Thứ Sáu, 14/11/2014 15:57

Dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng: Có nên đánh đổi tài nguyên?

Theo nhận định của các nhà khoa học, khai thác tour khám phá Hang Sơn Đòong chắc chắn sẽ mang lại nguồn lợi lớn về mặt kinh tế, nhưng nếu không cân nhắc kỹ và có kế hoạch quản lý, giám sát phù hợp, nhất là ý định xây dựng hệ thống cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng và làm mất đi sự đa dạng sinh học quý giá của khu vực này.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên đánh đổi tài nguyên thiên nhiên để triển khai một dự án phát triển kinh tế? Và, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, làm sao để việc thực hiện các dự án tuân thủ theo đúng quy định pháp luật để vừa đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được các giá trị di sản, cảnh quan?

Hang Sơn Đòong gắn liền với Khu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng

Đó là một trong những nội dung chính vừa được các nhà khoa học, cơ quan bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các chuyên gia phát triển du lịch thảo luận tại cuộc Tọa đàm “Thách thức bảo tồn từ các dự án phát triển,” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức sáng nay (14/11), tại Hà Nội.

Theo tiến sĩ Tạ Hòa Phương, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), thời gian gần đây, xu hướng khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế-xã hội đang gia tăng ở nhiều địa phương. Việc phát triển này là cần thiết, song nếu không được xem xét, đánh giá một cách thấu đáo sẽ dẫn đến sự đánh đổi tài nguyên thiên nhiên, tác động xấu đến đa dạng sinh học.

Tiến sỹ Tạ Hòa Phương cũng cảnh báo, mọi dự án đều có thể tác động đến môi trường, do vậy tài nguyên phải được các cơ quan chức năng thẩm định, đồng thời tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học chuyên ngành.

Đơn cử như Hang Sơn Đòong gắn liền với Khu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, nổi tiếng bởi những giá trị tự nhiên độc đáo và kích thước khổng lồ. Do vậy, nếu chúng ta không cân nhắc kỹ và có kế hoạch quản lý, giám sát phù hợp, nhất là ý định xây dựng hệ thống cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng, thì chắc chắn sẽ làm tổn hại nghiêm trọng và làm mất đi sự đa dạng sinh học quý giá của khu vực này.

Đồng tình quan điểm trên, giáo sư tiến sỹ Vũ Quang Côn, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng nếu không có sự tính toán, nghiên cứu chuyên sâu, việc triển khai xây dựng hệ thống cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng có thể sẽ dẫn đến “tai biến thiên nhiên” như sập đổ vị trí trần và vách hang yếu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chia sẻ một cách thận trọng, phó giáo sư tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện tại tôi vẫn chưa có trong tay Dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng nếu dự án này được triển khai thì chúng ta cần phải cảnh báo mức độ rủi ro để “người trong cuộc” tiếp thu và có những điều chỉnh phù hợp, cũng như tạo lập được “móc xích” giữa phát triển và bảo tồn.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: “Từ góc độ du lịch, chúng tôi rất cần nhà đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào thì cần phải xem xét thận trọng. Thêm vào đó, trong việc xây dựng dự án cũng phải cạnh tranh một cách lành mạnh, cân nhắc, tránh khả năng ‘hút’ hết du khách từ các dự án khác ở trong vùng."

Với tư cách là nhà nghiên cứu chính sách, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, xét về nguồn tài nguyên sinh vật, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới; trong đó có một số danh lam đã được xếp hạng Di sản thiên nhiên và Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tuy vậy, trong những năm qua, tình trạng khai thác quá mức và sử dụng tài nguyên thiếu bền vững của con người khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam ngày càng suy giảm, cạn kiệt; tác động xấu tới môi trường và đa dạng sinh học. Thực trạng này đã được đề cập trong nhiều báo cáo, văn bản pháp luật quan trọng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức và tầm nhìn của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn thiên về lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững.

“Do đó, cần quản lý khai thác một cách hợp lý, sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên; mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có và đẩy nhanh việc thành lập những khu bảo tồn thiên nhiên mới; ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên,” đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên khuyến nghị.

Hùng Võ

vietnam+

Các tin tức khác

>   Khai thác cao lanh trái phép ở Quảng Nam: Chính quyền “làm ngơ”, doanh nghiệp lộng hành (14/11/2014)

>   Thủ thuật “làm giá” để rút vốn ngân sách (14/11/2014)

>   Việt Nam có đóng góp quan trọng vào kết quả ASEAN-25 (13/11/2014)

>   Tẩy chay doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước! (13/11/2014)

>   Vụ án Bầu Kiên sẽ được phúc thẩm vào ngày 28-11 (13/11/2014)

>   Đà Nẵng bán lô siêu xe vi phạm, lấy 17 tỷ sung quỹ (13/11/2014)

>   "Chúng tôi không nhận hoa hồng của Bio-Rad” (13/11/2014)

>   Lãng phí từ những “cuộc chơi” ngàn tỉ (13/11/2014)

>   Tính đến 30/10, Thanh tra Chính phủ đã xem xét, giải quyết 500 vụ việc (13/11/2014)

>   Nhà mạng không được lợi dụng thời điểm bất thường để tăng giá cước (13/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật