Việt Nam bán hết 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế
Một tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 10 năm, lợi suất 4,8% của Chính phủ Việt Nam vừa được bán hết cho các nhà đầu tư quốc tế.
* Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên “BB-”, triển vọng “ổn định”
* Vay nợ và việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của S&P, Moody's và Fitch
Theo hãng tin Bloomberg, mức lợi suất này cao hơn 2,39 điểm phần trăm so với trái phiếu cùng kỳ hạn của chính phủ Mỹ.
Đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần thứ ba của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm tích cực của giới đầu tư quốc tế
|
Trái phiếu quốc tế lần thứ 3 được chính phủ Việt Nam phát hành nhằm dùng để đáo hạn cho các khoản nợ trái phiếu của hai đợt phát hành trước đó (tổng cộng 1,75 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế trong năm 2005 và 2010) sẽ được đáo hạn vào năm 2016 và 2020. Trái chủ nắm trái phiếu cũ, đáo hạn vào 2016 và 2020, có thể được hoán đổi sang trái phiếu mới hoặc đổi ra tiền mặt.
Cũng Bloomberg trích dẫn lời của ông Rajeev De Mello, đại diện Schroder Investment Management Ltd tại Singapore cho rằng, họ đã không nhìn thấy trái phiếu quốc tế mới của Việt Nam được phát hành trong một thời gian dài trên thị trường. Tình hình vĩ mô tại Việt Nam đã ổn định. Nhà đầu tư quốc tế vẫn tìm kiếm lợi suất. Tất cả những yếu tố này tốt cho đợt phát hành.
Theo một nguồn tin khác của TBKTSG Online, Bộ Tài chính cùng các nhà tư vấn đã tổ chức roadshow bán trái phiếu chính phủ Việt Nam tại Singapore và tại Hồng Kông từ ngày 1-11, London vào ngày 2-11, Boston ngày 3 tháng 11, tại New York ngày 4-11 và tại San Francisco 5-11.
Và cũng nguồn tin của chúng tôi cho rằng các cuộc roadshow nhận được sự quan tâm nhiệt tình của nhà đầu tư quốc tế. “So với các quốc gia trong khu vực châu Á, trái phiếu chính phủ Việt Nam đã được phát hành rất ít và việc có thêm nó trong danh mục đầu tư cũng làm phong phú thêm danh mục và tạo cảm hứng mới cho giới đầu tư quốc tế”, một nguồn tin từ công ty tư vấn tài chính có trụ sở tại Mỹ và có đại diện tại Việt Nam nói với phóng viên.
FinanceAsia sáng nay 7-11 dẫn một nguồn tin cho biết, khi tổ chức roadshow, Việt Nam nhắm tới mục tiêu tỷ lệ chuyển đổi thành tiền và phát hành mới là 50/50, tuy nhiên cuối cùng tỷ lệ đạt được là 73/27 với tỷ lệ chấp thuận 100% cho trái phiếu đáo hạn năm 2016 và 50% chấp thuận với trái phiếu đáo hạn 2020.
Đây là một kết quả tích cực, theo nhận định ban đầu của giới tài chính trong nước.
Tuy nhiên, một số ý kiến chia sẻ rằng mức chi phí chính phủ sẽ phải trả cho các tổ chức trung gian của đợt phát hành cũng đáng kể. Tức là khi nhìn nhận về thành công và giá vốn đi vay, cần cộng thêm các mức phí này.
Thời điểm này được coi là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam bước thêm một bước vào thị trường nợ quốc tế bởi hai tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch và Moody’s vừa nâng hạng trong kết quả đánh giá tín nhiệm với chính phủ Việt Nam.
Trong tuần này, Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam thêm một bậc lên BB- (dưới mức khuyến khích đầu tư 3 bậc) với lý do chính sách của chính phủ đã giúp nền kinh tế ổn định hơn. Moody’s hồi tháng 7 cũng nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (từ B2 đến B1).
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, chiều nay Bộ sẽ có thông báo chính thức về đợt phát hành đến truyền thông trong nước. TBKTSG Online sẽ cập nhật về đợt phát hành này.
Hồng Phúc
tbktsg
|