Ưu tiên vốn cho nông, thủy sản
Các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn xuống trực tiếp các địa phương để kịp thời giải quyết vướng mắc, giúp người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn
Ngân hàng (NH) Nhà nước đang triển khai nhiều chính sách tập trung vào nông nghiệp và thủy sản, như: cho vay thí điểm phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông sản xuất khẩu, nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, cánh đồng mẫu lớn; hỗ trợ chăn nuôi và thủy sản.
Không để người dân vay vốn qua môi giới
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NH Nhà nước cơ cấu lại thời hạn cho vay vốn tín dụng xuất khẩu đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra bị thua lỗ trong năm nay. Trước đó, Quyết định 540 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm, cá tra cũng được ban hành, theo hướng cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, không thu lãi quá hạn, lãi phạt và xem xét cho người nuôi vay mới để khôi phục sản xuất…
Tại buổi làm việc xung quanh Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ở Quảng Ngãi mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NH Nhà nước đã ban hành các văn bản yêu cầu chi nhánh NH Nhà nước các tỉnh, thành phối hợp với sở, ban ngành tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai nghị định này. Theo đó, không để xảy ra tình trạng người dân vay vốn thông qua môi giới, NH xem xét cho vay đối với các chủ tàu trong danh sách được UBND tỉnh, thành phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch. Các NH chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn xuống trực tiếp các địa phương, kịp thời giải quyết vướng mắc, giúp người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn. Theo Nghị định 67, các chủ tàu sẽ được vay vốn lãi suất 7%/năm, trong 11 năm (năm đầu chưa phải trả gốc và lãi). Nếu ngư dân đóng tàu vỏ thép sẽ được vay vốn tối đa 95% tổng giá trị đầu tư, lãi suất vay 7%/năm, trong đó chủ tàu chỉ trả 1%/năm và phần còn lại ngân sách nhà nước cấp bù…
Cần đưa vốn đến đúng chỗ cần vay. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Nguyễn Hải
|
Trước đó, NH Nhà nước cũng ban hành Quyết định 1050 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp với các DN, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực này. Các đối tượng vay vốn với lãi suất ưu đãi gồm: DN ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân…
Phải đưa vốn đến đúng chỗ
Theo Thống đốc NH Nhà nước, Quyết định 540 là bước đi mạnh mẽ nhằm khôi phục sản xuất cho người nuôi trồng thủy sản, tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân bởi người dân vay tín dụng sản xuất nếu bị dịch bệnh sẽ được khoanh nợ 3 năm…
Tương tự, với Quyết định 1050 thí điểm cho DN nông nghiệp vay, đến nay, NH Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ chọn ra 10 DN và 11 dự án để cho vay thí điểm. Trong 4 tháng qua, các NH thương mại đã cam kết cho 11 DN vay hơn 2.700 tỉ đồng, đã giải ngân được 534 tỉ đồng và đang triển khai đẩy mạnh mô hình này. Mục tiêu của cơ quan quản lý là cho vay thí điểm đối với 15-20 dự án trong 2 năm nay… “Mục tiêu cuối cùng là sửa đổi Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với chương trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp, phù hợp với đổi mới mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp” - người đứng đầu NH Nhà nước khẳng định.
Vũ Phong
người lao động
|