Tăng lương sẽ phải chậm lại so với lộ trình
Vấn đề tăng lương trở nên “nóng” tại nghị trường ngay từ đầu kỳ họp thứ 8. Trả lời phỏng vấn báo chí xoay quanh vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng, trong điều kiện cân đối ngân sách gặp khó khăn, việc cải cách tiền lương phải chậm lại so với lộ trình.
* Năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương
* Tăng lương quá nhanh, thất nghiệp sẽ tăng
* Tăng lương tối thiểu: Tương ứng năng suất lao động hay mức sống?
ĐB Bùi Đức Thụ phân tích hết sức cụ thể về nguyên nhân không thể tăng lương theo lộ trình.
|
Thưa ông, dư luận hiện nay đang băn khoăn vì Chính phủ không bố trí được nguồn cho tăng lương trong năm 2015. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo lộ trình tăng lương, cải cách tiền lương thì năm nay phải tăng lương. Nhưng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 hết sức khó khăn. Thu của chúng ta với tốc độ tăng tương đối cao thì mới đạt 911.000 tỷ đồng (số tròn); chi ngân sách Nhà nước tăng hơn 1.100.000 tỷ đồng, bội chi ngân sách đã lên tới 226.000 tỷ đồng.
Dù với mức bội chi này mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Trong đó, chi thường xuyên để thực hiện chế độ, chính sách ban hành như hỗ trợ nhà ở với người có công cũng phải giãn lại làm từng bước. Đây thực chất cũng là nợ chính sách. Chi đầu tư hiện tại chúng ta bố trí thấp hơn mức bội chi ngân sách cũng không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Chi trả nợ mới đáp ứng được hơn 60%, còn lại là vay đảo nợ.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn như vậy, tôi cho rằng, chúng ta phải rà soát lại chính sách thu cơ cấu lại cho hợp lý theo hướng điều chỉnh một cách hợp lý. Đối với chi phải cơ cấu lại, triệt để tiết kiệm, lấy chỉ tiêu hiệu quả làm đầu và đặc biệt phải cân nhắc chặt chẽ trong việc ban hành chế độ, chính sách tăng chi. Nếu tăng chi mà không có nguồn đảm bảo thì sẽ dẫn đến chính sách treo. Hoặc nếu thực hiện sẽ đẩy bội chi và nợ công tăng vượt trần.
Đối với tăng lương, đây là khoản chi không chỉ phát sinh trong một năm. Tăng lương năm nay thì các năm tiếp theo vẫn tiếp tục phải duy trì mức gia tăng về tiền lương để đảm bảo mức tiền lương tối thiểu đã được quyết định.
Tăng lương đòi hỏi quá lớn vì quy mô người hưởng lương và chế độ chính sách từ ngân sách Nhà nước rất lớn. Cán bộ công chức có gần 700.000 người, nhưng tổng số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, liên quan ngân sách Nhà nước thì lên đến hơn 8 triệu người. Do vậy, để cải cách tiền lương thì đòi hỏi một lượng tiền rất lớn. Lần trước, tăng từ 930.000 lên 1.150.000 đồng thì đã mất trên 44.000 tỷ đồng/năm. Bây giờ, nếu cải cách tiền lương thì chắc chắn bội chi ngân sách lớn hơn, và nợ công ngay từ 2015 sẽ vượt trần.
Do vậy, quan điểm của tôi, căn cứ tình hình đó trước mắt chưa nên tăng lương, nên giãn lại tiến độ cải cách tiền lương; thứ hai, tốc độ tăng lương phải phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động- xã hội. Hiện tại, năng suất lao động xã hội của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước khu vực, thậm chí bằng một phần nhỏ của một số nước ở Đông Nam Á. Những năm vừa qua, tốc độ tăng lương cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Đây là vấn đề không bình thường trong vấn đề chính sách tiền lương.
Với hai lý do đó, tôi cho rằng, việc cải cách tiền lương phải chậm lại so với lộ trình.
Nếu không thể tăng lương cho tất cả các đối tượng CBCC theo lộ trình, thì có cân nhắc để tăng lương cho một bộ phận người hưởng lương hưu, các đối tượng chính sách hay không, thưa ông?
Chúng tôi suy nghĩ đến hai hướng. Một là, đối tượng về hưu, nhất là các cụ nghỉ hưu đã lâu thì mức lương rất thấp và chế độ hưởng phụ cấp ở một số ngành đặc thù. Với điều kiện như hiện nay, việc trượt giá, đời sống vật chất khó khăn thì nếu xét mức độ ưu tiên thì phải quan tâm đến đối tượng này.
Thứ hai, để tăng cường chế độ trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, đối với cán bộ công chức có thể không tăng lương nhưng có thể tính đến phụ cấp công vụ trực tiếp cho một số đối tượng và cũng phù hợp với thực tiễn. Nhưng chỗ này, với bối cảnh chung về cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015, chúng tôi thấy cần thiết phải ưu tiên đi trước một chút nhưng thực hiện ngay trong năm 2015 thì cũng rất khó.
Trong quá trình điều hành ngân sách Nhà nước năm 2015 nếu có những nguồn phát sinh và có những điều kiện tiền đề để xử lý được ngay trong năm 2015 là tốt, không phải bắt đầu từ những năm sau.
Hai năm qua không tăng lương nhưng lạm phát lại tăng, ảnh hưởng tới đời sống của người hưởng lương từ ngân sách. Kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách lại không tăng. Vậy đây có phải là sự không công bằng?
Lạm phát 2 năm qua tăng là tăng chung, cái giảm thu nhập thực tế không phải chỉ với những người công chức, viên chức mà của toàn bộ những người hưởng lương. Lạm phát làm giảm tiền lương thực tế của mọi người hưởng lương.
Tốc độ tăng lương cao hơn tăng năng suất lao động xã hội. Tiền lương ấy đúng với số lượng, chất lượng cống hiến của người lao động. Hơn nữa là điều kiện thực hiện tăng lương năm 2015 chưa có, do mất cân đối ngân sách Nhà nước.
Vậy nếu một số địa phương cân đối được nguồn thì có quyền điều chỉnh phụ cấp cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa hay không, thưa ông?
Chính sách đối với con người phải hết sức thận trọng, cân nhắc. Nếu ta giao cho từng địa phương, anh nào khỏe có quyền tự quyết được thì vô hình trung phá vỡ chính sách và tạo thành bất bình đẳng. Cũng là cán bộ nhà nước, cũng trình độ như vậy, nhưng làm chỗ này được hưởng lương quá cao, nhất là với những thành phố lớn, còn với vùng sâu, vùng xa thì khó khăn thì đã có phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút rồi.
Bây giờ nếu cho anh nào “khỏe” như Hà Nội, TP. HCM có quyền chi cho người vượt lên thì tôi cho rằng phải xem xét tính hợp lý, nếu không nó sẽ phá vỡ chính sách chung, chính sách chi đối với con người, tạo thành bất bình đẳng trong xã hội.
Còn các khoản trợ cấp đối với một số trường hợp để đảm bảo an sinh xã hội, tôi cho rằng có thể được, nhưng phải được quản lý chặt chẽ theo đúng đối tượng.
Xin cảm ơn ông!
Minh Anh ghi
hải quan
|