Ba máy bay gặp nạn năm 2014 có cùng một hãng bảo hiểm
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), cả ba chiếc máy bay bị mất tích trong năm 2014 của các hãng hàng không Malaysia đều ký hợp đồng bảo hiểm với cùng một công ty tại Đức là Allianz.
* Máy bay AirAsia mất tích bí ẩn cùng 162 người
* Cổ phiếu AirAsia mất giá hơn 7% một ngày sau vụ máy bay mất tích
Hãng hàng không Malaysia Airlines là một trọng các khách hàng chính của công ty bảo hiểm Đức. Công ty Allianz cũng đồng thời là đơn vị bảo hiểm chính của chuyến bay MH370, mất tích hồi tháng 3-2014, khi đang bay qua vùng biển Ấn Độ Dương, và chuyến bay MH17 bị rơi tại miền Đông Ukraine hồi tháng 7-2014.
Nữ phát ngôn viên của công ty bảo hiểm Đức khẳng định với hãng tin Reuters rằng: “Tập đoàn bảo hiểm Allianz Global Corporate & Specialty UK (AGCS) là đơn vị bảo hiểm chính của hãng hàng không AirAsia, đối với các vấn đề về lớp vỏ máy bay và bảo hiểm rủi ro”.
Chiếc QZ8501 đang mất tích có cùng hãng bảo hiểm với 2 chiếc máy bay gặp nạn trước đó của Malaysia Airlines
|
Ngoài việc xác nhận mình là đơn vị bảo hiểm cho chuyến bay bị mất tích của hãng hàng không AirAssia, phía Allianz đã từ chối công bố mức bảo hiểm mà mình phải chi trả cho vụ việc lần này. Tuy nhiên, theo ước đoán của Reuters, số tiền mà Allianz phải chi ra trong vụ tai nạn của QZ8501 sẽ lên đến gần 100 triệu đô la Mỹ.
Giá trung bình của một chiếc Airbus 320, dòng máy bay của chiếc QZ8501, là vào khoảng 94 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, tính theo “tuổi” của chiếc QZ8501, mức tiền bảo hiểm chi trả có thể sẽ thấp hơn. Ngoài phí bảo hiểm cho chiếc máy bay, Allianz còn phải chi trả luôn các khoản hỗ trợ thân nhân của các hành khách trên chuyến QZ8501.
Theo Công ước hàng không Montreal, phí bảo hiểm cho mỗi hành khách cũng được ước đoán vào khoảng 165.000 đô la Mỹ/ người, tương đương 27 triệu đô la Mỹ cho toàn bộ 162 người có mặt trên chuyến bay của hãng hàng không AirAsia.
Tuy nhiên, theo thông tin của hãng Reuters, mức đền bù thậm chí có thể sẽ còn cao hơn nữa nếu như ngoài yếu tố thiên tai rủi ro còn phát hiện thêm các yếu tố sai phạm về kỹ thuật như lỗi của phi công hay các lỗi trong kiểm tra trước chuyến bay. Theo John Ribbands, một chuyên gia về luật bảo hiểm hàng không tại Melbourne (Úc), “nếu phát hiện yếu tố sơ suất, số tiền bảo hiểm sẽ bị đòi hỏi với mức giá trên trời”.
Kiệt Anh
pháp luật tphcm
|