Phát triển hệ thống thương mại: Không chỉ là xây thêm siêu thị
Những năm gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân bởi chất lượng, nguồn gốc sản phẩm cũng như sự an toàn của hàng hóa và các dịch vụ hậu mãi tiện ích. Đến nay, toàn thành phố có 135 siêu thị và 28 TTTM các loại.
Theo Quy hoạch hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành hơn 1.000 siêu thị, TTTM để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô.
Riêng các năm từ 2012 đến 2014, đã có 8 TTTM được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động với kinh phí hơn 42.000 tỷ đồng như Royal City với tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 10.000 tỷ đồng; Times City với tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 30.000 tỷ đồng. Mới đây, dự án TTTM AEON Mall (Nhật Bản) tại quận Long Biên đã khởi công với diện tích 9,6ha, diện tích xây dựng 56.139m2, tổng mức đầu tư đạt 200 triệu USD… 25 siêu thị đã được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, mạng lưới siêu thị, TTTM vẫn tập trung chủ yếu ở nội thành, các huyện ven đô có rất ít loại hình bán lẻ hiện đại do thu nhập và thói quen mua bán của người dân khu vực này nên doanh nghiệp không muốn đầu tư vì hiệu quả kinh doanh không cao. Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa có các TTTM quốc tế và vùng, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn.
Để người dân nông thôn cũng được tiếp cận với thương mại hiện đại, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) tổ chức khảo sát toàn bộ các quận, huyện, thị xã; nghiên cứu thực tế và tham vấn các bộ, ngành để xây dựng quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Hà Nội có quy hoạch chi tiết hệ thống bán lẻ để đáp ứng nhu cầu của 7,2 triệu dân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quy hoạch cần phải dựa vào 4 yếu tố chủ yếu là: Vị trí, địa điểm bán lẻ; chất lượng và giá cả hàng hóa; tổ chức bán hàng và quy hoạch chung toàn hệ thống bán lẻ trên địa bàn, không chỉ đơn giản là xây thêm siêu thị.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 23 siêu thị hạng một, hơn 100 siêu thị hạng hai, 865 siêu thị hạng ba và 64 TTTM các hạng. Việc xác định số lượng và quy mô hệ thống siêu thị dựa trên bán kính và diện tích phục vụ của từng loại hình và quy mô siêu thị, mật độ dân số và diện tích xây dựng đô thị. Những năm gần đây, Hà Nội đã có thêm các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm với diện tích đô thị rất lớn. Riêng quận Hà Đông diện tích 47,9km2 đã lớn hơn 4 quận là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có tổng diện tích 34,7km2. Trong hơn 1.000 siêu thị, TTTM, nhiều điểm sẽ được đặt tại các tòa nhà cao tầng, khu chung cư để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Các siêu thị, TTTM vừa là nơi mua sắm, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân, trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng phong phú. Người ta có thể đến mua hàng, cũng có thể xem phim, hay ngồi nhâm nhi tách cà phê… Mô hình bán lẻ hiện đại này thực sự là nơi mang lại cảm giác thư giãn cho cuộc sống đô thị vốn căng thẳng. Tuy nhiên, các siêu thị, TTTM cũng có những nhược điểm nhất định trong cuộc "cạnh tranh" với chợ cóc, chợ truyền thống. Vì vậy, cần triển khai đúng quy hoạch, đồng thời xây dựng mô hình quản lý đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Thực tế cho thấy, ở một số khu vực, khi hệ thống siêu thị, TTTM được quản lý tốt, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá bán hợp lý, nhiều người dân đã từ bỏ thói quen mua hàng ở chợ cóc, chợ tạm. Việc đầu tư xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển hài hòa thị trường thành thị và nông thôn, gắn kết thương mại truyền thống và hiện đại, đưa Hà Nội trở thành TTTM của khu vực và quốc tế. Khi thu hút được người dân đến với siêu thị, TTTM những bất cập của chợ cóc, chợ tạm cũng sẽ được giải quyết.
Theo dự báo đến năm 2020, quy mô dân số của Hà Nội là 9,4 triệu người, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD/người/năm; năm 2030 đạt 17.000 USD/người/năm. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích xây dựng đô thị tăng 4,69 lần, từ 18.050ha năm 2008 lên 84.670ha vào năm 2020. Vì vậy, cần đầu tư xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ theo hướng đồng bộ, văn minh hiện đại. Về vốn đầu tư xây dựng, một phần là của Nhà nước, còn lại là các nguồn vốn xã hội hóa. Việc huy động vốn sẽ chia làm nhiều giai đoạn, trong đó từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm hơn 6.000 tỷ đồng để triển khai đề án. |
Thanh Hiền
hà nội mới
|