Triển vọng mới cho nghề khai thác hải sản
Kỹ sư Phạm Duy Phượng - giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị gây tê cá ngừ đại dương. Thiết bị này đã giúp ngư dân giảm bớt công lao động, bảo đảm an toàn cho các thuyền viên, chất lượng cá ngừ đại dương sau khi câu được cải thiện rất nhiều so với trước.
Ngư dân Lê Tấn Hồng thao tác đưa thiết bị gây tê vào dây câu
|
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, Công ty CP Bá Hải đã mời kỹ sư Phạm Duy Phượng tham quan, tìm hiểu thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản tại Bình Định. Từ đây, kỹ sư Phạm Duy Phượng đã nghiên cứu và sáng chế ra thiết bị gây tê cá ngừ đại dương. Ngư dân Lê Tấn Hồng - chủ tàu cá PY90612TS ở TP. Tuy Hòa - người đầu tiên sử dụng thiết bị gây tê này - cho biết: “chuyến thử nghiệm thiết bị gây tê cá ngừ mang lại thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi câu được 5 con cá ngừ đại dương, trong đó có 1 con đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và 3 con đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, con còn lại không đạt là do bị dị tật. Trừ chi phí chúng tôi lãi 37 triệu đồng”. Theo ông Hồng, để có chất lượng cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, quy trình đánh bắt, gây tê, sơ chế bảo quản phải thay đổi nhiều so với phương pháp truyền thống. Khi cá dính câu, phải dùng thiết bị gây tê làm cho cá bất động, sau đó kéo cá lên tàu cho vào thùng nước đá có độ lạnh khoảng 8 - 10OC và có hệ thống sục khí, ngâm khoảng 30 phút. Lúc này, cá vẫn còn sống nhưng trong tình trạng hôn mê sẽ được đưa ra chọc tủy, xả tiết, mổ lấy lòng, rửa sạch rồi tiếp tục đưa vào thùng nước đá ngâm lạnh 30 phút nữa rồi chuyển vào hầm lạnh để ướp. Trước khi ướp đá, cần phủ một lớp vải mỏng lên lưng cá để giữ độ ẩm và tránh trầy xước da trong quá trình bảo quản. Quy trình này làm cho con cá rất đẹp, đạt chất lượng, không bị tình trạng xô xương (phần thịt ở gần xương sống cá bị hư, màu sậm, cơ thịt không còn độ dai) như lâu nay.
Theo ngư dân Lê Tấn Hồng, lâu nay phải mất từ 20-30 phút đến hơn 1 giờ mới đưa được cá lên tàu, trong khi sử dụng thiết bị gây tê chỉ mất chừng 5 phút. Đặc biệt, khi sử dụng thiết bị gây tê để bắt các loài cá hung dữ như cá mập sẽ bảo đảm an toàn lao động cho thuyền viên. Bình thường, mỗi tàu câu cá ngừ đại dương khoảng 10 người, khi có thiết bị gây tê chỉ cần 7 người. Trước đây, để làm cho cá chết, ngư dân phải dùng búa hoặc chày gỗ đập cho cá chết nhanh. Cách làm này khiến cá vùng vẫy mạnh, thịt cá bị dập nên chất lượng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đánh bắt bằng phương pháp gây tê cá không vùng vẫy nhiều, lại thêm quy trình ngâm lạnh trước và sau sơ chế nên thịt cá không bị dập, chất lượng rất cao. Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đã giao cho Trung tâm Khoa học và công nghệ TIC-STECH của trường sản xuất, sản phẩm cũng đã được đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ bản quyền. Hiện, Công ty CP Bá Hải đang đặt hàng 30 bộ thiết bị để cấp cho đội tàu khai thác cá ngừ đại dương.
Kỹ sư Phạm Duy Phượng - giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa:
Thiết bị gây tê cá ngừ là bộ kích điện, sử dụng nguồn điện áp 220VAC hoặc 24VDC. Dòng điện chạy qua cơ thể con cá từ 10-35A. Thiết bị này chỉ làm cho cá dính câu bị hôn mê nhất thời và không làm ảnh hưởng đến các loài sinh vật xung quanh. Giá một bộ thiết bị chừng 30 triệu đồng, trong khi bộ kích điện tương tự của Nhật Bản có giá hơn 85 triệu đồng.
|
Ngô Xuân
công thương
|