Thứ Sáu, 28/11/2014 18:18

Xác lập phân khúc thị trường cho thuê tài chính

“Nếu chúng ta có một cơ chế tốt, rõ ràng, có một bộ máy quản lý kinh nghiệm thì thị phần CTTC có thể phát triển được. Chính vì vậy, trong giai đoạn này NHNN nên xem xét, đặc biệt là cơ chế bộ máy, quy định về quản lý rủi ro, nâng tầm nên, quan tâm cụ thể hơn, có hành lang pháp luật chặt chẽ thì hoạt động tốt hơn”, Chủ tịch HĐQT Agribank Leasing II Hoàng Ngọc Tiến nói.

Chìm nổi với thị trường

Sự tồn tại và phát triển của các công ty cho thuê tài chính (CTTC) trong gần 20 năm qua đã minh chứng cho sức sống của một mô hình. Tuy nhiên, những vết đen của một vài công ty CTTC trước đây đang không chỉ khiến cho xã hội có một cái nhìn e dè, mà ngay cả với các cơ quan quản lý, ban hành chính sách cũng tỏ ra quan ngại và “quay lưng” với mô hình này, khiến hoạt động tài chính của công ty CTTC ngày càng bị bó hẹp.

Chủ tịch HĐQT Agribank Leasing II Hoàng Ngọc Tiến - một trong những người đặt nền móng cho hoạt động của công ty này - không khỏi tiếc nuối một quá khứ hào hùng của các công ty CTTC. “Từ năm 1998 – 2005, hoạt động CTTC rất tốt, góp phần vào trang bị máy móc thiết bị cho các DN”, ông Tiến nhận xét. Đó là nhờ sự nỗ lực của các công ty CTTC, nhưng đồng thời thị trường thời gian đó cũng khá thuận lợi, với cơ chế ngăn cách NHTM không được cho vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải. Chính vì vậy, thị phần này tập trung vào CTTC.

“Hệ thống phương tiện vận tải phát triển như Vinasun bây giờ, Mai Linh một thời, hoặc Hoàng Long rồi nhiều hàng vận tải khác phát triển là nhờ CTTC”, ông Tiến nói xen lẫn chút tự hào. Tuy nhiên, đến giai đoạn này hoạt động CTTC rất khó khăn, ảm đạm và bị thu hẹp lại. Bằng chứng mà ông Tiến đưa ra từ nghiên cứu ở các nước là họ có luật về CTTC. Còn ở Việt Nam trước đây, công ty CTTC có một nghị định riêng thì nay được ghép chung trong một nghị định với công ty tài chính. “Như vậy, nếu về mặt chính sách tôi cho rằng đó là sự đi xuống”, ông Tiến nhìn nhận.

Quy mô công ty CTTC ở Việt Nam bị thu hẹp trong khi trên thế giới từ năm 2009 - 2013 phát triển rất tốt. Riêng 2013, doanh số tài sản mua bán thông qua CTTC chiếm 800 tỷ USD. Tại Việt Nam, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới khó khăn hiện nay là do chủ quan trong điều hành của các công ty CTTC. Bằng chứng là 3 công ty hoạt động không hiệu quả là Vinashin Leasing và 2 công ty CTTC của Agribank, vì đều phát triển tập trung vào tàu bè và thiết bị xây dựng, có sơ hở trong quản lý và kỹ thuật.

Một nguyên nhân khác là mô hình còn mới, chưa lớn nên việc quan tâm về cơ chế cho nó phát triển vẫn chưa kịp thời, rồi sau đó bị hòa nhập vào thị trường cạnh tranh của các TCTD. Theo Hiệp hội CTTC, những vướng mắc trong kinh doanh CTTC đến từ chính sách nguồn vốn, thuế, thu hồi tài sản đảm bảo…

Ví như cơ chế xử lý tài sản dù đã có riêng một thông tư liên ngành cho công ty CTTC, nhưng thực tế thực hiện có khá nhiều vấn đề liên quan đến tàu, xà lan, các thiết bị xây dựng cho thuê không thể thu hồi cần có sự vào cuộc của cả Bộ Giao thông - Vận tải, Cảnh sát giao thông… Hiện có rất nhiều ô tô của công ty CTTC mà khách hàng không chịu trả, nhưng người ta cứ chạy bằng cách này, cách khác, vẫn đăng kiểm được, thậm chí là… sang tên.

Sáng lên nhân tố tích cực

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Leasing Nguyễn Minh Sáu chia sẻ, chuyển sang Vietcombank Leasing từ năm 2008 ông cũng có lúc rất tâm trạng với suy nghĩ, “những chính sách như thế này thì làm sao mà làm được”. Ông Sáu cho rằng, chưa cần phải quan tâm hơn đến công ty CTTC mà vấn đề là công bằng. Ví như, công ty CTTC cũng làm được sản phẩm tín dụng trung và dài hạn. Nhưng, có những chính sách khi “chắp bút” không có công ty CTTC vì… quên.

Tuy nhiên, nhưng câu chuyện của các công ty CTTC đã là quá khứ và dù NHNN không nói thì các DN vẫn phải tồn tại, tái cơ cấu để phát triển. Bằng chứng là 60% các công ty CTTC vẫn hoạt động hiệu quả. Như Vietcombank Leasing, tăng trưởng CTTC đến cuối tháng 10/2014 đã là 15%, cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống TCTD. Dự kiến, với các hợp đồng giải ngân đến cuối năm 2014, dư nợ của Vietcombank Leasing sẽ tăng 23% trong năm nay…

Với thị trường và sức khỏe DN trong năm 2014, ông Sáu tự nhìn nhận làm được như thế là rất tốt. Dù lợi nhuận sụt giảm mạnh so với những năm trước do lãi suất liên tục giảm, nhưng công ty đã đồng hành cùng DN. “Nói thế để thấy, vẫn có nhiều DN tốt và có chính sách phù hợp thì họ sẽ làm với chúng ta”, ông Sáu một lần nữa đặt kỳ vọng với sự phát triển của ngành.

Ngay cả với một vị Chủ tịch đang ở trong tình thế bi quan như ông Tiến - đơn vị chỉ đi thu hồi nợ mà không được mở rộng cho vay - vẫn có niềm tin vào sự phát triển của mô hình này, khi chỉ ra cho thuê dây chuyền thiết bị máy móc, công nghệ mới thời gian qua hoạt động rất tốt. Ông Tiến đề xuất, cần phân tách thị trường giữa NHTM và công ty CTTC, trong đó NHTM cũng có thị phần riêng thì không nên cho vay thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là máy móc thiết bị và động sản. Như thế mới có dư địa cho công ty CTTC hoạt động.

“Nếu chúng ta có một cơ chế tốt, rõ ràng, có một bộ máy quản lý kinh nghiệm thì thị phần CTTC có thể phát triển được. Chính vì vậy, trong giai đoạn này NHNN nên xem xét, đặc biệt là cơ chế bộ máy, quy định về quản lý rủi ro, nâng tầm nên, quan tâm cụ thể hơn, có hành lang pháp luật chặt chẽ thì hoạt động tốt hơn”, ông Tiến nói.

Trên góc độ của cơ quan trực tiếp theo dõi giám sát các công ty CTTC, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Đào Quốc Tính mong muốn, Hiệp hội CTTC sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý ngành và các công ty CTTC, để có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chính sách của ngành, cũng như hỗ trợ khơi thông các vướng mắc của công ty CTTC với các bộ, ngành liên quan. “Chúng tôi, những người quản lý chính sách, thanh tra kiểm tra, giám sát, luôn sẵn sàng hỗ trợ, cởi mở, cùng phát triển”, ông nói.

Minh Ngọc

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   VietABank: Ưu đãi đặc biệt cho khách hàng trên 45 tuổi (02/12/2014)

>   Đưa nợ xấu về dưới 3%: Khó nhưng khả thi (28/11/2014)

>   Lãi cận biên không chạy kịp tăng trưởng cho vay và đầu tư tại ngân hàng (28/11/2014)

>   Được vay vốn để xây trường mầm non công lập (28/11/2014)

>   Sau Vietcombank, đến lượt VietinBank giảm trần lãi suất huy động (27/11/2014)

>   Cuối năm, ngân hàng tăng cường đẩy tín dụng (28/11/2014)

>   Ngân hàng TMCP Sài Gòn bổ sung hoạt động "Đại lý bảo hiểm" (27/11/2014)

>   Chấp thuận tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở tháng 10/2014 (26/11/2014)

>   ABBank hỗ trợ cho vay doanh nghiệp SME với lãi suất giảm đến 4%/năm (26/11/2014)

>   Thông tư 36 có tác động mạnh đến Ngân hàng Quân đội? (26/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật