Thủ thuật “làm giá” để rút vốn ngân sách
Tiếp tục làm rõ những dấu hiệu sai phạm của ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp huyện Thường Tín, Hà Nội (KTTH-HN); nguyên Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Hoàng Văn Thạch chỉ rõ, hàng loạt trang thiết bị tại dự án mua sắm, lắp đặt trang thiết bị phòng tin học và phòng thực hành điện dân dụng bị "làm giá" gây thất thoát vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Trung tâm KTTH-HNTT
|
Hàng trăm triệu "rơi" vào tay ai?
Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã phân bổ cho Trung tâm KTTH-HNTT khoảng 600 triệu đồng (làm tròn) để thực hiện dự án mua sắm, lắp đặt trang thiết bị phòng tin học và phòng thực hành điện dân dụng gồm: 1 phòng máy tính, trang thiết bị dạy nghề điện: ti vi, kìm, kéo, khoan, nồi cơm điện, át-tô-mát...
Sau khi nhận được ý kiến của các cán bộ, đảng viên trong Chi bộ về sự thiếu minh bạch trong việc triển khai dự án, Bí thư Chi bộ Trung tâm KTTH-HNTT Hoàng Thạch lúc đó (công tác đến tháng 8/2014 thì nghỉ hưu) đã kiểm tra, đối chiếu giá cả thực tế của các thiết bị trên thị trường với giá mà Giám đốc Trung tâm KTTH-HNTT kí hợp đồng để nhà thầu mua. Thật bất ngờ, hầu hết các trang thiết bị đã được "làm giá" cao ngất ngưởng.
"Từ màn hình ti vi LG 40 inch giá thị trường tại thời điểm kí hợp đồng không quá 10 triệu đồng/chiếc, nhưng giá trong giá mua trong thầu là trên 17 triệu đồng; nồi cơm điện Hiệp Hưng 1,8 lít giá thị trường không quá 300.000 đồng/chiếc, giá mua 930.000 đồng; khoan điện giá thị trường không quá 1,5 triệu đồng nhưng mua tới 3,7 triệu đồng/chiếc; át-tô-mát 1 pha (si-nô) 50.000 đồng/chiếc nhưng mua tới 150.000 đồng/chiếc; đồng hồ vạn năng thị trường là 150.000 đồng/chiếc, mua tới 250.000 đồng/chiếc; động cơ điện 3 pha 1.250w giá thị trường không quá 3,5 triệu đồng/chiếc nhưng mua tới hơn 6 triệu đồng và hàng trăm chi tiết khác chưa kể số lượng... Giá trang thiết bị đã được "nâng" lên từ khoảng 70 - 300%. Số tiền thiệt hại của Nhà nước ước tính trên dưới 200 triệu đồng trong gần 600 triệu đồng của dự án".
Những khuất tất, thiếu minh bạch từ việc thực hiện dự án đã được nhiều ý kiến phản ánh từ cán bộ, đảng viên. Khi đó, người đấu tranh đề nghị Giám đốc Sơn phải công khai, minh bạch là ông Trịnh Đăng Xuân, Chủ tịch Công đoàn. Sau nhiều lần được Bí thư Chi bộ Trung tâm KTTH-HNTT yêu cầu, ông Sơn buộc phải công khai hồ sơ thầu của dự án.
Điều đáng nói, việc mở thầu không được thực hiện, thế nhưng trong hồ sơ mở thầu dự án lại có chữ kí của ông Thạch (Bí thư Chi bộ - Phó Giám đốc); Giám đốc; Chủ tịch Công đoàn; Tổ trưởng Hành chính và Kế toán? Ông Thạch khẳng định: Không hề ký vào biên bản hồ sơ mời thầu trên.
Đồng tình với khẳng định này, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổ trưởng Hành chính cũng cho rằng, mọi thông tin liên quan đến dự án đều bị "ém", thậm chí là cuộc họp cũng không được tổ chức, không hiểu tại sao lại có chữ kí của các thành phần chủ chốt cơ quan. Rõ ràng chỉ là hình thức để "làm tròn" hồ sơ.
Trách nhiệm của Giám đốc đến đâu?
Trở lại 1 trong 4 tồn đọng liên quan đến điều hành của Giám đốc Trung tâm KTTH-HNTT được Chi bộ Trung tâm KTTH-HNTT tổng hợp như đã nêu tại kỳ trước, theo ông Thạch, tại thời điểm xây dựng khu tường rào khu VAC phía Bắc, ông Xuân, Chủ tịch Công đoàn (lúc đó) đã cùng ông Bình - Tổ trưởng Hành chính phát hiện và lập biên bản đình chỉ và thông báo đơn vị thi công.
Thực tế, việc quyết toán giữa Trung tâm và đơn vị thi công sau đó các cán bộ, đảng viên Chi bộ đã rà soát hợp đồng kí kết mới phát hiện ra một số sai phạm. Thứ nhất, trại chăn nuôi không có rầm bê tông, khai khống 1 rầm bê tông; khai khống xúc đất đổ đi và khai khống xúc đất đổ vào, thứ nữa gạch xây không có gạch men (vì đây là điều hết sức vô lý khi xây chuồng chăn nuôi). "Trong việc này, Chi bộ và công đoàn cùng Ban Giám đốc thống nhất cái gì làm mới quyết toán. Do vậy, đã không tạo ra thất thoát nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Nhưng tất cả những mục nào khai khống trong hợp đồng thì Giám đốc phải chịu trách nhiệm", ông Thạch nêu rõ.
"Tôi đi dạy cách Trung tâm hàng chục km đề xuất cơ quan hỗ trợ tiền xăng xe thì "nâng lên, đặt xuống" mãi, trong khi có người không dạy một ngày nào mà vẫn nhận 30% lương mấy năm trời".
Tổ trưởng Hành chính Nguyễn Thanh Bình xác nhận, gần 4 năm về cơ quan, ông Sơn không hề đứng lớp, chỉ sau khi có nhiều phản ánh của cán bộ, giáo viên, mới đây ông Sơn mới đang thương lượng với 1 giáo viên khác để "chuẩn bị" đứng lớp. Còn trong sổ điểm, sổ đầu bài, thời khóa biểu, sổ báo giảng, bảng phân công, hợp đồng thanh toán tiền không xác nhận việc ông Sơn đứng lớp. Vậy, tại sao Kế toán Trưởng vẫn đều đặn cho ông Sơn nhận tiền?
Liệu việc nhận tiền này có công bằng và trót lọt khi mới đây một số hiệu trưởng ở các trường trên địa bàn Thường Tín hoặc là tự nguyện không nhận 30% lương khi không đứng lớp, hoặc là đã bị xuất toán khi không dạy mà vẫn nhận tiền.
Hàng loạt dụng cụ trong dự án được "làm giá" gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nhiều hạng mục tại việc xây dựng tường rào bị khai khống... Những khuất tất, thiếu minh bạch này xuất phát từ động cơ nào? Tiền bất minh "rơi" vào túi những ai? Những bất ổn xung quanh việc chỉ định Bí thư Chi bộ? Những câu hỏi này xin được dành cho Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội và Huyện ủy Thường tín.
Theo ông Hoàng Văn Thạch, bức xúc của cán bộ, đảng viên của Trung tâm bị đẩy lên đỉnh điểm khi hàng loạt tồn đọng và dấu hiệu sai phạm của Giám đốc Nguyễn Ngọc Sơn còn chưa giải quyết thì tháng 8/2014, khi ông Thạch nghỉ hưu, Huyện ủy Thường Tín tổ chức cuộc họp chỉ định ông Sơn làm Bí thư Chi bộ.
Quyết định chỉ định Bí thư Chi bộ với ông Trịnh Đăng Xuân sau đó cũng gây nên một làn sóng dư luận, gây bất ổn cơ quan bởi trên thực tế ông Xuân không nằm trong quy hoạch cấp ủy, đang đảm nhiệm vị trí bảo vệ nên khó thuyết phục.
Thêm nữa, việc chỉ định của Huyện ủy Thường tín lại không được thực hiện với các đảng viên nằm trong quy hoạch, không lấy ý kiến đảng viên và ông Thạch - Bí thư Chi bộ lúc đó vẫn đang sinh hoạt Đảng.
|
Thiên Minh
thanhtra.com.vn
|