Cần có chính sách hợp lý với ngành bia
Là kiến nghị của ông Vũ Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước (VBA) giải khát Việt Nam tại Hội thảo “Quản lý sản xuất và kinh doanh bia tại Việt Nam: thực trạng và kiến nghị” do Viện Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức mới đây.
* Giá bia tăng, doanh nghiệp nội sẽ chết!
* Công bố kết quả nghiên cứu về ngành bia
* Chủ tịch bia Sài Gòn muốn đối chất với Bộ Tài chính
Ngành bia giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động
|
CôngThương -Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA: Ngành bia hiện nay đã được quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Nếu như giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước đến năm 2000 cả nước có hơn 500 nhà máy bia, mọc “như nấm” ở tất cả các địa phương thì đến nay đã quy hoạch lại chỉ cón 117 nhà máy. Năm 2013 sản lượng bia là 3.190 triệu lít, 66,8 triệu lít rượu. “Với con số này, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang tiêu tốn hơn 3 tỷ USD cho bia. Song thực tế, ngành bia đóng góp hơn 50% vào ngân sách nhà nước (khoảng 1,5 tỷ USD) và giải quyết công ăn, việc làm cho 332.168 lao động với mức lương trung bình trên 6 triệu đồng/ tháng” – ông Việt phản ánh.
Theo quy hoạch phát triển ngành bia – rượu – nước giải khát Việt Nam đến năm 2015 – 2025, sản lượng bia đạt 4 tỷ lít vào năm 2015. Như vậy, với sản lượng năm 2013 đạt 3,19 tỷ lít và năm 2014 đạt 3,4 tỷ lít, ngành bia đang phát triển đúng hướng, thậm chí còn thấp hơn so với quy hoạch. Nguyên nhân do ngành bia trong nước bị ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái. Bên cạnh đó nhiều tập đoàn nước ngoài như: Sapporo, AB InBev… đầu tư vào Việt Nam, khiến sức ép cạnh tranh thị trường ngành càng gay gắt.
Trong khi ngành bia đang gặp khó, thì một loạt các chính sách dự kiến ban hành như: dự thảo sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt; nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia trong đó quy định dán tem bia…dự báo sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngành bia.
Phân tích các khó khăn của ngành bia, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp cho biết: Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa thì sẽ phải thực hiện các quy định của hiệp định TPP và FTA. Nếu cộng thêm việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nữa thì ngành bia Việt Nam sẽ bị suy giảm sản xuất và tiêu dùng. Hơn nữa khi thuế TTĐB tăng sẽ dẫn đến giá bia tăng và làm cho tiêu thụ tại chỗ giảm, sản xuất giảm thì nộp ngân sách cho nhà nước giảm, lao động giảm, hệ lụy là hiệu quả kinh tế xã hội giảm.
Đồng thời, khi giá tăng thì người ta sẽ hạn chế tiêu dùng nhưng sẽ có xu hướng tự phục vụ đó là dùng các sản phẩm tự nấu (bia cỏ, rượu quốc lủi) điều này còn nguy hiểm hơn vì nó không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gây nguy hại đến sức khỏe con người...
Đại diện doanh nghiệp sản xuất bia, ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội cho rằng, đóng góp của ngành bia vào nền kinh tế là rất lớn. Nếu yêu cầu dán tem quản lý bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: Thứ nhất, việc dán tem bia gây lãng phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc dán tem không phải là công cụ hữu hiệu giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm vì hiện có 4 doanh nghiệp lớn nhất chiếm tới 80% thị phần là Habeco, Sabeco, VBL, Carlsberg đều được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và đóng thuế đầy đủ… Thứ hai, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm mức độ cạnh tranh của các sản phẩm trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu có mức thuế giảm thấp khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Người tiêu dùng sẽ chuyển sang lựu chọn đồ uống có giá thành rẻ, thậm chí sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng….
Ông Việt cho rằng, để ngành bia phát triển theo đúng quy hoạch, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách quản lý hợp lý, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngân sách, người tiêu dùng và ngành bia. “ Giãn tiến độ tăng thuế, mỗi lần tăng không quá 5% và chia làm 2 lần vào năm 2016 và năm 2020. Đồng thời, bỏ quy định dán tem bia và cấp phép sản xuất bia trong nghị định sản xuất, kinh doanh bia…” ông Việt kiến nghị.
Ông Giám cũng đề xuất các cơ quan, bộ ngành liên quan nên có các chính sách quản lý hợp lý, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngân sách, người tiêu dùng và ngành bia. Đối với chính sách thuế TTĐB nếu tăng cần có lộ trình 3-5 năm, sau khi ban hành nên giữ ổn định trong thời gian ít nhất 5 năm. Bên cạnh đó các doanh nghiệp sản xuất bia phải nhanh chóng cải thiện chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh...
Thúy Hà
công thương
|