Thị trường châu Á nào sẽ bị tác động mạnh nhất khi Fed nâng lãi suất vào năm tới?
HSBC cảnh báo Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia sẽ trở thành tâm điểm lo lắng của nhà đầu tư trước kỳ vọng cho thấy Fed sẽ nâng lãi suất vào năm 2015.
* Những điều nhà đầu tư cần biết khi Fed kết thúc QE
* Fed sẽ nâng lãi suất vào năm tới bất chấp lạm phát thấp và triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém
Thặng dư tài khoản vãng lai giai đoạn 2008-2013 của cả 3 quốc gia này đều đã sụt giảm chóng mặt so với các quốc gia châu Á khác, Frederic Neumann - chuyên viên kinh tế cấp cao của HSBC nhận định trong báo cáo công bố hôm thứ Sáu tuần trước.
Ông Neumann cho biết: “Thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng giảm có thể là tín hiệu cho thấy mức độ dễ bị tác động, cũng giống như thâm hụt ngày càng thu hẹp có thể giúp một quốc gia mạnh mẽ hơn. Nói ngắn gọn: đừng chỉ quan tâm đến cán cân tài khoản vãng lai mà hãy theo dõi xu hướng của chỉ báo này”.
Sự thay đổi của cán cân tài khoản vãng lai (tính theo% GDP) trong giai đoạn 2008-2013
Các thị trường mới nổi từng chao đảo mạnh trong năm 2013 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu đề cập đến ý tưởng thu hồi chương trình kích thích (tapering). Theo đó, Ấn Độ và Indonesia đã bị tác động đặc biệt nặng nề với việc thị trường chứng khoán và đồng nội tệ của các quốc gia này sụt giảm thảm hại do thâm hụt tài khoản vãng lai cao.
Tín hiệu yếu kém vẫn còn tồn tại
Theo ông Neumann, việc cán cân tài khoản vãng lai của một quốc gia phụ thuộc các khoản tiết kiệm hoặc đầu tư là tín hiệu cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế.
Ông nói: “Nếu tỷ lệ tiết kiệm của một quốc gia giảm, đặc biệt là so với đầu tư, thì điều này thường là tín hiệu cho thấy hiệu quả ngày càng sa sút có thể phản ánh nguồn vốn đã được phân bổ không đúng, và vì thế khiến tình hình tài chính, vốn đã yếu kém, càng thêm trầm trọng bất chấp tiết kiệm quá cao”.
Một lần nữa, Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia lại khiến nhà đầu tư lo ngại nhất khi lãi suất tiết kiệm giai đoạn 2008-2013 của các quốc gia này sụt giảm mặc dù cả 3 đều có thặng dư.
Sự thay đổi của tiết kiệm và đầu tư (tính theo% GDP) trong giai đoạn 2008-2013
Các số liệu gần đây trở thành tâm điểm chú ý
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với điều đó. Tim Condon, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu của ING Financial Markets cho rằng, miễn là một quốc gia có thặng dư thì khi lãi suất tăng, các thị trường của quốc gia này cũng sẽ tốt đẹp. Theo ông, nhà đầu tư sử dụng các số liệu gần đây, chứ không phải các xu hướng dài hạn, để đánh giá mức độ tác động đối với các thị trường.
Ông cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã mở rộng trong năm nay và điều này sẽ bảo vệ các thị trường của Trung Quốc trước động thái nâng lãi suất của Fed. Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai quý 3 của Bắc Kinh đã tăng lên mức 81.5 tỷ USD, cao hơn so mức 73.4 tỷ USD trong quý 2 và 7.2 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.
Còn về Hồng Kông, ông Condon cho rằng các thành phần tham gia thị trường sẽ không xem thành phố này là một ứng viên cho cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Các nạn nhân của năm 2013
Ấn Độ và Indonesia, hai nạn nhân lớn nhất của các thị trường mới nổi trong năm 2013 sau khi Fed đề cập đến “tapering”, sắp chứng kiến một bức tranh hoàn toàn đối lập trong năm tới.
Theo HSBC, cán cân đối ngoại của Ấn Độ liên tục cải thiện trong giai đoạn 2008-2013 trong khi tiết kiệm gia tăng so với đầu tư, qua đó cho thấy nước này sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với trước đây khi Mỹ nâng lãi suất.
Trong khi đó, cán cân tài khoản vãng lai của Indonesia lại sa sút trong các năm gần đây và đầu tư của nước này cũng bỏ xa tiết kiệm tương tự như Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia. Dù vậy, HSBC cho rằng Indonesia đang trong tình trạng “có một không hai” do thiếu chi tiêu vốn nặng nề.
Ông Condon cho rằng: “Indonesia vẫn còn bị tác động bởi động thái thu hồi chương trình nới lỏng định lượng của Fed. Thâm hụt tài khoản vãng lai đang thu hẹp nên nước này đã chuẩn bị tốt hơn nhiều so với năm 2013, nhưng sẽ là lạc quan khi cho rằng Indonesia sẽ không bị ảnh hưởng trong năm tới”.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|