Lao động của người khuyết tật: Cung khó gặp cầu
Đầu tháng 12 năm nay, Chính phủ đã phê duyệt Công ước quốc tế về hiện thực hóa quyền lợi của người khuyết tật, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật nhưng trên thực tế cung cầu lao động vẫn chưa gặp nhau.
Người khuyết tật bán vé số tại chợ Bến Thành. Ảnh: Quỳnh Vân
|
Báo cáo ngày 23-12 của Trung tâm nghiên cứu phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) cho biết, tại thời điểm năm 2010 TPHCM có 44.325 người khuyết tật (NKT), trong đó có 38.041 NKT thường trú và 5.714 NKT tạm trú (diện KT3, KT4). Trong số này chỉ có khoảng 6.000 người có việc làm.
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người khuyết tật
Khảo sát của DRD cho thấy, trong 30 doanh nghiệp (DN) mà DRD liên hệ (gồm có DN tư nhân, DN nhà nước và DN nước ngoài) có đến 14 DN có nhu cầu tuyển lao động NKT.
Ông Lê Hữu Thương, phụ trách ban việc làm của DRD cho biết trung tâm đã kết nối với 50 doanh nghiệp có tuyển dụng người khuyết tật, đa số là các doanh nghiệp trong ngành may mặc”, ông Thương chia sẻ.
Bà Phan Thanh Tâm, Giám đốc thiết kế Công ty TNHH Fagi (quận 12, TPHCM), một công ty may mặc, cho biết hiện công ty có 8 nhân viên là người khuyết tật đảm nhiệm các vị trí bảo vệ, thủ kho… Bản thân bà Tâm cũng là người khuyết tật nên bà ưu tiên cho các ứng viên NKT.
Bà Trần Thị Trung Thuận, đại diện Công ty Thiên Tâm kinh doanh thảo dược và các sản phẩm từ thảo dược cho biết công ty bà thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động là NKT. Một số nhân viên của công ty bà là những NKT bị khiếm thính, khiếm thị… được giao làm những công việc đơn giản như là phân loại lá, thêu, may.
…Nhưng khó gặp cung
Tuy các DN có nhu cầu nhưng thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp than rằng khó tuyển lao động là NKT thông qua các trung tâm giới thiệu, cung ứng lao động.
Bà Tâm chia sẻ rằng dù thông qua nhiều trung tâm, các tổ chức NKT, công ty của bà cũng không thể nào tuyển được. Tương tự, bà Thuận cũng cho rằng chưa có cầu nối thực sự giữa NKT và doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hữu Thương, trong tổng số các công ty tuyển lao động là NKT thì có đến 80% là công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc nhưng có đến 90% số người khuyết tật không muốn làm công việc này. Đó là một nghịch lý mà hiện nay DRD không thể nào giải quyết được.
Bà Huỳnh Thị Sương, Phó trưởng phòng giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM cho rằng, trong tình hình hiện nay giải quyết việc làm cho số sinh viên ra trường hàng năm và số người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn chứ nói chi đến lao động là NKT có trình độ thấp.
Bên cạnh đó, theo ông Thương thì việc đào tạo nghề cho NKT hiện nay chưa hiệu quả, bởi với các chương trình đào tạo ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng thì NKT khó có thể có tay nghề cao, vững như đòi hỏi của các doanh nghiệp tuyển dụng.
Theo khảo sát của DRD, nhìn chung lực lượng lao động NKT có trình độ thấp, cụ thể có đến trên 1/3 trong 42.800 NKT trên 6 tuổi chưa từng đi học, trên 16.600 NKT có trình độ ở bậc tiểu học (cấp 1) và chỉ có 327 NKT có trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật.
Hoa Vân
thời báo kinh tế sài gòn
|