Thứ Hai, 27/10/2014 22:12

Ký hợp đồng bán cổ phần dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng

Dự án BOT đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng sẽ được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, bắt đầu bằng việc ký hợp đồng nguyên tắc giữa chủ đầu tư dự án là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) với một nhóm các nhà đầu tư do doanh nghiệp Ấn Độ đứng đầu.

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai cũng sẽ được chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoài VEC

Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay 27-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, ngày mai 28-10 tại Ấn Độ, Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư dự án BOT đường cao tốc Hà Nội -Hải Phòng đang xây dựng, sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhóm đối tác do doanh nghiệp Ấn Độ đứng đầu về việc bán 70% cổ phần tại dự án này cho đối tác nước ngoài.

Hợp đồng sẽ được ký dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ từ ngày 27-10.

Nhóm các nhà đầu tư gồm IL&FS Transportation Networks Limited (ITNL -Ấn Độ), Strategic Alliance Holdings (SAHI - Philippines) và Tung Shing Groups (Tung Shing – có trụ sở tại Bristish Virgin Islands) đã bày tỏ sự quan tâm tới dự án này cách đây một năm và dành thời gian nghiên cứu cụ thể trước khi đi đến quyết định chính thức.

Hai bên dự kiến sẽ thành lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận dự án kèm theo các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Hình thức bán cổ phần là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - cổ đông lớn hiện chiếm khoảng 90% tổng số cổ phần tại VIDIFI - sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp này bằng cách bán cổ phần lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi thành lập, VIDIFI có tổng vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, nhưng ngoài VDB là cổ đông lớn thực góp vốn cùng Ngân hàng Vietcombank (1,97% ), thì các đối tác còn lại như Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, Vinaconex chưa đóng đủ tỉ lệ vốn góp.

Chưa rõ VDB sẽ chuyển nhượng 70% số cổ phần cho đối tác với giá bao nhiêu song hiện nay dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (dự kiến hoàn thành cuối năm 2015) mới hoàn thành được 68,6% giá trị hợp đồng xây lắp và dự kiến đến cuối năm nay mới thông xe từng phần. Dự án có tổng vốn dự kiến ban đầu là 24.566 tỉ đồng nhưng sau bảy năm đầu tư, chủ dự án đang xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 45.522 tỉ đồng do có sự thay đổi cơ bản về thiết kế cơ sở và thiết kế ban đầu cộng với lạm phát đẩy giá nguyên vật liệu, chi phí lãi vay và đền bù giải phóng mặt bằng gia tăng.

Bằng việc trở thành cổ đông lớn của dự án, nhóm các nhà đầu tư Ấn Độ sẽ rót thêm tiền để dự án được đảm bảo tiến độ và đưa vào khai thác, đảm bảo quyền thu phí để hoàn vốn cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ hướng đến quyền thu phí tại đường cao tốc dài 105 ki lô mét này bởi VIDIFI còn được quyền khai thác các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị, khu công nghiệp đồng bộ với đường cao tốc theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Hiện cũng chưa rõ các nhà đầu tư sẽ được quyền khai thác thế nào tại các dự án nói trên, ví dụ như dự án Khu đô thị Gia Lâm, Hà Nội do VIDIFI làm chủ đầu tư đang chào bán 85% cổ phần cho một đối tác trong nước khác.

Sau việc bán cổ phần tại VIDIFI, có tới năm dự án BOT đường cao tốc khác của Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng có chủ trương bán cho các đối tác trong và ngoài nước theo quyết định số 2072 của Thủ tướng về tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư. Các dự án này bao gồm các đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Cầu Giẽ- Ninh Bình, Nội Bài- Lào Cai, Bến Lức- Long Thành và Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm nay 27-10, VEC cho biết đang xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty song song với việc xây dựng phương án thành lập các công ty cổ phần dự án, cùng với phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm "góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, giúp VEC sớm thu hồi vốn để có nguồn lực đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt."

Tính đến tháng 10/2014, VEC đã và đang đầu tư 540 km đường cao tốc với tổng vốn đầu tư 125.000 tỉ đồng, trong đó 316 ki lô mét đường đã được đưa vào khai thác và phần còn lại sẽ dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Trong tổng mức đầu tư này, vốn nhà nước tại các dự án là 71,5 ngàn tỉ đồng, VEC huy động được 54.017 tỉ đồng.

Song nhiều khoản huy động như vốn vay trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm 2013 đã đến hạn trả nợ 607 tỉ đồng mà VEC không trả được dẫn đến ngân sách nhà nước phải cấp phát để trả thay.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Xây cầu Thủ Thiêm 2 sẽ làm chậm tiến độ sản xuất tên lửa? (27/10/2014)

>   Thuê chuyên gia Nhật thiết kế lại Thung lũng Tình Yêu (27/10/2014)

>   Nở rộ dự án bất động sản gần trạm metro Sài Gòn (27/10/2014)

>   Có ngân hàng, đâu cần Quỹ nhà ở (27/10/2014)

>   Bùng phát nạn “xẻ thịt” đất vàng dự án lấy tiền đút túi ở Hà Nội (27/10/2014)

>   Góp vốn bằng đất: Hiểu sao cho hợp lý? (27/10/2014)

>   Bộ trưởng Xây dựng "bắt bệnh" thị trường bất động sản (27/10/2014)

>   Quá ế, nhà rẻ thêm 'chuẩn' 5 sao chiều khách nghèo (26/10/2014)

>   Một tỷ đồng mua đất Hà Nội (26/10/2014)

>   Chủ tịch Nam Long lý giải vì sao nên mua nhà trong gói 30,000 tỷ đồng? (25/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật