Chủ tịch nước dự APEC 22
Hôm nay (9-11), đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu lên đường đến Bắc Kinh dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 (APEC 22).
Tự chụp ảnh lưu niệm trước một nơi quảng bá Hội nghị thượng đỉnh APEC ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8-11 - Ảnh: AFP
|
Đây là hội nghị đánh dấu 25 năm thành lập APEC và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư. Hội nghị lần này có chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, và sẽ tập trung trao đổi ba nội dung chính: thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; đẩy mạnh phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.
Tham dự APEC 22 từ ngày 9 đến 11-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu dự kiến có khoảng 26 hoạt động, bao gồm các hoạt động lớn nhất của tuần lễ cấp cao APEC 22, tiếp xúc với lãnh đạo các đối tác quan trọng trong APEC và nhiều tập đoàn quốc tế.
Bên cạnh bài phát biểu trong hội nghị cấp cao, Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ là diễn giả chính tại phiên 9 của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 về “Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, hạ tầng cơ sở và chính sách”.
Trang web chính thức của APEC 2014 cho biết Bắc Kinh dự kiến đón hơn 10.000 đại biểu tham gia tuần lễ cấp cao APEC, bao gồm lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, quan chức tháp tùng, đại diện khu vực kinh doanh và các nhà báo. Hiện nay Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho đăng cai APEC 2017.
Hi vọng thượng đỉnh Trung - Nhật
Nhiều hoạt động cấp bộ trưởng đã diễn ra hôm qua, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC. Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ hi vọng Nhật Bản có thể tạo ra bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp mặt dự kiến sắp tới giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị APEC.
Trả lời các câu hỏi của báo giới về buổi gặp mặt giữa ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc rất coi trọng những yêu cầu liên tiếp từ phía Nhật Bản.
“Chúng tôi hi vọng phía Nhật Bản sẽ nghiêm túc, chân thành và thực hiện đúng cam kết đưa ra nhằm tạo ra một bầu không khí cần thiết và thuận lợi cho buổi đối thoại sắp tới giữa lãnh đạo hai nước” - ông Vương Nghị nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lập tức hoan nghênh động thái giảm căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
“Tôi muốn nói rõ rằng Mỹ hoan nghênh sáng kiến trên. Chúng tôi tin rằng bất cứ bước đi nào mà Trung Quốc và Nhật Bản có thể thực hiện để cải thiện quan hệ và giảm căng thẳng đều mang đến lợi ích, không chỉ cho riêng hai nước mà còn cho cả khu vực” - ông Kerry nhấn mạnh.
Tại Bắc Kinh cũng đã diễn ra cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiết lộ Mỹ và Nga đã đồng ý trao đổi thông tin về tình trạng căng thẳng biên giới Nga - Ukraine.
“Chúng tôi có một số bất đồng về một số sự kiện liên quan đến Ukraine. Chúng tôi đã nhất trí trao đổi thông tin về vấn đề này. Cuộc đối thoại này sẽ tiếp tục” - ông Kerry trả lời báo giới ở Bắc Kinh.
Trong khi đó, ông Alan Bollard, giám đốc điều hành ban thư ký của APEC, cho biết các quốc gia thành viên APEC đã đồng ý thiết lập một mạng lưới chống tham nhũng do Trung Quốc dẫn đầu. Theo đó, các thành viên nhất trí về hợp tác dẫn độ các quan chức tham nhũng, tăng cường các nỗ lực lấy lại tài sản và thiết lập mạng lưới chống tham nhũng bằng cách chia sẻ các thông tin tình báo về tham nhũng.
TPP khó đạt cuối năm nay
12 thành viên đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tổ chức đối thoại tại Bắc Kinh.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết ông nhận thấy có sự tiến triển trong các cuộc đàm phán TPP dù ông dự đoán sẽ rất khó khăn để đạt được thỏa thuận TPP cuối năm nay, theo báo Jiji của Nhật Bản.
Tiến trình đàm phán TPP tạm dừng vào tháng 9 năm nay sau khi Mỹ và Nhật Bản quy trách nhiệm lẫn nhau về bế tắc liên quan đến việc đánh thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
|
V.V.Thành - Quỳnh Trung
tuổi trẻ
|