Sắp qua thời kỳ “dân số vàng”?
Trong một thời gian dài, Việt Nam đã dựa vào nguồn lao động trẻ, dồi dào để thu hút đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng. Nhưng lợi thế đó sẽ giảm đi rõ rệt trong thời gian không xa khi tốc độ tăng lao động giảm đáng kể.
* Năng suất lao động thấp: Phải nhìn vào thực tế, không tô hồng con số
* Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu?
Tốc độ tăng lao động (từ 15 tuổi trở lên) của Việt Nam đang có xu hướng giảm, đặc biệt trong hai năm qua.
|
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), tốc độ tăng lao động (từ 15 tuổi trở lên) của Việt Nam đang có xu hướng giảm, đặc biệt trong hai năm qua. Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2011 tốc độ này nằm trong khoảng 2,6-2,9%. Đến năm 2012, tốc độ này chỉ còn 2,1%, và giảm mạnh hơn nữa trong năm 2013 xuống còn 1,5%.
Cũng theo TCTK, riêng tốc độ tăng lao động trong chín tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước chỉ là 1,2% (hình 1). Xu hướng này cũng được quan sát thấy ở tổng lực lượng lao động. Tốc độ tăng lực lượng lao động trong năm 2012, 2013 và chín tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ lần lượt là 1,8%, 1,7%, và 1,1%.
Điều này có phải là minh chứng cho việc Việt Nam bắt đầu đi vào những năm cuối của cơ cấu dân số vàng?
Theo số liệu lưu trữ và dự đoán của Liên hiệp quốc, giai đoạn dân số vàng của Việt Nam là từ khoảng năm 1970-2020 (cỡ 50 năm). Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) của Việt Nam bắt đầu tăng vào năm 1970 (50,7%), đạt đỉnh cao (70,8%) khoảng năm 2015, giữ trên 70% trong 2015-2025 rồi sau đó giảm dần(1).
Càng về cuối cơ cấu dân số vàng, tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động càng giảm. Hình 2 cho thấy, tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam giảm dần từ 2,5% về 2% trong giai đoạn 1990-2010. Tốc độ này được dự báo sẽ giảm mạnh xuống còn 1,2% trong 2010-2015 và dưới 1% trong giai đoạn tiếp theo. Nếu dự báo này đáng tin cậy thì sự sụt giảm của tốc độ tăng lao động của Việt Nam trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.
Việc suy giảm tốc độ tăng lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng GDP. Suy giảm tốc độ tăng lao động sẽ làm suy giảm tốc độ tăng GDP nếu như tốc độ tăng năng suất lao động không tăng thêm đủ để bù lại.
Thử so sánh giữa năm 2011 và 2013, tốc độ tăng GDP giảm 0,8 điểm phần trăm (từ 6,1% năm 2011 xuống 5,3% năm 2013) là do tốc độ tăng lao động sụt giảm 1,1 điểm phần trăm (từ 2,6% năm 2011 xuống 1,5% năm 2013), trong khi đó tốc độ tăng năng suất lao động được cải thiện từ 3,4% năm 2011 lên 3,8% năm 2013, thấp hơn khoảng suy giảm tốc độ tăng lao động (hình 1). Tăng trưởng lao động đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng GDP trong các năm trước, nhưng giảm xuống dưới 30% trong năm 2013 và dự báo khoảng mức đó trong năm 2014.
Sự sụt giảm tốc độ tăng lao động ở trên là rất đáng kể và sự suy giảm này còn lớn hơn nữa (xuống dưới mức 1%) trong 5-10 năm tới như dự báo ở trên. Trong một báo cáo năm 2012, Công ty Tư vấn McKinsey dự báo tốc độ tăng lao động của Việt Nam trong thập kỷ tới chỉ vào khoảng 0,6%, nghĩa là chỉ bằng một phần tư tốc độ tăng trong giai đoạn 2000-2010 (sụt giảm mất khoảng 2 điểm phần trăm)(2). Điều này có nghĩa là, muốn duy trì và/hoặc nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP thì đòi hỏi phải nâng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động lên thêm khoảng 2 điểm phần trăm. Giả sử đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,5-7% trong năm 2016-2020, thì tăng trưởng năng suất lao động cần phải đạt khoảng 5,5-6%, tức là tăng khoảng gấp rưỡi so với hiện nay - một tốc độ tăng năng suất lao động mà Việt Nam chưa từng đạt được kể từ năm 2000.
Trở lại vấn đề năng suất lao động được bàn luận sôi nổi gần đây, một điểm đáng chú ý là các tính toán từ số liệu mới nhất của TCTK cho thấy đóng góp từ sự “chuyển dịch” lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ vào tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế có xu hướng giảm trong mấy năm qua và sẽ còn tiếp diễn. Vì thế, thách thức sắp tới của Việt Nam là phải cải thiện năng suất lao động nội ngành của từng ngành kinh tế.
Nguyễn Chí Hiếu
tbktsg
|