Từ cuộc sống đến nghị trường (1): GDP và “Gia Cát Dự”
Nếu khai thác trên một triệu tấn dầu thì GDP có thể tăng hơn 5,8%, chỉ tiêu thất nghiệp dẫu dư luận có nhiều ý kiến nhưng là đánh giá theo thông lệ quốc tế…
Việc không ít chuyên gia và cả tổ chức kinh tế đã trở thành “Gia Cát Dự” khi nói về GDP, có lẽ cũng chẳng có gì là lạ với tình trạng số liệu thống kê được cho là “rất có vấn đề” của Việt Nam - Minh họa: Khều.
|
Tuần trước, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2014 và kế hoạch 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã hơn một lần thoát ly báo cáo, để nói thêm về một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng.
Đây cũng là những nội dung xuất hiện khá dày đặc trên cả các diễn đàn kinh tế lẫn trên báo chí thời gian gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong vòng tranh cãi là đã thoát đáy hay chưa.
Và, hẳn là sẽ không dễ dàng cho các vị đại diện của dân khi tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây lại thêm một lần nhấn nút quyết định hệ thống chỉ tiêu của 2015. Những chỉ tiêu mà năm nào Chính phủ cũng dự kiến, Quốc hội cũng biểu quyết, rồi thực hiện khi được khi không cũng chẳng rõ ràng trách nhiệm, theo nhận xét của nhiều vị đại biểu, qua nhiều kỳ họp.
Trong khi đó, đề nghị của một số vị đại biểu Quốc hội bổ sung một chỉ số niềm tin hay chỉ số hài lòng của người dân trong hệ thống chỉ tiêu trình lên Quốc hội thông qua hàng năm vẫn chỉ là… đề nghị.
Trong hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội hằng năm, tăng trưởng GDP luôn ở vị trí số một.
Các dự báo về chỉ tiêu này cũng xuất hiện liên tục hàng quý, từ cả các tổ chức quốc tế.
Với tốc độ ì ạch của tái cơ cấu nền kinh tế và sự xuất hiện đột ngột của dàn khoan Hải Dương 981cùng hệ lụy không hề nhỏ của nó, thì cho đến hết quý 3, niềm tin vào con số 5,8% tăng trưởng GDP của 2014 còn khá mong manh.
Nhưng, một con số còn cao hơn thế, tới 5,97%, đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đề cập trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.
Chỉ có điều, một trong các điều kiện để đạt được con số đó là khai thác dầu thô phải đạt trên một triệu tấn.
Có một sự giật mình nhẹ từ phía những người lắng nghe Bộ trưởng Vinh lúc đó, bởi sự liên hệ với lời nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển khi bình luận về GDP tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 diễn ra hồi cuối tháng 9.
Lúc đó, ông Tuyển không ngần ngại thừa nhận “đã sai lầm” khi kiên trì dự báo tăng trưởng GDP của 2014 rất khó cán đích 5,8%. Khi mà con số của 9 tháng đầu năm ông cập nhật được ngay trước khi đăng đàn ở diễn đàn đã là 5,62%.
Thế nhưng vị chuyên gia từng là thành viên Chính phủ của hai nhiệm kỳ Thủ tướng khác nhau quả quyết là để tăng vài phần trăm GDP không khó, “chỉ cần khai thác thêm vài trăm ngàn tấn dầu thô và ít than”.
Tăng trưởng GDP theo cách này được ông Tuyển bình luận là “chứng tỏ tư duy thành tích nặng nề”. Và, điều được ông nhấn mạnh là với tư duy này thì “tăng thêm vài phần trăm GDP không thành vấn đề”.
Lùi lại 2013 - năm mà theo vị chuyên gia này thì nền kinh tế đã chạm đáy, ông Tuyển phân tích là con số GDP tăng 5,42% đã được tính lại theo giá cố định 2010, còn nếu quy về giá cố định 1994 như trước đó thì chỉ là “5 phẩy không mấy phần trăm”.
Nhưng, dù là tính theo giá năm nào hay khai thác thêm cả dầu và than, thì tăng trưởng GDP của kế hoạch 5 năm vẫn không thể chạm đích 6,5 đến 7% như mục tiêu đã được Quốc hội thông qua. Và chỉ tiêu được Đại hội Đảng lần thứ 11 quyết định ở mức bình quân 5 năm từ 7 - 7,5% lại càng xa vời.
Dự kiến gần nhất của Chính phủ về chỉ tiêu này của cả giai đoạn chỉ là 5,8%, với tăng trưởng GDP của 2015 là 6,2%.
So với một số nước trong khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại trong khi một số nước đã có sự cải thiện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội so sánh.
Việc không ít chuyên gia và cả tổ chức kinh tế đã trở thành “Gia Cát Dự” khi nói về GDP, có lẽ cũng chẳng có gì là lạ với tình trạng số liệu thống kê được cho là “rất có vấn đề” của Việt Nam.
Hai tháng trước, tại hội nghị toàn ngành kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng nói: “Cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay là không xác thực, và so với quốc tế thì không giống ai cả”.
Tính lại GDP của các địa phương, theo người đứng đầu Chính phủ là “cũng nhạy cảm”, nhưng “nên nhìn sự thật”.
Bên cạnh sự thật của các con số tăng trưởng thì còn cần nhìn vào sự thật của cách thức tạo ra tăng trưởng, theo quan điểm của chuyên gia Trương Đình Tuyển.
“Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 nêu ra quan điểm cực kỳ đúng đắn rằng là nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Nhưng mà hiện nay nền kinh tế của chúng ta FDI chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp”, ông Tuyển bình luận trong một diễn đàn có mặt hàng trăm nhà quản lý và chuyên gia kinh tế. “Như vậy, tăng trưởng kinh tế không làm tiềm lực kinh tế quốc gia mạnh lên, không làm khu vực trong nước mạnh lên, ngược lại làm doanh nghiệp trong nước yếu đi.
Theo ông, đây là câu hỏi cực lớn liên quan đến quan điểm phát triển, dứt khoát phải thảo luận, và phải có lời giải đáp là Việt Nam có chấp nhận thực trạng này hay không.
Lời giải đáp, phải chăng sẽ đến từ cơ quan đại diện cao nhất cho nhân dân, khi mà một hệ thống chỉ tiêu cho năm 2015 đã lại được dự kiến với GDP tăng khoảng 6,2% so với 2014?
Tuy nhiên, từ góc nhìn của chính chuyên gia ngành thống kê, ông Bùi Trinh, thì GDP chỉ là “phù phiếm”. Bởi cái mà một quốc gia thực sự được hưởng là GNI - tổng thu nhập quốc gia - chứ không phải là GDP.
Nhưng GNI, ngay cái tên của nó có lẽ cũng còn khá xa lạ với không ít đại biểu Quốc hội.
Nguyên Thảo
vneconomy
|