Thứ Ba, 04/11/2014 21:59

Kinh tế Việt Nam 2015: Lựa chọn tăng trưởng hay duy trì ổn định?

Tại hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015” do Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức ngày 4/11 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh nên Việt Nam cần duy trì con đường tăng trưởng thận trọng.

Điểm sáng của nền kinh tế

Phát biểu tại hội thảo, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, hai năm qua, dù kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn song đã có sự thay đổi khá tích cực, bền vững. Sự thay đổi của Việt Nam khá bền vững trong 2 năm qua.

Bên cạnh đó, theo ông Sanjay Kalra, niềm tin của nhà đầu tư đã tăng lên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đến thị trường Việt Nam, đánh giá xếp hạng môi trường đầu tư cũng tăng lên. Nhiều cá nhân bắt đầu tập trung đầu tư vào các nước trong khu vực, điều đó tác động lớn tới Việt Nam nên sự duy trì tính bền vững của nền kinh tế là rất quan trọng, đặc biệt là kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách để bình ổn hóa nền kinh tế như giảm lãi suất huy động và cho vay, đưa ra nhiều chương trình tín dụng cho thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà ở xã hội…

Cũng đánh giá khá tích cực về kinh tế Việt Nam, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Khối Phân tích Công ty chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, hầu hết các lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… đều có triển vọng tăng trưởng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều tăng…

“Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, tác động tới tăng trưởng xuất khẩu. Nhờ có tăng trưởng xuất khẩu từ FDI, chúng ta mới có mức dự trữ ngoại hối cao nhất trong lịch sử. Một trong những lý do quan trọng là Việt Nam có tỷ giá ổn định,” ông Barry Weisblatt nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, sự hồi phục của nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm, với tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 5,62%, dự báo cả năm đạt 5,8%, là cơ sở quan trọng để các chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm rằng, đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát khoảng 5% trong năm 2015 là hợp lý.

Thậm chí, có cái nhìn khá lạc quan, các chuyên gia phân tích của VPBS còn cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam còn có thể cao hơn mục tiêu đề ra (5,8%).

Trên thực tế, đây cũng là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, sau khi tăng trưởng GDP quý III/2014 bất ngờ đạt mức 6,19%, nâng tăng trưởng GDP của cả 3 quý lên 5,62%. Và đây là một trong những dấu hiệu rõ nét nhất của sự đi lên của nền kinh tế.

Tăng trưởng thận trọng

Theo các diễn giả tại hội thảo, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tìm kiếm lời giải cho kế hoạch kinh doanh năm 2015. Muốn vậy, phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế vĩ mô. Dù triển vọng khá tích cực, song các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam nên duy trì con đường tăng trưởng thận trọng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Thời điểm này, giám đốc kinh doanh, giám đốc tài chính của các doanh nghiệp và cả các ngân hàng như chúng tôi đang lên kế hoạch, dự định phát triển cho năm 2015. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là kinh tế năm 2015 sẽ chuyển biến ra sao?”.

Chính vì vậy, lãnh đạo của IMF đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. “Nợ công của Việt Nam đang đáng lo, trong khi hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm dấy lên những rủi ro tài khóa của Việt Nam. Khu vực ngân hàng cũng cần được tái cơ cấu, sáp nhập để làm sao có hệ thống ngân hàng đủ mạnh, nợ xấu được cải thiện,” lãnh đạo IMF nhấn mạnh.

Báo cáo của VPBS cho rằng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn “khó xử” khi nền kinh tế đứng trước hai lựa chọn và Chính phủ buộc phải đưa ra quyết định đuổi theo tăng trưởng hay duy trì sự ổn định.

Nếu đuổi theo sự tăng trưởng, Chính phủ sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, hệ lụy là sự gia tăng nợ công, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu tài trợ hoạt động đầu tư, dẫn tới chèn lấn tín dụng doanh nghiệp, tăng lãi suất cho vay trong khi tín dụng tăng chậm. Kết quả là lợi nhuận doanh nghiệp giảm.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam còn rất mong manh, chủ yếu vẫn là những đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Như vậy có nghĩa khu vực doanh nghiệp nội địa vẫn yếu và điều đó có nghĩa rằng, chúng ta cần tiếp tục có giải pháp để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh hơn.”

Cũng theo chuyên gia này, trong năm tới cần đổi mới thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể đi lên chứ không thể 30 năm đổi mới vẫn chỉ khai thác tài nguyên, nặng về gia công lắp ráp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát triển, tăng trưởng chứ không chỉ dựa vào những doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, LG… như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Mại, Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, việc cần làm trước tiên là rà soát lại đầu tư công. Tiếp đó phải làm sao để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh.

“Nếu giải quyết được các vấn đề về vốn, về đầu tư công, thì năm 2015 chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn, tạo đà cho giai đoạn phát triển sau,” ông Mại nói.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Mại cũng kiến nghị thêm, mong các ngân hàng thương mại điều chỉnh lại lãi suất, tài sản thế chấp… để các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận được vốn. “Tôi mong hệ thống ngân hàng năm 2015 đặt mục tiêu là năm phục vụ doanh nghiệp, cải cách cơ bản quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo dự án, nâng cao năng lực hệ thống về thẩm định dự án. Như vậy sẽ cứu hệ thống doanh nghiệp đang gặp khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển,” ông Mại chia sẻ./.

Thúy Hà

vietnam+

Các tin tức khác

>   Chính phủ gấp rút tái cơ cấu nợ công (04/11/2014)

>   Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên “BB-”, triển vọng “ổn định” (03/11/2014)

>   PMI sản xuất tháng 10 giảm tốc nhẹ (03/11/2014)

>   ​Khó giảm nợ công nếu doanh nghiệp tư nhân không lớn mạnh (02/11/2014)

>   Lạm phát năm 2014 có thể dưới 4% (01/11/2014)

>   Làm gì để kinh tế phát triển bền vững? (31/10/2014)

>   Dự toán năm 2015 phải vay đảo nợ 130.000 tỉ đồng (31/10/2014)

>   Ông Nguyễn Đức Kiên: 'Tiêu tiền thì đạt, làm ra tiền lại không đạt' (31/10/2014)

>   Cả Hà Nội và Tp.HCM đều chưa duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế (31/10/2014)

>   Kinh tế 2014: nửa cốc nước đầy hay vơi? (30/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật