Chắt chiu trả nợ cho Vinashin
Trước khi tái cơ cấu, nợ của Vinashin lên đến 86.000 tỉ đồng
“4 năm trước, khi mới về Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), mỗi sáng mở mắt ra phải lo khoản lãi tính theo ngày là 20 tỉ đồng nhưng đến hôm nay, doanh nghiệp (DN) không còn phải lo lắng nhiều về các khoản nợ cấp bách nữa. SBIC (Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) đã giải quyết được những điểm then chốt về tài chính để chuyển sang giai đoạn tích lũy trả nợ” - ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC, thông báo.
10-12 năm nữa mới trả hết nợ
Trước khi tái cơ cấu, nợ của Vinashin cập nhật đến cuối năm 2010 lên đến 86.000 tỉ đồng (chưa tính lãi). Bao gồm các khoản nợ nước ngoài là 600 triệu USD vay lại trái phiếu quốc tế của Chính phủ; nợ tín dụng trong nước (chiếm khoảng 37%); nợ của các đối tác nước ngoài và chủ tàu thông qua việc cung cấp vật tư, thiết bị và nợ phát sinh do hủy hợp đồng.
Tính đến tháng 9-2014, SBIC đã bàn giao được 36/71 tàu
|
Sau khi được khoanh nợ, xóa và giảm trừ nghĩa vụ nợ thông qua việc chấm dứt hoạt động của Vinashin từ mô hình tập đoàn sang mô hình tổng công ty (SBIC) và đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ cho cả 3 khoản vay nói trên, tính đến năm 2013, SBIC đã giảm được 22.000 tỉ đồng nợ gốc và lãi. Trong đó, giảm 70% nghĩa vụ nợ trong nước (13.152 tỉ đồng - giai đoạn 1), giảm 52% nghĩa vụ nợ trái phiếu quốc tế (6.844 tỉ đồng) và giảm 2.000 tỉ đồng nợ của các đối tác, chủ tàu.
“Đến nay, SBIC đã cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài. Vay trong nước đã xử lý được hơn 50% và đang chuyển sang tái cơ cấu nợ giai đoạn 2. Các khoản nợ còn lại phải trả trong 10-12 năm nữa mới xong với lãi suất thấp” - ông Sự nói.
Về sản xuất kinh doanh, tính đến tháng 9-2014, toàn tổng công ty đã bàn giao được 36/71 tàu, đạt 50,7% kế hoạch với giá trị ước đạt 156 triệu USD. Trong đó, có 13 tàu xuất khẩu với giá trị ước đạt 13,26 triệu USD. Về tổng giá trị sản xuất đã thực hiện được 3.726 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực đóng tàu ước đạt 2.762 tỉ đồng, còn lại là các lĩnh vực sửa chữa và công nghiệp phụ trợ.
“Khai tử” 82 công ty con
Bộ Giao thông Vận tải cho biết 9 tháng đầu năm 2014, SBIC đã giảm được 23 đầu mối gồm: giải thể 5 đơn vị, chuyển nhượng vốn 11 đơn vị và tái cơ cấu theo các hình thức khác 7 đơn vị. Như vậy, SBIC đã giảm được tổng cộng 82 công ty con và phải tiếp tục tái cơ cấu 190 DN thành viên khác. Trong đó, 20 DN SBIC sở hữu dưới 20% vốn điều lệ đang được đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép đưa ra khỏi danh sách phải tái cơ cấu, chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn.
Tiến độ cổ phần hóa (CPH) tại SBIC đang đi nhanh hơn lộ trình và có thể về đích năm 2015, sớm 3 năm so với kế hoạch được phê duyệt. Trong số 244 đơn vị thành viên, SBIC chỉ giữ lại 8 DN.
Ông Sự cho biết sẽ CPH hết 8 công ty con trực thuộc SBIC, nếu có điều kiện thì CPH cả công ty mẹ. Đáng lưu ý là khối ngoại rất quan tâm đến CPH các DN này, có nhà đầu tư là Tập đoàn Đóng tàu Damen (Hà Lan) đã muốn mua 70% cổ phần của Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm và là nhà đầu tư chiến lược của Nhà máy Đóng tàu Hạ Long sau khi góp vốn theo hình thức liên doanh thu được kết quả ngoài mong đợi. Tuy nhiên, việc CPH vẫn phải theo lộ trình là bán lần đầu chỉ 32% cổ phần, sau đó nhà nước chỉ còn nắm giữ 30% vốn. Thế nhưng, sau khi “ném” tiền đầu tư dàn trải, tài sản còn lại của các DN thành viên Vinashin có giá trị không lớn, khó đáp ứng được nguồn trả nợ, do vậy phải huy động từ các nguồn khác.
Thiếu vốn
Áp lực lớn nhất với SBIC hiện nay là thị trường chưa có và đặc biệt là thiếu vốn. Trước đây, các chủ tàu thường ứng vốn để đóng tàu nhưng nay phải giao tàu mới được nhận tiền. Vì vậy, muốn có tàu, SBIC phải vay được vốn nhưng muốn vay được vốn lại phải ký được hợp đồng mới chứng minh phương án kinh doanh khả thi, năng lực tài chính trả nợ cho chính con tàu đó. Công nghệ đóng tàu Vinashin đầu tư trước đây chủ yếu là đà, triền, trong khi thế giới đã đầu tư ụ khô cỡ lớn để đóng tàu. Muốn có công nghệ mới, hiện đại, đến thời điểm thích hợp SBIC sẽ đề xuất Chính phủ xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng cho đóng tàu.
|
Tô Hà
người lao động
|