Thứ Bảy, 22/11/2014 11:47

Khai thác cây lâm sản ngoài gỗ: Gắn phát triển với bảo tồn

Với diện tích rừng tương đối lớn, Việt Nam có nhiều loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loài lâm sản ngoài gỗ chưa được khai thác, bảo tồn hiệu quả, thậm chí có nguy cơ biến mất.

Chăm sóc cây dược liệu.

Tại Diễn đàn Khuyến nông-nông nghiệp chuyên đề “Phát triển cây lâm sản ngoài gỗ vùng miền núi phía Bắc” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như những định hướng giúp khai thác, phát triển lâm sản ngoài gỗ một cách hiệu quả.

Giàu tiềm năng

Với 2.000 loài lâm sản ngoài gỗ là cây thân gỗ; 3.000 loài cho dược liệu; 400 loài cho lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc; 500 loài cho tinh dầu, lâm sản ngoài gỗ được coi là lĩnh vực có vị trí quan trọng trong ngành lâm nghiệp (chiếm 20-25% giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm).

Lâm sản ngoài gỗ gắn liền với cuộc sống của 24 triệu đồng bào miền núi sống trong và gần rừng, có nơi nguồn thu từ lâm sản ngoài gỗ chiếm 10-20% trong thu nhập kinh tế hộ gia đình.

Gây trồng lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc khai thác, thu hái lâm sản ngoài gỗ từ rừng tự nhiên và chế biến lâm sản ngoài gỗ đã thu hút hàng vạn lao động khu vực nông thôn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2014, có khoảng 36/63 tỉnh gây trồng, thu hái lâm sản ngoài gỗ với diện tích 1,6 triệu ha, chiếm 13% diện tích đất có rừng trong phạm vi toàn quốc, trong đó diện tích lâm sản ngoài gỗ có khả năng khai thác, thu hái từ rừng tự nhiên là 1,1 triệu ha; diện tích lâm sản ngoài gỗ được trồng là 469.794ha.

Cơ cấu các loại cây lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là tre, nứa, trúc hơn 769.400ha (chiếm 47%); song, mây hơn 381.900ha (22,4%); thông nhựa hơn 255.700ha (15,6%); quế gần 81.000ha (4,9%). Lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ.

Hiện, ở Việt Nam có gần 4.000 loài cây có giá trị cung cấp nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe cho con người, 216 loài tre trúc và 30 loài song mây có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hiện có ít nhất 150 mặt hàng lâm sản ngoài gỗ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thương mại như mật ong, nấm, các loại hương liệu, song, mây, tre, trúc... Đây cũng là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ.Nguyễn Huy Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), trữ lượng gỗ của rừng tự nhiên nhiệt đới chiếm chưa tới 50% tổng sinh khối của rừng, còn lâm sản ngoài gỗ có thể chiếm hơn 50% tổng sinh khối. Vì thế, lâm sản ngoài gỗ có vai trò hết sức quan trọng trong các hệ sinh thái rừng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Sơn nêu một thực tế do cách khai thác theo kiểu tận diệt, chưa có các biện pháp bảo tồn nguồn gen hiệu quả nên nhiều loài lâm sản ngoài gỗ đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo các nhà khoa học, thì cứ sau 20 phút, trên phạm vi toàn cầu lại có thêm một loài động vật hoặc thực vật bị tuyệt chủng. Trong vòng 50 năm gần đây, tốc độ tuyệt chủng của các loài vi sinh vật đã tăng lên 40 lần so với thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Tại Việt Nam, ghi nhận trong những năm qua có tới 10 loài quý hiếm đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên; ngoài ra còn có 882 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Nhiều mô hình khẳng định được hiệu quả

Để giúp người dân khai thác hiệu quả các loài lâm sản ngoài gỗ, từ đó góp phần bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, từ nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, như trồng cây mây K83, macca, quế, thảo quả, sở, sơn ta.

Đơn cử như mô hình trồng cây mây K83 được triển khai tại Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh với diện tích 454ha, 420 hộ tham gia. Cây mây K83 trồng một lần cho thu hoạch thời gian từ 30-40 năm sau, sợi mây K83 bóng trắng tự nhiên, dẻo bền, mịn thớ.

Sau 4-5 năm có thể thu hoạch được 3-4 tấn/ha, với giá thu mua hiện tại là 3,5 triệu đồng/tấn thì 1ha có thể thu được 10-14 triệu đồng.

Dự án trồng cây lâm sản ngoài gỗ dược liệu ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang với các loài như ba kích, kim tiền thảo, sa nhân (diện tích 180ha, 940 hộ tham gia) cũng thu được kết quả khả quan. Tỷ lệ cây sống đạt trên 85%, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh hại.

Cụ thể như ba kích, sau năm đầu cây bắt đầu bám giá thể, sang năm thứ hai 100% số cây đã leo giàn. Hiện, 100% số cây trong mô hình đã có củ.

Theo tính toán sơ bộ, với 1ha cây ba kích, sau 5 năm trồng, người dân sẽ thu được lợi nhuận khoảng 228 triệu đồng, mô hình trồng kim tiền thảo đạt khoảng 79 triệu đồng/ha.

Theo tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình trồng kim tiền thảo giúp bà con nâng cao thu nhập vì kim tiền thảo được trồng chủ yếu dưới đồi vải hoặc diện tích cây ăn quả vườn nhà, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.

Dự án trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm thực phẩm triển khai ở ba tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái (diện tích 213,6ha, 270 hộ tham gia) với các loại cây thảo quả, măng Bát độ cũng đang phát triển tốt.

Với cây thảo quả, tỷ lệ cây sống đạt 88%, cây sinh trưởng phát triển tốt và đã cho quả bói, dự kiến sau 5 năm trồng, năng suất đạt 150 kg quả/ha. Với cây măng tre Bát độ, tỷ lệ cây sống đạt 86%, năng suất bình quân sau 5 năm dự kiến đạt 70-80 tấn/ha.

Tăng cường công tác quản lý

Từ hiệu quả của những mô hình trên, có thể khẳng định phát triển lâm sản ngoài gỗ là một trong những hướng đi để khai thác bền vững tài nguyên rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, vừa là giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Vì vậy, theo ông Sơn, việc quản lý tài nguyên lâm sản ngoài gỗ phải được chú trọng tương đương với các loại lâm sản khác và phải được đưa vào Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm ngoài gỗ cũng phải được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, cần có phương án đánh giá, phân loại lâm sản ngoài gỗ theo thứ tự ưu tiên, từ những loài có giá trị cao đến thấp theo từng vùng sinh thái hoặc theo từng địa phương để có phương án bảo tồn, phát triển, nhất là những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Cần nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật chọn tạo giống, gây trồng, khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm, chuyển giao cho nông dân để bà con gây trồng, khai thác hiệu quả; đề xuất các cơ chế, chính sách để khuyến khích bảo tồn và phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ gắn với bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời nghiên cứu thị trường và tiêu chuẩn chất lượng của từng loại lâm sản ngoài gỗ để đảm bảo giá cả ổn định.

Theo tiến sỹ Trần Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trên cơ sở kết quả của những mô hình đã xây dựng, trong thời gian tới, lực lượng khuyến nông sẽ tăng cường năng lực cho người dân để phát triển một số loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị hàng hóa theo các nhóm loài như làm dược liệu, thực phẩn, nguyên liệu chế biến; nâng cao năng suất, chất lượng thông qua giới thiệu tiến bộ kỹ thuật về giống mới có năng suất, chất lượng cao, sản xuất bằng phương pháp mô, hom thích ứng với điều kiện kập địa trồng khác nhau, đồng thời giới thiệu các kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Ngoài ra, các địa phương, ngành chức năng cũng cần tạo mối liên kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm với nông dân nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa ổn định cho một số loài lâm sản ngoài gỗ, gắn phát triển với bảo tồn lâm sản ngoài gỗ, nâng cao nhận thức cho người dân để bảo tồn các loài lâm sản ngoài gỗ quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2006-2020, định hướng phát triển lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam đến năm 2020 dự kiến xuất khẩu lâm sản đạt trên 7,8 tỷ USD (bao gồm 7 tỷ USD sản phẩm gỗ và 0,8 tỷ USD sản phẩm lâm sản ngoài gỗ).

Đến năm 2020, lâm sản ngoài gỗ trở thành một trong những ngành hàng sản xuất chính, chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp, giá trị lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu tăng bình quân 15-20%, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động, thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ chiếm 15-20% trong kinh tế hộ gia đình nông thôn.


Xuân Minh

vietnam+

Các tin tức khác

>   Phấn đấu năm 2015 phát điện Thủy điện Lai Châu (22/11/2014)

>   Nhiều cơ hội tăng xuất khẩu nông, thủy sản sang Nga (22/11/2014)

>   Triển vọng mới cho nghề khai thác hải sản (22/11/2014)

>   Việt Nam - EU ký Nghị định thư PCA (22/11/2014)

>   ‘Cá mập’ Thái nuốt trọn ‘con mồi’ Việt (22/11/2014)

>   Thêm kênh hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (21/11/2014)

>   Ưu đãi đặc biệt cho dự án 3 tỉ USD của Samsung (21/11/2014)

>   Thị trường nước giải khát: Cuộc chiến triệu đô (21/11/2014)

>   Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Đức đầu tư vào hạ tầng Việt Nam (21/11/2014)

>   Giao Bộ GTVT thẩm quyền định giá các dịch vụ hàng không (21/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật