Vượt “ma trận” thông quan
Từ chỗ thông quan 1 lô hàng xuất nhập khẩu có thể phải mất nhiều thời gian đi xin giấy phép của nhiều bộ, ngành khác nhau, thì với cơ chế một cửa quốc gia (NSW) doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ vào một cửa và chờ kết quả giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Cơ chế một cửa quốc gia sẽ là bước tiến quan trọng trong đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
|
Ngày mai 12/11, Lễ kết nối chính thức hệ thống một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế được tổ chức tại Tổng cục Hải quan. Sự kiện này được kì vọng sẽ là bước tiến quan trọng trong đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan đối với hàng hóa XNK.
Nói một cách đơn giản, cơ chế một cửa quốc gia cũng giống như một phòng làm việc của “liên bộ”. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay vì mất thời gian đi qua nhiều phòng, thuộc nhiều bộ khác nhau để làm thủ tục thông quan, thì chỉ cần gửi hồ sơ vào phòng này sẽ được giải quyết trong thời gian nhanh nhất.
Theo thông tin Bộ Tài chính, 28% tổng lượng thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc về ngành Hải quan, còn lại 72% liên quan tới thủ tục hành chính của nhiều bộ, ngành, lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là, thời gian làm thủ tục thực tế cho một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu từ khi làm thủ tục hồ sơ tới khi hoàn tất thông quan phải đi qua một “ma trận” thủ tục; phụ thuộc vào nhiều quy định, chính sách khác nhau, của nhiều ngành.
Thực tế trong thời gian qua, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu được mang về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành nhưng chậm nộp lại kết quả cho cơ quan Hải quan, có trường hợp 60 ngày, 90 ngày mới có kết quả. Với cả triệu bộ hồ sơ phải chịu sự điều chỉnh của các quy định quản lí chuyên ngành như hiện nay thì việc rút ngắn thời gian giải phóng hàng, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, tăng hiệu quả kinh doanh… là hết sức cần thiết.
Và giải pháp lâu dài đặt ra phải có sự kết nối của nhiều bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện NSW. Theo đó, từ chỗ thông quan 1 lô hàng có thể phải đi xin giấy phép của nhiều bộ, ngành khác nhau rất mất thời gian và phải chuẩn bị nhiều chứng từ, thì DN chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất tới NSW.
Sau đó, NSW sẽ chuyển thông tin tới các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cảng biển như: Bộ Giao thông vận tải (Cảng vụ), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng (Biên phòng), Bộ Y tế (Kiểm dịch y tế), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Kiểm dịch động vật, thực vật)…
Khi các cơ quan quản lý chuyên ngành đưa ra quyết định xử lý đối với các chứng từ một cửa (đồng ý cấp phép hoặc từ chối cấp phép) hệ thống NSW sẽ chuyển kết quả xử lý tới hệ thống cảng vụ hàng hải. Cảng vụ hàng hải đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc cho phép tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh.
Sau một thời gian chuẩn bị cả về hạ tầng, nhân lực, ngày mai 12/11, Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ triển khai chính thức với 3 thủ tục đầu tiên được thực hiện đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh.
9 DN đầu tiên được lựa chọn tham gia NSW gồm: SITC Việt Nam; Dịch vụ hàng hải Nhật Thăng; Chi nhánh Công ty CP vận tải và thuê tàu tại Hải Phòng (Vietfrancht); Hanjin Shipping Việt Nam; Vitamas (hãng NYK Line Vietnam); Công ty đại lý Liên hiệp vận chuyển Gemadept; Vận tải dầu khí Sài Gòn (SP Shipping); Hoyer Transport Việt Nam và Dịch vụ giao nhận vận tải Sao Đại Dương.
Dẫn lời ông Vũ Kiên Trung, Kiểm dịch viên, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Sở Y tế Hải Phòng, Báo Hải quan cho biết, việc thao tác các thủ tục trên Hệ thống tương đối đơn giản, dễ hiểu. Lực lượng Kiểm dịch sẽ tiếp nhận những hồ sơ khai báo của DN từ Cổng thông tin điện tử của NSW và thực hiện các thủ tục theo quy định, sau khi hoàn tất sẽ chuyển trả kết quả lại Cổng thông tin điện tử cho cơ quan Cảng vụ làm cơ sở đưa ra quyết định cuối cùng để giải quyết thủ tục cho hãng tàu.
Từ phía DN, ông Vũ Duy Mẫn, Phó Giám đốc Công ty Vietfracht (Công ty được Tổng cục Hải quan lựa chọn triển khai chính thức NSW) cho biết, việc triển khai NSW sẽ đem lại cho DN nhiều lợi ích như rút ngắn thời gian cho các đại lý viên khi tham gia khai báo. Khi thực hiện cập nhật thông tin một thông tin bất kỳ, ệ thống sẽ giúp chuyển tải thông tin tới rất nhiều cơ quan chức năng, nhờ đó DN sẽ được kết quả một cách nhanh nhất.
PV
Chính phủ
|