Chính sách tiền tệ ổn định là đòn bẩy cho thị trường trái phiếu Chính phủ
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, sự ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ thời gian qua đã góp phần phát triển, làm tăng tính thanh khoản và hấp dẫn của thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) Việt Nam.
* Thị trường trái phiếu Chính phủ: Chèn ép kinh tế dân doanh
* Phát hành Trái phiếu Chính phủ: Luẩn quẩn
* “Thị trường trái phiếu tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm”
Dự án kè Sông Lô (Tuyên Quang)- một dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đang khẩn trương hoàn thành.
|
Nhìn lại 5 năm qua về thị trường TPCP, quy mô thị trường TPCP đã tăng từ khoảng 9% GDP năm 2009 và lên mức 15,5% GDP năm 2013, đến nay khoảng 18% ước GDP năm 2014; Số lượng thành viên tham gia thị trường hiện nay là 54, trong đó có 27 thành viên là tổ chức tín dụng.
"Kết quả này cho thấy thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động và phân bổ vốn cho phát triển kinh tế đất nước, làm đa dạng hoá các công cụ đầu tư trên thị trường vốn, cũng như đóng góp tích cực trong phối hợp điều hành chính sách tài chính- tiền tệ"- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Theo đó, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt bằng lãi suất từ chỗ cao (trên 20%/năm), hiện nay đã xuống ở mức rất thấp và không còn là khó khăn cho hoạt động của DN. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối được tăng cao. Những chỉ tiêu về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế, tạo được lòng tin của nhà đầu tư; Ngân hàng Nhà nước đã cùng với Bộ Tài chính trong việc phối hợp phát hành các công cụ tài chính nhằm huy động vốn cho NSNN.
"Về phía Bộ Tài chính, việc phát hành TPCP một mặt để tạo nguồn vốn cho NSNN, mặt khác tạo ra các công cụ tài chính để các tổ chức tín dụng có thể đầu tư hoặc tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn và tái chiết khấu. Còn Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc làm đại lý phát hành tín phiếu Kho bạc cho Bộ Tài chính còn thực hiện điều hành lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở... tạo tính thanh khoản cho TPCP"- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thị trường trái phiếu nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất phù hợp với tình hình thực tế, tiến tới thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển bền vững, minh bạch, hiệu quả.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cam kết, trong thời gian tới, để tạo đà cho sự phát triển của thị trường TPCP, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ như: Lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở… để điều tiết thị trường tiền tệ, tạo điều kiện tăng tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng mua TPCP, giúp cho việc phát hành TPCP được thuận lợi hơn, góp phần hỗ trợ huy động vốn cho NSNN. Tuy nhiên, về phía Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
T.Hằng
hải quan
|