Đưa nợ xấu về dưới 3%: Khó nhưng khả thi
Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% đến cuối năm 2015. Thủ tướng Chính phủ trong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vừa qua cũng khẳng định quyết tâm đạt được mục tiêu này.
Từ hành chính tới thị trường
Trước khi nói đến vấn đề nợ xấu, hãy quay lại một vài vấn đề của thị trường tài chính NH Việt Nam trong nhưng năm gần đây. Cách đây khoảng 3 năm, câu chuyện lạm phát, lãi suất, tỷ giá luôn là đề tài nóng trên mặt báo. Dù là phân tích cùng lúc các yếu tố trên, hay đi sâu vào từng vấn đề cụ thể thì người ta đều thấy ba vấn đề trên luôn là 3 góc trong “Tam giác quỷ” trên thị trường tài chính NH Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cần được tăng cường vì nợ xấu liên quan đến BĐS khá nhiều
|
Muốn kéo góc này nhỏ xuống thì lập tức các góc còn lại phình lên và tóm lại là gần như không thể giải quyết. Bởi nếu lạm phát vẫn ở mức 2 con số thì làm sao kéo được lãi suất về mức 1 con số? Hay bảo tỷ giá làm sao không biến động mạnh khi giá đô la trên thị trường chợ đen luôn dẫn dắt tỷ giá chính thức và thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng cho những biến động lớn?
Do đó, nếu vào năm 2011 hay trước đó, có lẽ mọi người mơ cũng không bao giờ dám tin lạm phát, lãi suất sẽ chỉ biến động đâu đó quanh mức 5%, hay tỷ giá có biến động cũng chỉ trong biên độ 1-2%/năm. Nay thì giấc mơ có thật và câu chuyện về “Tam giác quỷ”: lạm phát – lãi suất – tỷ giá cũng theo đó dần đi vào quên lãng.
Một câu chuyện nữa là về khả năng thanh khoản hệ thống những năm trước đây. Bao giấy mực, chất xám cũng đã được tung ra để mổ xẻ, phân tích, cuối cùng cũng chỉ để chấp nhận một thực tế là: tình hình thanh khoản của hệ thống luôn “căng như dây đàn”. Ai ai cũng cho rằng, vấn đề thanh khoản đã là “căn bệnh mãn tính” của hệ thống tài chính NH và sẽ không có thuốc nào chữa được, đặc biệt luôn bùng phát trầm trọng vào các dịp cuối năm (như thời điểm lúc này). Giờ thì căn bệnh ấy biến đâu rồi nhỉ?
Tất nhiên, đã là thị trường thì từ tỷ giá, lãi suất, thanh khoản hay các yếu tố khác sẽ không có gì là cố định, bất biến. Thế nên, việc vẫn có lúc này lên, lúc kia xuống nhưng về cơ bản là luôn trong biên độ mà các nhà hoạch định chính sách đã đặt ra và thị trường cũng chấp nhận được. Đấy là những thành công lớn.
Một điểm khác cần nhắc tới là trong những thời điểm khó khăn trước đây, khi đôi lúc NHNN thậm chí phải đưa các giải pháp mang tính hành chính, ngắn hạn để giải quyết các vấn đề về thanh khoản, tỷ giá, lãi suất... Khi đó, NHNN cũng nhận rất nhiều quan điểm phê bình cho rằng, việc can thiệp bằng các biện pháp hành chính như vậy sẽ dẫn đến những méo mó thị trường nên cần sớm loại bỏ. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, từ những giải pháp có thể là hành chính lúc đầu nhưng đã dẫn đến những tác động thị trường thực sự.
Đơn cử về lãi suất, quyền chủ động hiện nay gần như đã thuộc hoàn toàn trong tay các TCTD. Nếu các NH có nhu cầu tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng thì xin mời. Nhưng rõ ràng, thực tế là lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng của hầu hết các NH hiện chỉ phổ biến quanh 6%. Lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng thì cũng ngày càng cách xa so với trần quy định. Lúc này, chính thị trường, chính nhu cầu cân đối huy động vào và cho vay ra mới là yếu tố quyết định đến hoạt động của các NH. Bởi vậy, không ngoa khi nói rằng, những giải pháp tưởng như rất ngắn hạn của NHNN nhưng đã tạo ra những tác động thực sự dài hạn.
Biến nhiệm vụ khó thành khả thi
Nói vậy để thấy, dù bằng cách nào đó, thậm chí có thể còn cả các biện pháp hành chính nhưng cũng có cơ sở để tin rằng, vấn đề nợ xấu rồi cũng sẽ đến được đích cần đến. Thực ra, mục tiêu đưa nợ xấu về dưới mức 3% và duy trì nó ở đó đã được Chính phủ và NHNN đưa ra từ lâu.
Theo báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIII mới đây, nhờ sự nỗ lực chung, trực tiếp là NHNN và các TCTD, đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 (465 nghìn tỷ đồng). Số liệu đánh giá của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9/2012. Như vậy, mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% không phải quá xa vời, dù biết phần còn lại cũng sẽ là những phần khó làm nhất.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính NH, việc đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của các TCTD là khả thi, nhưng để xử lý được dứt điểm thì cũng cần thời gian. Ví dụ, có những khoản nợ xấu đưa sang VAMC xử lý có thể phải mất tới vài năm, đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo. “Do đó về tổng thể, cần thực hiện triệt để các công việc hiện nay liên quan đến xử lý nợ xấu (XLNX). Trong đó, quan trọng nhất là cần nhanh chóng thể chế hóa về mặt luật pháp cho hoạt động của VAMC. Việc tổng hợp, báo cáo Quốc hội để Quốc hội thông qua trong một Nghị quyết cho tất cả các vấn đề vướng mắc liên quan được xem là một biện pháp tích cực” – TS. Lực đề xuất.
Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này khi không phải ngẫu nhiên mà trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội vừa qua, việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc XLNX, nhất là các quy định về mua, bán nợ và tài sản đảm bảo, trách nhiệm của người đi vay và quyền của chủ nợ đã được đặt lên là ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp XLNX thời gian tới.
Tiếp đó, khi đã có hành lang pháp lý rõ ràng thì khâu triển khai thực hiện phải hết sức quyết liệt. Song song với đó, cần thúc đẩy để đảm bảo tiến trình tái cơ cấu DNNN, đầu tư công diễn ra đúng lộ trình vì 2 yếu tố này cũng liên quan trực tiếp đến XLNX. Ngoài ra, tiến trình tái cơ cấu các TCTD cũng phải được đẩy nhanh hơn nữa, đặc biệt là giải quyết dứt điểm các NH yếu kém còn lại. Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng cần được tăng cường vì nợ xấu liên quan đến BĐS khá nhiều, xét cả về dư nợ và tài sản đảm bảo.
Kỳ vọng với các bước đi tích cực gần đây như việc VAMC sẽ mua nợ xấu theo giá thị trường với các quy định pháp lý rõ ràng hơn, hay Thông tư 36 (quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD)... vấn đề giải quyết nợ xấu, đưa nợ xấu về dưới mức 3% một lần nữa sẽ là “giấc mơ có thật”.
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|