Việt Nam – Slovakia: Sẽ có bước tiến mới trong hợp tác kinh tế
“Tôi hi vọng FTA Việt Nam – EU sẽ được ký kết trong thời gian sớm nhất. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy trao đổi hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Slovakia tiến xa hơn nữa trong tương lai”
Ông Stefan Rozkopal, Vụ trưởng Vụ Chính sách ngoại thương và Đối ngoại Khối châu Âu - Bộ Kinh tế Cộng hòa Slovakia
|
Đó là chia sẻ của ông Stefan Rozkopal, Vụ trưởng Vụ Chính sách ngoại thương và Đối ngoại Khối châu Âu - Bộ Kinh tế Cộng hòa Slovakia trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Công Thương về triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.
Thưa ông, Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách kinh tế đối ngoại của Slovakia?
Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Slovakia trong khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á. Hiện tại Slovakia là thành viên của EU, trong khi đó Việt Nam cũng là thành viên tích cực của ASEAN. Với chính sách mở cửa và cơ chế kinh tế linh hoạt, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò cầu nối, điểm đến tốt để hàng hóa của Slovakia không chỉ đi vào thị trường Việt Nam mà còn vào thị trường các nước trong khu vực ASEAN. Ngược lại Slovakia cũng là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào EU và châu Âu.
Hơn thế nữa, trên thế giới ít có được mối quan hệ nào gắn bó lâu dài và phát triển tốt đẹp như Việt Nam và Slovakia. Tính đến nay đã có tới 6000 người Việt Nam đã từng học tập tại Slovakia. Nhiều người đã quyết định sinh sống và làm việc tại đây, họ khởi nghiệp từ những cửa hàng nhỏ, những doanh nghiệp nhỏ nhưng giờ đây đã rất thành đạt. Văn hóa của người Việt Nam ở đây cũng chính là một phần văn hóa của đất nước chúng tôi.
Dựa trên những nền tảng đó, thể thấy rằng hai nước còn có rất nhiều cơ hội để phát triển quan hệ hợp tác song phương theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tôi rất hi vọng hợp tác giữa hai nước không chỉ phát triển trong lĩnh vực kinh tế mà còn trên nhiều lĩnh vực khác.
Xin ông cho biết, tình hình trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian qua như thế nào?
Trong những năm gần đây, quan hệ trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Slovakia vẫn có những bước tăng trưởng liên tục nhưng chưa cao. Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 407 triệu USD, tăng 35% so với năm 2012. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Slovakia chủ yếu là các sản phẩm điện tử, linh kiện, giày dép các loại, hàng dệt may với tổng giá trị 391 triệu USD và nhập khẩu khoảng 16 triệu USD.
Điều này cho thấy, kết quả trao đổi thương mại thực sự vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ hợp tác cũng như tiềm năng của hai nước. Cán cân thương mại đang nghiệng về phía Việt Nam. Slovakia cần phải nỗ lực để hơn nữa trong việc đưa hàng hóa của mình thâm nhập thị trường Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, lũy kế đến hết tháng 9/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Slovakia đạt 309 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 289 triệu USD và nhập 20 triệu USD từ thị trường này.
Hiệp định FTA sắp được ký kết tới đây sẽ là đòn bẩy cho việc tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Cộng đồng DN hai nước cần tận dụng thật tốt cơ hội này để thúc đẩy giao thương. Nhưng theo tôi, hai nước chưa cần chờ đợi đến khi FTA được ký kết mà hãy hành động ngay từ bây giờ để có bước chuẩn bị thật tốt.
Mức độ quan tâm hiện nay của DN Slovakia đối với thị trường Việt Nam ra sao thưa ông?
Đến nay, Slovakia mới chỉ có 5 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 235 triệu USD, đứng thứ 31/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó có các dự án xây dựng tổ hợp khách sạn văn phòng tại TP Hồ Chí Minh; dự án xây dựng khu công nghiệp Lạc Thịnh, Hòa Bình…
Đáng chú ý là từ tháng 1/2013, tại tỉnh Hòa Bình đã khởi công xây dựng khu công nghiệp có tổng diện tích 120 ha với tổng vốn đầu tư hơn 45 triệu USD. Trong khuôn khổ KCN này có nhà máy sản xuất bia với tổng giá trị 86 triệu euro. Tới đây, nhà máy bia này sẽ trở thành nhà máy lớn nhất của Slovakia tại châu Á.
Thực tế các DN Slovakia hiện nay đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Họ quan tâm và muốn tìm hiểu hợp tác với Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân nguyên tử…
Tôi hi vọng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Slovakia hoạt động tại Việt Nam; đồng thời có nhiều động thái tích cực hơn nữa trong việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sang Slovakia đầu tư.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hường thực hiện
công thương
|