Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh về thuế tại Nhật, Hàn
Lợi thế cạnh tranh về thuế của nhiều hàng hoá Việt Nam so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sẽ không còn nữa.
Đây là một trong những bất lợi mà Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp định này đang được đàm phán giữa 10 nước ASEAN và sáu nước khác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, và dự kiến kết thúc đàm phán vào năm 2015.
Tại hội thảo do dự án EU-VN Mutrap và Trung tâm WTO-TPHCM tổ chức tại TPHCM hôm 24-10, ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của dự án EU-VN Mutrap cho biết, vì hiệp định RCEP đang được đàm phán, không có nhiều thông tin được công bố nên ông không biết mức độ cam kết mở cửa của các bên trong hiệp định.
Tuy nhiên, hiệp định này có thể tạo ra một dòng dịch chuyển thương mại gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, trước đây người ta cho rằng khó có thể có một hiệp định thương mại giữa Trung Quốc và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng với sự tham gia của các nước này vào RCEP, điều này có khả năng sẽ xảy ra trong khuôn khổ RCEP.
Khi ấy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Chẳng hạn, với thị trường Nhật Bản, nhờ hiệp định ASEAN+1 với Nhật Bản, và hiệp định song phương Việt Nam – Nhật Bản, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật được hưởng thuế ưu đãi, cùng sản phẩm đó có xuất xứ từ Trung Quốc phải chịu thuế từ 15-20%. Sản phẩm da giày của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đang có thuế dưới 5%, còn từ Trung Quốc chịu thuế 30%.
Khi Nhật Bản và Trung Quốc đi đến một thoả thuận riêng trong khuôn khổ RCEP để hạ hàng rào thuế quan, lợi thế cạnh tranh mà các mặt hàng của Việt Nam đang được hưởng sẽ không còn nữa. Bất lợi này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà còn với các nước khác có trình độ phát triển thấp trong ASEAN, như Lào, Campuchia và Myanmar.
Tuy nhiên, RCEP cũng được xem sẽ đem lại cho Việt Nam một số lợi ích. Theo vị chuyên gia EU này, hiện trong sáu hiệp định ASEAN+1 (ASEAN đã có sáu hiệp định riêng với các nước châu Á đang đàm phán RCEP - PV), để được hưởng thuế ưu đãi khi xuất khẩu qua Hàn Quốc, hay Nhật Bản, hàng hóa từ các nước ASEAN phải có ít nhất 40% giá trị được tạo ra trong các nước tham gia hiệp định.
Trong khi đó, nhiều hàng hóa của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc nên khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ không được hưởng ưu đãi thuế suất. Nhưng nếu RCEP cho phép cộng gộp giá trị nguyên liệu nhập khẩu từ các nước tham gia đàm phán, bao gồm cả Trung Quốc, thì hàng hóa của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc sẽ vẫn được ưu đãi thuế khi vào Nhật.
Thêm vào đó, trong cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, việc tự do hóa di chuyển công dân trong RCEP cũng rất quan trọng đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Do đó, ông Claudio Dordi cho rằng, Việt Nam nên lưu ý đến quy tắc xuất xứ và việc di chuyển thể nhân khi đàm phán RCEP.
RCEP cũng sẽ hướng tới hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định ASEAN+1 hiện nay về nguyên tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, và tiếp tục dỡ bỏ rào cản thương mại, như hạ thuế suất thấp hơn trong ASEAN+1.
Các cuộc đàm phán hiệp định RCEP bắt đầu vào năm 2013, dựa trên cơ sở đề xuất của Trung Quốc và Nhật Bản. Cho đến nay, ASEAN và sáu nước đối tác đã tổ chức năm phiên đàm phán và hai phiên họp cấp bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN năm 2013 và 2014. Các bên đã thành lập bảy nhóm cộng tác, bốn tiểu ban và đã đưa các đề xuất, thảo luận quan điểm, cách tiếp cận của nhau trong các lĩnh vực đàm phán, đặc biệt là thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Các nước tham gia đồng ý phạm vi đàm phán của RCEP là trên bảy lĩnh vực, gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, đàm phán cũng sẽ đàm phán các nội dung khác trên cơ sở đồng thuận.
RCEP cũng có điều khoản mở cho phép các nước khác tham gia vào RCEP ngay cả khi đàm phán đã kết thúc.
T.Thu
tbktsg
|