Dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo: Doanh nghiệp… hồi hộp chờ đợi
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết ngày 26/11, trong đó Chính phủ đề xuất phương án bỏ quy định về mức trần chi phí quảng cáo, tiếp thị 15% (chi phí không tính thuế) tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tăng đầu tư phát triển thương hiệu.
Tại Hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp” diễn ra ở Hà Nội ngày 18/11/2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức, ông Stephen Kreppel- chuyên gia xây dựng thương hiệu - Công ty Tư vấn National Consultancy (Anh) - nhận xét: Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hiện nay phần lớn vẫn là hàng thô hoặc gia công cho thương nhân nước ngoài nên giá trị gia tăng thu được thấp. Một trong những nguyên nhân là do Việt Nam chưa có được những thương hiệu doanh nghiệp có tên tuổi lớn, có uy tín và sức cạnh tranh lan tỏa mang tầm cỡ thế giới. “Muốn xuất khẩu thu được lợi nhuận cao các doanh nghiệp Việt Nam ngoài nâng cao năng lực quản trị, công nghệ… cần chú trọng đầu tư cho thương hiệu (bao gồm chi phí quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ…) để tạo khả năng sinh lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh…” - ông Stephen Kreppel khuyến cáo.
Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia cho thấy, kinh phí đầu tư cho xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ… của họ rất cao, có khi lên đến 30% doanh thu. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo bà Phạm Thị Thu Hằng- Tổng Thư ký VCCI, phần lớn hiện nay vẫn đầu tư theo chiến lược truyền thống tập trung nhiều vào tài sản hữu hình (máy móc, nhà xưởng, đất đai…) mà chưa đầu tư đúng mức vào các tài sản vô hình nhưng có khả năng tạo giá trị gia tăng cao như thương hiệu, sở hữu trí tuệ…
Dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại sẽ tăng thêm quyền chủ động, tự do kinh doanh cho doanh nghiệp trong khi ngân sách nhà nước cũng không thất thu khi khoản chi vào quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp này lại là khoản thu phải chịu thuế của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, khuyến mại. |
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác khiến việc đầu tư phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức và còn khó khăn là do Luật thuế thu nhập doanh nghiệp khống chế mức trần chi phí cho quảng cáo, tiếp thị… được khấu trừ khi tính thuế chỉ ở mức 15% trên tổng chi phí.
Trên thế giới chỉ còn vài nước, trong đó có Việt Nam áp trần chi phí quảng cáo tiếp thị khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều năm qua, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực bán lẻ, thủy sản, dệt may, da giầy, sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch, ngân hàng…. đã liên tục kiến nghị tháo gỡ vướng mắc này.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ đã đề xuất phương án dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, tiếp thị. Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và có nhiều ý kiến ủng hộ với chủ trương này. Dự kiến ngày 26/11/2014 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có vấn đề dỡ bỏ hay không quy định về mức trần chi phí quảng cáo tiếp thị.
“Đầu tư cho thương hiệu đòi hỏi tốn rất nhiều công sức, trí tuệ, chi phí cũng như các yếu tố liên quan khác. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng và mong chờ các đại biểu Quốc hội thấu hiểu những khó khăn, nguyện vọng của doanh nghiệp, qua đó bấm nút biểu quyết thông qua phương án bỏ quy định khống chế trần chi phí quảng cáo, tiếp thị giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh...” - bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ.
Lan Ngọc
công thương
|