Thứ Ba, 18/11/2014 09:10

Thoái vốn ngoài ngành ở EVN: Đang đi đúng lộ trình

9 tháng đầu năm 2014, EVN và các đơn vị thành viên đã tiến hành thoái vốn, giảm vốn thành công tại nhiều lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bất động sản... với số tiền thu về hơn 373 tỷ đồng.

* Thoái vốn từ “mẹ” sang “con”, EVN đang làm gì?

* EVN đã cơ bản thoái vốn ở các doanh nghiệp bất động sản

EVN đang tích cực thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chính

Theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành thoái vốn tại Ngân hàng thương mại CP An Bình và các công ty CP: Chứng khoán An Bình; Bảo hiểm Toàn cầu; Bất động sản Sài Gòn Vina; Bất động sản Điện lực miền Trung; Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam. Tính đến tháng 9/2014, EVN đã thực hiện thoái vốn thành công lần 1 tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu, chuyển nhượng cho Công ty International ERGO 1 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,5% vốn điều lệ xuống còn 20%, thu về 26 tỷ đồng. EVN cũng hoàn thành thoái vốn lần 1 tại Ngân hàng thương mại CP An Bình, chuyển nhượng cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) 25,2 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ từ 24,3% xuống còn 16,02%, thu về 252 tỷ đồng. EVN cũng hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam với số lượng chuyển nhượng là 500.000 cổ phần, thu về 5 tỷ đồng. Ngoài ra, 5 tổng công ty điện lực đã thực hiện thoái vốn tại 21 DN (công ty “cháu” EVN) với tổng giá trị thoái vốn đạt 373,7 tỷ đồng. Nhìn chung, việc thoái vốn của EVN bảo đảm công khai minh bạch, thu hồi vốn và có hiệu quả cao. Hiện, EVN đang thực hiện các thủ tục thoái vốn toàn bộ tại Công ty CP Chứng khoán An Bình theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,4 triệu cổ phần theo phê duyệt của Bộ Công Thương. EVN cũng đã có công văn báo cáo được Bộ Công Thương và Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội phê duyệt phương án giảm vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) từ 40% xuống còn 15% vốn điều lệ.

Đặc biệt, năm 2013 được coi là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của EVN vẫn đạt được kết quả tích cực. Tổng số vốn mà EVN và các đơn vị thành viên thu về từ lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đã lên tới hơn 900 tỷ đồng, bổ sung cho xây dựng các công trình điện. Hầu hết các danh mục thoái vốn ở doanh nghiệp bất động sản hay tổ chức tài chính đều được thực hiện đấu giá công khai, giá trị cổ phiếu đều bằng hoặc cao hơn mệnh giá.

Bên cạnh trọng tâm thoái vốn ngoài ngành, EVN đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và hoàn thành đề án cổ phần hóa (CPH) với dự kiến trong năm 2015 sẽ tiến hành CPH 1 tổng công ty phát điện (EVN Genco). Để cụ thể hóa mục tiêu này, trong 3 EVN Genco, đơn vị nào hội đủ những điều kiện cần thiết thì sẽ tiến hành CPH trước. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là địa bàn hoạt động của các công ty phát điện hầu hết được phân bổ khắp các vùng, miền trong cả nước, nhất là các công ty thủy điện đều ở vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc quản lý điều hành của tập đoàn. Ngoài ra, việc đánh giá chính xác tài sản doanh nghiệp rất phức tạp do số vốn đầu tư rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, việc CPH phải xác định được mệnh giá của cổ phần và tìm được các nhà đầu tư chiến lược có đủ điều kiện để mua số lượng cổ phần lớn cũng là việc không dễ dàng.

Theo đề án tái cơ cấu, EVN sẽ có 4 ngành, nghề kinh doanh chính gồm: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống điện quốc gia; Xuất nhập khẩu điện năng; Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Ngoài ra, EVN được kinh doanh các ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính.

Trần Khánh

công thương

Các tin tức khác

>   Không có cơ sở để nói Việt Nam nhập khẩu điện nước ngoài (18/11/2014)

>   Quy hoạch lại cụm công nghiệp phù hợp cơ cấu ngành nghề (18/11/2014)

>   Không giảm giá sẽ bị tẩy chay! (18/11/2014)

>   Bị ép một nửa giá vì giá bán không ổn định (18/11/2014)

>   Việt Nam và Brazil lập kỷ lục mới trong trao đổi thương mại (17/11/2014)

>   Tư duy “chọn - bỏ” (17/11/2014)

>   Bộ Công Thương: Có thể xây luật riêng về công nghiệp phụ trợ (17/11/2014)

>   Siết chặt quản lý giá và chống buôn lậu, gian lận thương mại (17/11/2014)

>   Chỉ số EMI tháng 10 giảm nhẹ so với tháng 9 (17/11/2014)

>   Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “quên” câu hỏi về trách nhiệm (17/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật