Thứ Sáu, 07/11/2014 09:29

Quản lý, sử dụng vốn vay ODA: Nâng cao tính minh bạch, đẩy mạnh giải ngân

Những năm qua, phát triển hạ tầng giao thông luôn là lĩnh vực được ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA. Bằng việc sử dụng hiệu quả dòng vốn này, hệ thống hạ tầng giao thông đã phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội: Không vay ODA để chi thường xuyên

Tuy nhiên, vẫn còn những dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, thậm chí nghi ngờ có tiêu cực. Minh bạch công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn vay ODA vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới.

Cầu Nhật Tân, một trong những dự án trọng điểm chuẩn bị được hoàn thành và đưa vào khai thác

"Đòn bẩy" phát triển hạ tầng giao thông

Hơn 20 năm qua, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu dành vốn hỗ trợ ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) cho Việt Nam (năm 1992), lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải luôn nhận được sự ưu tiên. Nguồn vốn này cùng các nguồn vốn ODA của các tổ chức khác đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển hệ thống giao thông.

Tại Hà Nội, các công trình như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, hầm chui Kim Liên, cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3, hệ thống cầu vượt cho người đi bộ, hệ thống đèn tín hiệu giao thông… đã góp phần giảm ùn tắc giao thông, cải thiện cảnh quan đô thị. Hai dự án trọng điểm quốc gia khác chuẩn bị hoàn thành và đưa vào khai thác như cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… đang hứa hẹn trở thành những biểu tượng mới của một Thủ đô năng động và phát triển.

Ngoài ra, còn có thể kể đến các dự án khác trên địa bàn Thủ đô cũng đang được tập trung triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án phát triển giao thông đô thị TP Hà Nội… sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần cơ bản giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, hoàn thiện giao thông công cộng theo hướng hiện đại.

Dấu ấn nguồn vốn ODA cũng đã để lại trên nhiều công trình trọng điểm trên nhiều vùng miền đất nước như: Nhiều cây cầu trên quốc lộ 1 và hầm đường bộ Hải Vân; cầu Cần Thơ; 3 cảng quốc tế quan trọng là cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); cảng Đà Nẵng; đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường xuyên Á TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài kết nối với hệ thống đường bộ Campuchia và Thái Lan trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông...

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam đã thành công nhiều mặt khi thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA đúng như cam kết với các nhà tài trợ. Vốn ODA đã được sử dụng một cách hiệu quả trong 20 năm qua, với 78,195 tỷ USD vốn cam kết, 63,05 tỷ USD vốn ký kết và 42,09 tỷ USD vốn giải ngân. Nhiều chương trình, dự án được đưa vào sử dụng đã tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Minh bạch hóa công tác quản lý, sử dụng vốn

Những kết quả tích cực từ nguồn vốn ODA đem tới cho các dự án giao thông là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít dự án bị đánh giá chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Thậm chí đã có những dự án bị nghi ngờ dính đến tiêu cực. Cho đến thời điểm này, dù chưa có kết luận chính thức, nhưng nghi án các quan chức ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 80 triệu yên (khoảng 16,5 tỷ đồng) từ Công ty Tư vấn giám sát GTVT Nhật Bản (JTC) tại dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) vẫn đang dấy lên những nghi ngờ về tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn này.

Tình trạng dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư cũng đang đặt ra những áp lực lớn cho các cơ quan quản lý. Trong đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng từ 435,7 triệu USD lên gần 892 triệu USD (tăng hơn 339 triệu USD), tuyến Nhổn - Ga Hà Nội tăng từ 783 triệu Euro lên 1,275 tỷ Euro (tăng thêm khoảng 492 triệu Euro); tại TP Hồ Chí Minh, mới đây dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đã điều chỉnh tăng vốn từ 47.325 tỷ đồng lên 54.006 tỷ đồng (năm 2011, tuyến này đã điều chỉnh tăng một lần từ 14.415 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng)…

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc tăng tổng mức đầu tư này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như vướng giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là việc thay đổi tỷ giá bởi từ khi lập dự án tới lúc triển khai; các dự án đường sắt đô thị thường mất 6-7 năm, thậm chí có dự án hơn 10 năm. Bộ đang quyết liệt rà soát từng dự án, kiện toàn tổ chức, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ODA bị chậm tiến độ, dẫn đến việc một số dự án cắt giảm, hủy một số hạng mục và hoạt động, hoặc phải tái cấu trúc toàn bộ dự án. Hậu quả là việc giải ngân vốn ODA của cả nước đạt thấp so với vốn ODA đã ký kết, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Vừa qua, Bộ GTVT đã đề xuất danh mục 29 dự án hạ tầng giao thông dự kiến sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2014-2016, với tổng mức đầu tư lên tới 470 tỷ yên (6 tỷ USD). Trong đó có 15 dự án mới với quy mô vốn lớn như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Phan Thiết… Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong khi ngân sách còn đang khó khăn, nguồn vốn ODA đến từ Nhật Bản và các tổ chức tài chính khác vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành GTVT. Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan triển khai những biện pháp nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý vốn vay. Cùng với đó, Bộ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sử dụng vốn vay ODA nhằm sớm đưa vào sử dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, Hà Nội đã thu hút và triển khai 88 dự án ODA, tổng giá trị gần 45 tỷ USD, chủ yếu là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng như hạ tầng giao thông đô thị, môi trường, cấp nước, thoát nước… Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các dự án ODA là lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị (chiếm 57%) và cấp thoát nước (chiếm 40%). 

Tuấn Khải

hà nội mới

Các tin tức khác

>   Sắp qua thời kỳ “dân số vàng”? (06/11/2014)

>   Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào? (05/11/2014)

>   Lạm phát thấp: Mừng hay lo? (05/11/2014)

>   Từ ổn định vĩ mô đến khôi phục niềm tin của thị trường (04/11/2014)

>   Kinh tế Việt Nam 2015: Lựa chọn tăng trưởng hay duy trì ổn định? (04/11/2014)

>   Chính phủ gấp rút tái cơ cấu nợ công (04/11/2014)

>   Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên “BB-”, triển vọng “ổn định” (03/11/2014)

>   PMI sản xuất tháng 10 giảm tốc nhẹ (03/11/2014)

>   ​Khó giảm nợ công nếu doanh nghiệp tư nhân không lớn mạnh (02/11/2014)

>   Lạm phát năm 2014 có thể dưới 4% (01/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật