Cấp phép đầu tư: Tréo ngoe
Tháng 12 tới, các hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư tại TP.HCM sẽ được gắn chip để dễ theo dõi, quản lý.
Sáng 20-11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị bàn tròn với các công ty tư vấn đầu tư. Các công ty này đã nêu ra nhiều vấn đề khúc mắc, ách tắc trong cấp phép đầu tư logistic (dịch vụ hậu cần vận tải).
“None” là không... cho phép
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận việc ách tắc trong cấp phép đầu tư logistic là vấn đề “rất nóng”, phải làm rõ ngay thôi.
Luật sư Châu Huy Quang (Công ty Luật Rajah & Tann LCT) cho biết ông từng làm hồ sơ xin cấp phép dự án về logistic nhưng UBND TP không cho, trong khi các tỉnh khác cho phép. Nhiều công ty luật khác cũng than phiền tương tự.
Trả lời trường hợp này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng: “Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư lĩnh vực này thì phải liên doanh với bên Việt Nam. TP không hạn chế tỉ lệ vốn góp nhưng phải đúng luật. Vì sao các tỉnh khác cấp phép được thì tôi không rõ. TP cũng đã gửi văn bản cho Thủ tướng về ách tắc này”.
Một luật sư phản biện: “Trong cam kết gia nhập, phần dịch vụ logistic ghi là none, hiểu theo ngữ cảnh từ đầu đến cuối cam kết thì none có nghĩa là không giới hạn, không bắt buộc liên doanh, không bắt buộc tỉ lệ vốn góp. Không thể hiểu none là không cho phép”.
Nhiều luật sư ý kiến: “Nếu không hạn chế tỉ lệ góp vốn, vậy thì góp bao nhiêu là được cấp phép? Các bộ nên sớm làm rõ cho nhà đầu tư”.
Các luật sư trao đổi về cấp phép đầu tư với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (bìa phải). Ảnh: Q.NHƯ
|
Những yêu cầu tréo ngoe
Ông Fred Burke (Công ty Luật Baker & McKenzie) chỉ ra những quy định bất hợp lý. Ví dụ, nhiều nhà đầu tư muốn mở cửa hàng bán lẻ thì bị buộc phải thuê mặt bằng đó trước, xin cấp phép sau. Đôi khi họ thuê nhiều tháng trời, tốn rất nhiều tiền, rồi bị trả lời không chấp thuận khiến họ thua lỗ rất nhiều.
Một trường hợp khác, luật sư Trần Anh Đức (Công ty Luật TNHH Allen & Overy) cho biết có những dự án chuyển nhượng vốn rất lớn, người nhận chuyển nhượng luôn đòi có phê duyệt chuyển nhượng của cơ quan có thẩm quyền trước rồi họ mới dám trả tiền sau. Trong khi đó cơ quan quản lý đòi đưa giấy chứng minh chuyển tiền mới làm thủ tục chuyển nhượng. Ông Đức cho rằng chuyện thanh toán hay không là chuyện thương mại giữa các nhà đầu tư, cơ quan quản lý đừng nên can thiệp.
Luật sư Châu Huy Quang kể lại: “Khi thẩm định dự án, chuyên viên Bộ Công Thương thường trả lời bằng câu “dự án này không khả thi”. Khả thi hay không là chuyện thương mại của doanh nghiệp chứ các chuyên viên trẻ măng, ngồi bàn giấy thì làm sao đủ trình độ để biết nhà đầu tư người ta có “khả thi” hay không. Đối phó với những trường hợp này, chúng tôi in “lý lịch” công ty dày cộp toàn tiếng Tây, tiếng Tàu, đính kèm trong dự án là thể nào cũng được khả thi cả”!
Không dám hứa trước sáu tháng
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, “báo cáo” rằng trong tám tháng đầu năm 2014, Sở nhận 440 hồ sơ xin cấp mới giấy phép đầu tư và đã giải quyết 280 hồ sơ. Thời gian giải quyết một hồ sơ trung bình là 47 ngày, lâu nhất là 172 ngày, nhanh nhất là chín ngày. Trong đó, nhà đầu tư mất trung bình 22 ngày để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ; các cơ quan liên quan cần cho ý kiến thẩm tra mất 26 ngày (quy định 15 ngày) và Sở giải quyết cấp chứng nhận mất 24 ngày (quy định là bảy ngày).
Thế nhưng trên thực tế, luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh (Công ty Luật Đỉnh Nghiệp) chia sẻ: “Tôi làm thủ tục cho dự án đầu tư bất động sản, luôn phải nói với khách hàng chờ giấy phép ít nhất là sáu tháng, chưa bao giờ dám hứa ba tháng. Mà điều đáng bực là các anh luôn ghi trong giấy hẹn sẽ trả hồ sơ trong 45 ngày nhưng thực tế 90 ngày mới trả. Nếu ước chừng 90 ngày mới trả được hồ sơ thì ghi hẳn trong giấy hẹn là 90 ngày đi, luật sư chúng tôi đỡ phải mất công giải thích tới lui cho nhà đầu tư. Họ không thể nào hiểu tại sao cơ quan nhà nước mà “ghi vậy nhưng không phải vậy”!
Sẽ gắn chip cho hồ sơ đầu tư
Tháng 12 tới, các hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư tại TP.HCM sẽ được gắn chip để dễ theo dõi, quản lý. Ngoài ra, tháng 1-2015 có thể áp dụng quy trình liên thông xử lý hồ sơ đầu tư, trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ thuế và con dấu cùng lúc. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bưu điện TP xây dựng quy trình chuyển hồ sơ. Nhà đầu tư có nhu cầu nhận tại nhà thì Sở chuyển qua bưu điện, giảm thời gian đi lại.
Vì việc đi hỏi ý kiến cơ quan liên quan là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tiến trình giải quyết hồ sơ nên Sở chủ động cải thiện như sau: Sau 15 ngày mà các sở, ngành không có trả lời thì Sở không chờ nữa.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM
Tiếng xấu lan nhanh
Những bất mãn của nhà đầu tư đi trước đều được “lan truyền” nhanh chóng trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật nên chỉ cần một vụ không hợp lý thôi là đủ để TP.HCM mang tiếng rất nhiều.
Luật sư của Công ty Luật Nagashima Ohno & Tsunematsu - Nhật Bản
80% đầu tư theo bạn bè
Chúng tôi cũng thường đi xúc tiến mời gọi đầu tư nhưng hiệu quả mang lại chỉ khoảng 5%-10%. Còn 70%-80% nhà đầu tư họ chịu đầu tư vào Việt Nam là nghe rủ rê của bạn bè. Cho nên cố gắng đừng bị mang tiếng xấu, sẽ mất nhà đầu tư.
Ông Nhuyễn Nội, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài
|
Quỳnh Như
pháp luật tphcm
|