Ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm lãi suất có nghĩa gì?
Ngân hàng trung ương Trung Quốc chiều ngày 21-11 bất ngờ tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay một năm 0,4 điểm phần trăm xuống còn 5,6%, đồng thời cho các ngân hàng linh hoạt hơn về lãi suất huy động.
* Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định giảm lãi suất
Trụ sở Ngân hàng trung ương Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh.
|
Việc cắt giảm lãi suất là để phản ứng với các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong đó có việc các nhà máy hoạt động trì trệ, nhu cầu nội địa yếu, thị trường bất động sản suy giảm …
Mặc dù động thái của Ngân hàng trung ương Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với logic của thị trường nhưng vẫn khiến người ta bất ngờ vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất.
Vậy, việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này? Phản ứng của thị trường toàn cầu ra sao? Tờ Wall Street Journal có bài viết chi tiết về vấn đề này.
Mục đích của việc cắt giảm lãi suất
Lãi suất cho vay giảm có thể làm giảm chi phí vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Do tỷ lệ lãi suất cho vay một năm là tỷ lệ lãi suất cơ bản, nó sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Logic đằng sau việc giảm lãi suất cho vay là để cho các doanh nghiệp Trung Quốc vay được vốn để tuyển dụng và mở rộng sản xuất với chi phí tài chính thấp hơn.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đặt ra mức trần lãi suất huy động. Trong thực tế, việc này nhằm ngăn chặn các ngân hàng cạnh tranh thông qua việc tăng lãi suất tiền gửi. Mức trần này cũng làm cho các ngân hàng có được nguồn tiền mặt ổn định với chi phí thấp để cho vay. Trong những năm qua, ngành ngân hàng đã được hưởng lợi từ chính sách này.
Quyết định mới nhất của Ngân hàng trung ương Trung Quốc được cho là góp phần thúc đẩy hệ thống ngân hàng của Trung Quốc tiến gần hơn đến việc tự do hóa lãi suất huy động. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng động thái này không có ý nghĩa nhiều, vì mặc dù ngân hàng trung ương mở rộng biên độ biến động của lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay giảm về cơ bản sẽ khiến lãi suất tiền gửi ngân hàng không thay đổi.
Hiệu quả đến đâu?
Vấn đề tồn tại là lãi suất cho vay giảm không thể đảm bảo các doanh nghiệp muốn vay mượn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng khi nền kinh tế yếu kém, về cơ bản, các doanh nghiệp không có hứng để vay tiền. Một vấn đề tồn tại khác là một số khu vực kinh tế đang ngập trong nợ nần, trong đó có các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương, không thể vay mượn hơn nữa.
Bên cạnh đó, nhiều quan chức ngân hàng trung ương và nhà kinh tế cũng nhận ra những thiếu sót của việc đặt ra trần lãi suất huy động. Trong môi trường thiếu sự cạnh tranh, các ngân hàng sẽ không chủ động cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và các lĩnh vực có nhu cầu vay vốn khác. Đồng thời, lãi suất huy động thấp hơn cũng không giúp phát triển tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, giúp thúc đẩy tiêu thụ.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Hầu hết nhà kinh tế đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc sẽ vượt qua mức 7%. Tuy nhiên, cách đây vài năm, nền kinh tế Trung Quốc luôn tăng trưởng với tỷ lệ hai con số. Theo đà người dân nông thôn liên tục đổ về các thành phố, Trung Quốc cần tăng trưởng kinh tế nhanh để đảm bảo việc làm.
Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn nữa hay không phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có tiếp tục chậm hơn nữa hay không.
Phản ứng của thị trường toàn cầu
Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất khiến thị trường toàn cầu phản ứng mạnh mẽ. Tối ngày 21-11, chỉ số chứng khoán S&P 500 (Mỹ), đô la Úc, già vàng và dầu thô đều tăng lên.
Tối ngày 21-11, giá vàng có lúc tăng lên 10 đô la Mỹ/ounce, lên mức 1.206 đô la Mỹ/ounce. Trong khi đó, giá dầu thô tăng 2,4% lên 81,6 đô la Mỹ/thùng.
Phúc Minh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
|