Thứ Tư, 05/11/2014 16:30

Nhà máy bất đồng với "Nhà nước": Trăm dâu đổ đầu nông dân

Nông dân Cà Mau đang vào vụ thu hoạch mía nhưng nhà máy đường duy nhất tại tỉnh này lại quyết định tạm ngưng hoạt động, không mua mía nguyên liệu nữa. Vì sao lại có chuyện như vậy?

Do bất đồng trong chuyện xử lý ô nhiễm

Tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam, đơn vị đang quản lý Nhà máy Đường Cà Mau, vừa bị xử phạt 360 triệu đồng do không hoàn thành việc giải quyết các vấn đề về phòng, chống ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông Lê Văn Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam, khẳng định: “Hệ thống xử lý nước thải của chúng tôi không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và chúng tôi đã có văn bản gửi đến Chính phủ yêu cầu họ xem xét lại quyết định”.

Tiền thân của Nhà máy Đường Cà Mau là Nhà máy Đường Thới Bình (Cà Mau) thuộc sở hữu nhà nước. Đến năm 2009, Nhà máy Đường Thới Bình được cổ phần hóa, đổi tên thành Nhà máy Đường Cà Mau và được giao cho Công ty cồ phần Mía đường Tây Nam quản lý.

Theo tìm hiểu của TBKTSG, trước đây Nhà máy Đường Thới Bình để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (thuộc diện quản lý của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng). Sau khi Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam tiếp quản nhà máy này thì Chính phủ có Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg ngày 1-10-2013 về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, thay cho Quyết định số 64 đã hết hiệu lực từ năm 2006. Như vậy, sau khi tiếp quản Nhà máy Thới Bình, Công ty cổ Mía đường Tây Nam phải có nghĩa vụ đầu tư hệ thống xử lý chất thải để không xảy ra ô nhiễm môi trường ở nhà máy này nữa (Nhà máy Đường Cà Mau).

Khi Nhà máy Đường Cà Mau đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công suất 180 mét khối/ngày đêm, thì Tổng cục Môi trường cho rằng nhà máy này đầu tư hệ thống không đạt yêu cầu so với đánh giá tác động môi trường. Kết quả đánh giá tác động môi trường khi Nhà máy Thới Bình còn hoạt động thể hiện lượng nước thải phát sinh vào khoảng 700-800 mét khối/ngày.

Trong khi đó, ông Hiệu cho rằng con số “700-800 mét khối/ngày” là do Nhà máy Thới Bình sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Còn hiện tại, sau khi tiếp quản từ năm 2010, Nhà máy Cà Mau đã được đầu tư công nghệ mới của Úc, cho nên lượng nước thải phát sinh rất ít (lúc cao điểm hoạt động cũng không vượt quá 180 mét khối/ngày đêm). “Khi đoàn công tác của Tổng cục Môi trường vào làm việc, họ lại không thấy được điều đó”, ông Hiệu nói.

Cũng theo ông Hiệu, do lo sợ điều này nên vào thời điểm chuẩn bị đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho Nhà máy Cà Mau, ông đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chủ trương đầu tư nhà máy xử lý nước thải công suất 180 mét khối/ngày đêm. “Nhưng họ không trả lời hay hồi âm gì cả và khi chúng tôi đã đầu tư hệ thống này thì họ lại quyết định xử phạt như vậy”, ông Hiệu nói.

Gánh nặng dồn về nông dân

Ông Hiệu cho biết mọi năm đối tác đầu tư và phía ngân hàng sẵn sàng cho công ty ông vay tiền để mua mía nguyên liệu của nông dân. Khi công ty sản xuất ra đường, tiêu thụ được, sẽ hoàn tiền lại cho họ (bao gồm cả tiền lãi). “Tuy nhiên, năm nay do có thông tin như vậy (bị phạt vi phạm môi trường) nên không ai dám cho vay tiền nữa”, ông than.

Theo ông Hiệu, vì gặp khó khăn trong việc huy động vốn nên ông đã quyết định tạm ngưng hoạt động nhà máy ở Cà Mau và không mua mía nguyên liệu nữa.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, do không có người mua nên hiện giá mía nguyên liệu tại Cà Mau đang giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn khoảng 500 đồng/ki lô gam nhưng vẫn không bán được.

“Giá mía nguyên liệu như hiện nay đã thấp hơn giá thành đến 200-300 đồng/ki lô gam rồi. Nếu bán được trong lúc này thì chúng tôi cũng bị lỗ 200-300 đồng/ki lô gam, còn không bán được coi như vụ mía năm nay mất trắng”, ông Nguyễn Văn Bình, nông dân xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau, lo lắng.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều nhà máy đường khác đang hoạt động, có thể tiêu thụ mía giúp cho bà con nông dân ở Cà Mau. “Nhưng về mặt vận chuyển, do quãng đường quá xa nên chi phí sẽ tăng lên. Vì vậy, nếu mua mía ở Cà Mau thì chắc chắn giá sẽ không cao được, gây thiệt hại cho bà con nông dân”, ông Long nói.

Trung Chánh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vì sao những người tạo kỳ tích cho VN vẫn nghèo? (05/11/2014)

>   TP.HCM: Các mặt hàng gia súc, gia cầm bình ổn đồng loạt giảm giá (04/11/2014)

>   Chậm cởi trói, cái giá phải trả rất đắt (04/11/2014)

>   Trứng, thịt giảm giá trong chương trình bình ổn (04/11/2014)

>   Thị trường đường thô ngày 03/11 (03/11/2014)

>   Tín dụng ĐBSCL dồn vào nông nghiệp (03/11/2014)

>   Vũ khí giá rẻ của gạo Việt: "Thất thủ" trước Myanmar? (03/11/2014)

>   Giá càphê arabica tăng mạnh nhưng tiêu thụ càphê vẫn cao (01/11/2014)

>   Chính sách trợ cấp giá gạo vào túi ai? (01/11/2014)

>   Mập mờ cơ chế phân giao nhập khẩu đường (31/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật