Góc nhìn tuần 24-28/11: Mất dần khả năng hồi phục?
Sự thận trọng nhà đầu tư sẽ bao trùm những phiên giao dịch đầu tuần tới, khả năng hồi phục của thị trường sẽ tiếp tục đứng trước thử thách lớn.
Giữ vị thế quan sát
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Tâm lý thận trọng trong giai đoạn đầu tuần giao dịch chuyển dần thành tâm lý lo ngại do ảnh hưởng từ việc ban hành Thông tư 36 đã khiến thị trường có phiên điều chỉnh khá mạnh trên diện rộng trong phiên giao dịch cuối tuần. Mặc dù đã xuất hiện khá nhiều các bình luận đánh giá, cùng những tuyên bố chính thức từ phía Ngân hàng nhà nước, tuy nhiên không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng khá mạnh của văn bản này lên tâm lý chung của nhà đầu tư (NĐT) trong ngắn hạn.
SHS khuyến nghị NĐT nên giữ vị thế quan sát sự vận động của thị trường trong các phiên đầu tuần trước khi đưa ra những quyết định mua bán tiếp theo.
Chưa thể hiện sự hồi phục
CTCK FPT (FPTS): Tâm lý NĐT khá bị ảnh hưởng khi thông tư 36 được đưa ra, và việc cắt margin những mã đầu cơ hút dòng tiền mạnh mẽ như KLF, FIT, FLC khiến đà bán tháo gia tăng mạnh. Với việc thị trường chưa thể hiện sự hồi phục, cũng như ngưỡng hỗ trợ mạnh của các chỉ số chưa bị phá vỡ nên theo FPTS việc giữ trạng thái danh mục ở tỷ trọng khoảng 30% cổ phiếu ở thời điểm hiện tại là hợp lý.
FPTS khuyến nghị việc tăng giảm tỷ trọng phụ thuộc vào việc các chỉ số bứt phá kháng cự trên, hoặc xuyên thủng hỗ trợ dưới gần nhất.
Đứng trước nguy cơ của một đợt phục hồi thất bại
CTCK Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BSI): Trong giai đoạn vừa qua, không có một nhóm cổ phiếu nào đủ khả năng để dẫn dắt thị trường. Những cổ phiếu đã từng có động lượng tăng giá tốt như SSI, KBC, PVT hay PVC cũng lần lượt giảm điểm khi không có nhiều cổ phiếu hưởng ứng. Thị trường chung vì thế mà dần chuyển từ trạng thái lưỡng lự sang điều chỉnh.
BSI cũng lưu ý là đợt vừa qua, rất nhiều cổ phiếu quan trọng tích lũy sideways như REE, FPT, GAS,… Hiện tại, nhiều cổ phiếu đang đứng trước nguy cơ rớt khỏi nền tảng đó nếu lực bán tiếp tục gia tăng. Thị trường đang đứng trước nguy cơ của một đợt phục hồi thất bại, và nếu điều đó xảy ra, các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật đều có thể dễ dàng bị phá vỡ. Ngược lại, nếu lực cầu bắt đáy đủ mạnh để cân bằng lực cung, thị trường nhiều khả năng tiếp tục có đợt phục hồi đáy chữ V như thời gian qua. Khi đó, sẽ cần nhiều thời gian để kiểm định xem đợt phục hồi này có thành công hay không.
Với những NĐT ưa mạo hiểm đã giải ngân trong phiên hôm thứ Tư (19/11) vừa qua, phiên giảm điểm 21/11 tiếp tục là cơ hội mua vào. Với những NĐT giữ quan điểm thận trọng, việc hạn chế mở vị thế mua lúc này là cần thiết cho đến khi xu hướng thị trường chung được xác nhận rõ ràng. Lưu ý chung rằng NĐT nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp để tránh áp lực giảm giá ngắn hạn.
Dừng mua và cân bằng tỷ lệ danh mục tiền/cổ phiếu
CTCK VNDirect (VND): Các chỉ báo liên quan đến dòng tiền của VN-Index và VN30 Index đều sụt mạnh hơn tốc độ mất điểm, chứng tỏ dòng tiền bán đang chiếm hoàn toàn ưu thế. Mặt bằng thanh khoản của hai sàn vẫn giữ ổn định nhưng VND dự đoán giá trị giao dịch sẽ suy yếu trong những phiên giao dịch tới do nhà tâm lý người mua sẽ còn thận trọng hơn nữa.
Trong xu hướng rút lui của dòng tiền (và theo đó thanh khoản sụt giảm), người muốn bán luôn ở thế bất lợi. Chiến lược giao dịch của VND vẫn là dừng mua và giữ tỷ lệ cổ phiếu cân bằng so với tiền.
Dựa vào sự áp đảo của sắc đỏ thị trường trong phiên 21/11, VND cho rằng áp lực bán ngày 23/11 vẫn mạnh và đây chưa phải là ngày phù hợp để mua lướt hạ thấp giá vốn đối với danh mục đang nắm giữ.
Sẽ còn vận động khó khăn trong ngắn hạn
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Tâm lý thận trọng của NĐT nội trước Thông tư 36 về việc giới hạn cho vay đầu tư chứng khoán được xem là nguyên nhân khiến thúc đẩy làn sóng bán mạnh về cuối phiên. Dù vậy, KIS đánh giá thông tư nói trên là bước tiến mới trong quá trình nâng cao tính an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng và sự phát triển bền vững của TTCK trong tương lai, phù hợp với quá trình tái cấu lĩnh vực ngân hàng hiện nay. Theo đó, phiên giảm điểm đáng kể trong ngày hôm nay phần nhiều mang yếu tố tâm lý. Dù vậy, hiệu ứng Thông tư 36 sẽ còn ảnh hưởng thị trường trong những phiên sắp tới.
Vì vậy, thị trường sẽ còn vận động khó khăn trong ngắn hạn. Sau khi giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ngắn hạn ở các nhịp tăng, NĐT T+ tiếp tục thận trọng, chưa vội trở lại vị thế mua để chờ thêm tín hiệu ổn định hơn. Trong khi đó, chiến lược tích lũy từng phần cho NĐT trung dài hạn được khuyến khích khi định giá đang trở nên hấp dẫn hơn.
Xu thế giảm điểm ngắn hạn vẫn còn tiếp diễn
CTCK MB (MBS): Về mặt kỹ thuật, sau phiên hồi phục hôm 20/11 thì phiên 21/11 VN-Index sẽ kiểm nghiệm lại vùng 595 điểm tương ứng với đường trung bình động 20 ngày. Việc chỉ số này thất bại trong việc vượt vùng kháng cự này và đóng cửa ở vùng điểm thấp nhất trong tuần cho thấy xu thế giảm điểm ngắn hạn vẫn tiếp diễn và thị trường sẽ tìm đến các vùng hỗ trợ thấp hơn để lấy lại cân bằng. MBS nhận thấy vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index hiện này là 575 - 580 điểm, nhiều khả năng trong tuần tới chỉ số này sẽ kiểm nghiệm hỗ trợ tại vùng này.
MBS khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu và duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục, kết thúc tuần này MBS tiếp tục thận trọng với diễn biến thị trường trong tuần tới và khuyến nghị NĐT tiếp tục duy trì trạng thái tiền mặt cao trong danh mục, đồng thời chờ các chỉ số kiểm lại các vùng hỗ trợ quan trọng 575 - 580 của VN-Index để xem xét khả năng mở lại trạng thái mua mới nếu có thể.
Sẽ là một tuần điều chỉnh dao động trong vùng 585 - 600
CTCK Maritime Bank (MSBS): Tuần tới, MSBS vẫn cho rằng sẽ là một tuần điều chỉnh. Ngay đầu phiên giao dịch đầu tuần, tâm lý hoảng loạn có thể khiến chỉ số giảm tiếp, thủng đường MA200. Thị trường sẽ hồi lại với tốc độ chậm ở những phiên cuối tuần với biên độ dao động của VN-Index tuần tới sẽ ở trong vùng 585-600.
MSBS khuyến nghị NĐT nên giảm tỷ lệ margin về mức an toàn, tránh tình trạng rủi ro và thận trọng với các quyết định mua bán của mình.
Gia Nguyên tổng hợp
|