Thứ Tư, 12/11/2014 09:10

Câu chuyện lãi suất, dòng tiền bị "mắc kẹt" và chứng khoán

Hạ trần lãi suất là tin tốt đối với chứng khoán. Nhưng với tình trạng ứ đọng vốn và gặp khó về đầu ra như hiện tại thì tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp. Trong thời kỳ kinh tế suy giảm thì cầu tín dụng hầu như không nhạy cảm với lãi suất.

* NHNN công bố hạ hàng loạt trần lãi suất huy động và cho vay

* Trần lãi suất huy động 5.5%: Đã là đáy?

Giới đầu tư kỳ vọng nhiều vào thông tin hạ trần lãi suất (QĐ 2712, 2173 và 2174 QĐ/NHNN) vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, trần lãi suất huy động đối với tiền gửi bằng Việt Nam đồng kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh xuống mức 5.5%/năm (giảm 0.5%) và 0.75%/năm đối với tiền gửi cá nhân bằng Đô la Mỹ (giảm 0.25%); trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên hạ từ 8%/năm xuống còn 7%/năm.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc này là tất yếu cho một dòng tiền mới chảy ra nền kinh tế. Lãi suất giảm, dòng tiền thông minh sẽ tự động tìm đến những kênh đầu tư hiệu quả hơn, mà chứng khoán là một trong những kênh đầu tư hiệu quả nhất hiện nay. Lãi suất giảm cũng hàm ý rằng, ngân hàng đang thừa vốn và không còn nhu cầu huy động vốn như trước đây nữa, dòng tiền dư thừa này sớm muộn sẽ được đẩy ra nền kinh tế? Điều này chỉ đúng một phần.

Lãi suất – Chứng khoán luôn đi ngược nhau

Nếu theo dõi câu chuyện lãi suất suốt giai đoạn 2006-nay sẽ thấy lãi suất và chứng khoán luôn đi ngược nhau.

Tại đỉnh cao của thị trường chứng khoán (2006-2007) lãi suất huy động vào khoảng 9-10%/năm. Con số này so với hiện tại là cao, nhưng so với mức tăng trưởng nền kinh tế giai đoạn đó được cho là thấp.

Thời kỳ bùng nổ của lãi suất huy động với đỉnh cao ghi nhận vượt 14%/năm, lãi suất liên ngân hàng lên đến mức kỷ lục 25-27%/năm là vào năm 2008, cũng là năm chứng khoán rơi thê thảm nhất trong lịch sử. Các động thái can thiệp của NHNN đã đưa trần lãi suất quay lại mức 9%/năm từ năm 2009. Giai đoạn này, thị trường chứng khoán có một nhịp hồi đáng kể trước khi tiếp tục ảm đạm suốt giai đoạn 2010-2012, giai đoạn mà lãi suất huy động duy trì phổ biến trên 11%/năm. Có giai đoạn trần lãi suất ở mức 14%/năm (2012) sau đó nhanh chóng bị điều chỉnh về mức 9%/năm.

Từ cuối 2013 và đầu 2014, nhiều chuyên gia tài chính công bố các công trình nghiên cứu cho rằng mặt bằng lãi suất đã về ngang giai đoạn 2005-2006. Vậy tại sao chứng khoán không "leo" lên được một đỉnh cao tương tự giai đoạn đó? Lãi suất huy động giai đoạn 2006-2007 phổ biến quanh mức 9.48%/năm nhưng tăng trưởng tín dụng trung bình vào khoảng 33%, trong khi tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2014 đang dừng lại ở con số 7.26%. Đó là chưa kể một vài giai đoạn có tăng trưởng tín dụng âm. Mặc dù ngân hàng thừa vốn, nhưng họ cũng loay hoay trong việc đẩy vốn ra ngoài.

Dòng tiền đang bị "mắc kẹt"

Bằng chứng rõ nét hơn cho việc thừa vốn của hệ thống ngân hàng là lãi suất tái chiết khấu đã xuống mức thấp nhất kể từ 2005 (chỉ còn 4.5%/năm). Lãi suất tái chiết khấu được hiểu là lãi suất mà NHNN đánh vào các khoản cho vay ngân hàng thương mại (NHTM) để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn của các ngân hàng này. Việc giảm lãi suất tái chiết khấu hàm ý rằng, NHNN đang khuyến khích các NHTM đẩy tiền ra nền kinh tế nhiều hơn. Khi thặng dư tiền chạm đến mức dự trữ bắt buộc, các NHTM sẽ đáp ứng bằng cách vay ngắn hạn từ NHNN với một mức lãi suất tương đối rẻ.

Thêm một minh chứng nữa, dòng vốn trong các ngân hàng rất thừa và bị ứ đọng đến mức các ngân hàng sẵn sàng sử dụng vốn huy động từ khu vực dân cư của mình cho đầu tư vào trái phiếu chính phủ để giải quyết đầu ra. Với mức trần lãi suất hiện tại 5.5%/năm và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục (chỉ còn khoảng 5.08%) thì rõ ràng các ngân hàng đang chịu lỗ gần 0.5% cho mỗi đồng đầu tư của mình? Có thể dễ dàng kiểm tra tính chính xác của thông tin tại báo cáo tài chính của các ngân hàng.

Hạ lãi suất nhưng dòng vốn giá rẻ vẫn chưa đến được với doanh nghiệp để kích thích nền kinh tế, một phần cũng do doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện để vay. Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NHNN cho biết tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 3.52% và sau nhiều nỗ lực đạt đến con số 8.36% sau 10 tháng đầu năm. Thực tế, theo cơ cấu đồng tiền, tăng trưởng tín dụng Việt Nam đồng chỉ ở mức 5%, còn tín dụng tăng trưởng tập trung ở ngoại tệ (khoảng 18-20%). Chúng ta đang đứng trong một nền kinh tế phục hồi hậu suy thoái, nhưng dòng tiền lại đang bị “mắc kẹt”, ứ đọng trong các ngân hàng. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này lại là câu chuyện của chính sách tài khóa: phải kích cầu, làm tăng tổng cầu! Nhưng...

Điều dễ nhận thấy nhất là hiện nền kinh tế đang hứng chịu mức tồn kho cao: tồn kho bất động sản, tồn kho vật liệu xây dựng, tồn kho hàng tiêu dùng, tồn kho thực phẩm. Dòng tiền chảy ra nền kinh tế nhưng lại qua trái phiếu chính phủ, chảy vào các hạng mục chi tiêu công. Kích cầu nền kinh tế qua chi tiêu công là một cách, nhưng đi kèm với nó là các vấn đề về hiệu quả chi tiêu, thâm hụt ngân sách, nợ công. Nợ công của Việt Nam dự kiến đến hết 2014 sẽ tăng lên 60.3% GDP và đạt mức 64% vào năm 2015. Hôm 7/11 vừa qua, Chính phủ cũng đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế để “đảo nợ” các khoản vay trái phiếu trước đây.

Tóm lại, hạ trần lãi suất là tin tốt đối với chứng khoán. Nhưng với tình trạng ứ đọng vốn và gặp khó về đầu ra như hiện tại thì tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp. Trong thời kỳ kinh tế suy giảm thì cầu tín dụng hầu như không nhạy cảm với lãi suất. Các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa luôn có độ trễ, cho nên phải mất một thời gian nữa thị trường chứng khoán mới hấp thụ được tác động của những chính sách này.

Võ Linh Nhi

Các tin tức khác

>   Ngân hàng tìm cách xả vốn vay (12/11/2014)

>   OCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 4,000 tỷ đồng (11/11/2014)

>   VIB không áp dụng phí phạt khi khách hàng trả nợ trước hạn (11/11/2014)

>   Nỗ lực bình ổn tài chính-ngân hàng Việt Nam đang đi đúng hướng (11/11/2014)

>   SCB được chấp thuận tăng vốn lên gần 14,295 tỷ đồng (10/11/2014)

>   VIB khai trương phòng giao dịch mới tại đường Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội (10/11/2014)

>   VPBank: Lãi sau thuế 9 tháng hơn 1,070 tỷ đồng, nợ quá hạn 7.9% (10/11/2014)

>   Nới trần vay vốn cho địa phương: Chỉ làm tăng “cơn khát” vay vốn (10/11/2014)

>   Ưu tiên vốn cho nông, thủy sản (09/11/2014)

>   Đưa dòng tiền tiết kiệm khổng lồ vào sản xuất kinh doanh (09/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật