ và sẵn sàng ký hợp đồng cho khách hàng vay trong vòng 30 phút.
Ghé vào một siêu thị điện thoại di động trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, phóng viên ghi nhận chỉ riêng ở đây có đến 3 công ty cho vay mua hàng trả góp gồm Home Credit, Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam và Công ty Tài chính của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank). Nhân viên tư vấn của Home Credit cho biết đang có chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ 1,68%/tháng (20,16%/năm) với điều kiện khách hàng có CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động, sao kê lương 6 tháng, hóa đơn điện/nước/điện thoại. Tuy nhiên, để được vay lãi suất này, thu nhập của khách hàng phải khoảng… 10 triệu đồng/tháng. “Nếu tôi chỉ có CMND và bằng lái xe, hộ khẩu thì lãi suất là bao nhiêu?” - phóng viên hỏi. “Khoảng 70%/năm!” - nhân viên tư vấn nói.
Tại quầy kế bên, Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam không dùng lãi suất vay trả góp mà sử dụng “phí trả chậm” với các mức từ 1,69% đến 2,45%/tháng. Thủ tục gồm CMND, hộ khẩu, các loại hóa đơn thanh toán tiền điện/nước/truyền hình cáp. Về khoản “phí trả chậm”, nhân viên tư vấn cho biết đây chính là lãi suất cho vay nhưng do ACS là công ty thương mại nên không được dùng từ “lãi suất” để quảng bá.
Nhận xét về hoạt động cho vay trả góp, vay tiêu dùng của một số công ty tài chính thời gian qua, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đang có sự thả nổi, thiếu kiểm soát của cơ quan quản lý. Bằng chứng là quy định không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, khi NH Nhà nước áp trần lãi suất cho vay. Còn hiện nay trên thực tế, rất nhiều khoản vay trên mức này và lãi suất cho vay là thả nổi.
Lãi suất cao là đương nhiên (!?)
Sau khi phóng viên liên hệ, Home Credit đã có thư phúc đáp ông Nguyễn Quốc Hùng về mức tính lãi suất, phí phạt. Về lãi suất cho vay 7,09%/tháng, Home Credit cho biết áp dụng theo Thông tư 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên được áp dụng theo nguyên tắc thỏa thuận, tính theo dư nợ gốc giảm dần, khoản trả góp hằng tháng được tính phù hợp số tiền vay... đều được quy định trong hợp đồng.
Về mức phí phạt vi phạm hợp đồng do chậm thanh toán cũng được quy định trong hợp đồng. Tính đến ngày 24-11, khách hàng đã để quá hạn thanh toán 251 ngày kể từ ngày 18-3 (kỳ trả lãi đầu tiên), với số tiền 9.374.000 đồng.
|
Thái Phương
người lao động
|