“Bốc thuốc” kéo giảm nợ xấu
Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới 3% là một trong những mục tiêu nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua
Với thực trạng nợ xấu hiện nay, ngành ngân hàng (NH) tự thân xử lý, khởi kiện khách hàng ra tòa án để bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được cho là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, để kéo giảm tỉ lệ nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng ngành NH cần có “thuốc đặc trị”.
Tháo rào cản xử lý tài sản
Với cách tính của NH Nhà nước và của các tổ chức quốc tế, giới quan sát cho rằng Việt Nam còn tồn tại vài trăm ngàn tỉ đồng nợ xấu. Thế nhưng nhiều năm qua, việc xử lý nợ mất quá nhiều thời gian, kéo dài từ 3-5 năm do phải thông qua tòa án, cơ quan thi hành án, tổ chức đấu giá mới phát mãi được tài sản. Với trình tự tố tụng kéo dài, nhiều người cho rằng hệ thống pháp luật hiện nay chưa tạo điều kiện cho chủ nợ xử lý nợ xấu.
Nợ xấu sẽ được đưa về dưới 3% vào cuối năm 2015
|
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng yếu tố quan trọng để kéo giảm nợ xấu là phải tháo rào cản phát mãi tài sản hay nói cách khác là nợ xấu cần được xử lý bằng một cơ chế đặc thù. Theo đó, Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép tài sản thế chấp của khoản vay quá hạn được đưa ra đấu giá, phát mãi tại trung tâm đấu giá trực thuộc cơ quan nhà nước để tài sản được định giá một cách công khai, minh bạch. Làm được điều này chắc chắn thời gian giải quyết nợ xấu sẽ kéo giảm vài năm.
Còn theo PGS-TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), các NH cần tập trung mua đứt tài sản thế chấp (chủ yếu là bất động sản - BĐS) từ con nợ để giảm nhanh tỉ lệ nợ xấu. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, nếu sau 3 năm NH chưa bán được tài sản đã mua thì đưa vào danh mục tài sản cố định là không hợp lý vì đây là nhóm tài sản đóng vai trò trung chuyển trong quá trình xử lý nợ xấu. Do đó, để các NH thương mại mạnh tay mua tài sản, NH Nhà nước cần điều chỉnh quy định tổng giá trị tài sản cố định của một NH không vượt quá 50% vốn điều lệ.
Do phần lớn nợ xấu gắn liền BĐS nên dưới góc độ vĩ mô, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đề xuất nhà nước ban hành chính sách tháo gỡ vướng mắc về pháp luật liên quan đến thị trường nhà đất. “Nếu chính sách cho người nước ngoài mua nhà sớm ra đời thì BĐS sẽ đón nhận dòng tiền mới, góp phần giải quyết nợ xấu; đồng thời kích hoạt thị trường nhà đất, chứng khoán, tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn vốn mới từ nước ngoài, tăng thêm dự trữ ngoại hối để cân bằng nợ công, tăng nguồn thu ngân sách...” - ông Phước nói.
Tăng quyền cho “bà đỡ” VAMC
Hiện NH cần bán nợ xấu để làm sạch sổ sách trong khi “bà đỡ” VAMC có vốn điều lệ khá khiêm tốn (chỉ 500 tỉ đồng) lại không đủ thẩm quyền để xử lý nợ xấu hiệu quả. Ví dụ, khi mua của một NH 100 tỉ đồng nợ xấu với nhiều tài sản thế chấp có tính pháp lý phức tạp thì VAMC gần như bó tay trong xử lý bởi không thể khởi kiện con nợ ra tòa, yêu cầu cơ quan thi hành án thu giữ, định giá tài sản.
Mặt khác, VAMC không mua đứt bán đoạn nợ xấu bởi sau 5 năm nếu khoản nợ không xử lý được, tổ chức này sẽ trả lại cho NH. Khi đó, NH phải dùng 100% số tiền đã trích lập dự phòng để xử lý khoản nợ đó. Vì thế có ý kiến cho rằng VAMC mua nợ xấu sau đó chứa trong kho để đến thời điểm thích hợp sẽ trả lại cho bên bán, quả không sai. Ngoài ra, khi bán nợ xấu cho VAMC, NH không nhận được tiền tươi thóc thật mà chỉ là… trái phiếu đặc biệt kỳ hạn 5 năm. Như vậy, việc NH do dự bán nợ xấu cho VAMC là điều dễ hiểu.
Một số chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ tăng thêm quyền cho VAMC để nợ xấu được xử lý nhanh hơn, trước mắt là trao cho tổ chức này quyền định giá, phát mãi tài sản... nhằm sớm lưu thông tài sản nợ, trong đó chủ yếu là BĐS. NH Nhà nước cũng nên điều chỉnh thời hạn trái phiếu ít nhất là 10 năm để NH chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro không quá 10%/năm nhằm giảm áp lực cho chính NH. Đồng thời cần chuyển trái phiếu đặc biệt thành tiền với liều lượng phù hợp để các NH có thể thế chấp vay tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.
“Nếu chúng ta làm quyết liệt và có những quyết sách mạnh như phát mãi tài sản không qua tòa án, ban hành chính sách kích cầu BĐS, xử lý các yếu tố kỹ thuật của NH về trích lập dự phòng, tài sản cố định, hỗ trợ chi phí tái cấp vốn thông qua trái phiếu đặc biệt của VAMC... thì tôi tin rằng tỉ lệ nợ xấu lùi về dưới 3% là hoàn toàn có thể” - ông Trương Văn Phước khẳng định.
Nên giao chỉ tiêu cụ thể
Theo một lãnh đạo NH Nhà nước, kinh nghiệm cho thấy Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc... xem nợ xấu là vấn đề trọng đại. Các quốc gia này đã tạm ứng một khoản tiền từ ngân sách để hỗ trợ hệ thống NH và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế. Kết quả là nợ xấu được giải quyết, cộng đồng doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận rồi đóng thuế bù lại số tiền mà ngân sách đã bỏ ra.
Do ngân sách gặp khó khăn, tỉ lệ nợ công của Việt Nam ở mức cao nên việc sử dụng nguồn lực quốc gia để giải quyết nợ xấu là không ổn. Vì thế các NH thương mại phải tự thân xử lý nợ xấu bằng cách lấy lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, làm cho lợi nhuận, cổ tức, quyền lợi của cổ đông, lương, thưởng của nhân viên NH giảm xuống...
Theo các chuyên gia kinh tế, NH Nhà nước cần xác định khối nợ xấu còn tồn đọng và giải quyết theo hướng NH thương mại tự thân giải quyết 50%, phần còn lại bán cho VAMC. Tiếp đến, NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại tính toán liều lượng nợ xấu mới, nợ xấu hiện tại rồi giao chỉ tiêu giải quyết nợ xấu cho từng NH từ nay đến hết năm 2015. Bên cạnh đó, VAMC mua nợ xấu bằng các chính sách khuyến khích đặc thù sao cho các NH thương mại nhìn thấy việc bán nợ xấu đem lại lợi ích rõ ràng mới hy vọng nợ xấu giảm nhanh.
|
Thy Thơ
nlđ
|