Thứ Hai, 20/10/2014 09:39

Nông sản vào siêu thị khó hơn xuất sang Mỹ, Nhật

Là vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước, cung ứng 90% sản lượng gạo, 70% thủy sản xuất khẩu và chiếm 60% sản lượng trái cây của cả nước nhưng lại không tìm được chỗ đứng trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, vốn đang phát triển rầm rộ tại Đồng bằng Sông Cửu Long…

Sản phẩm đặc sản của ĐBSCL bày bán tại siêu thị Coop Mart Cần Thơ.

Nông dân nói do siêu thị

Ông Nguyễn Văn Năm có 2ha dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi trồng dâu Hạ Châu nổi tiếng mấy chục năm qua. Chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sản phẩm này vẫn chưa vào siêu thị được do 2 bên chưa đi đến tiếng nói chung. Các siêu thị lấy hàng số lượng có hạn, lựa trái tốt đem về bán nhưng một tuần sau mới trả tiền cho số bán được, số còn lại trả cho nhà vườn. Khi đó, sản phẩm hư hết rồi, chỉ còn cách đổ bỏ. Trong khi bán cho thương lái thì họ mua hết 1 lần và trả tiền liền”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Các siêu thị đòi sản phẩm chất lượng cao nhưng thu mua số lượng ít. Chẳng hạn như nông dân làm ra 1 tấn rau màu, nhưng siêu thị lựa chỉ lấy 700kg, số còn lại nông dân không biết đem bán ở đâu. Trong khi bán cho thương lái thì hết trọn gói. Trái cây cũng có vào siêu thị được nhưng dưới dạng ký gửi, cuối tuần mới thanh toán 1 lần, hàng bán không hết thì trả lại?

Ông Nguyễn Hữu Tặng - Phó Chủ tịch UBND Q.Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) nói thêm: Địa bàn có 2 phường chuyên canh rau sạch (chủ yếu là hẹ) với hơn 50ha và 2 làng nghề (bánh tráng và đan lát) nhưng nhiều năm nay sản phẩm không vào siêu thị được. Nông dân ngán phương thức thanh toán mất nhiều thời gian…

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ mong muốn hàng hóa nông sản đến siêu thị có hợp đồng cụ thể, giá cả ổn định; kiến nghị có sở, ngành làm đầu mối cho HTX, nông dân gặp, kết nối với các siêu thị để chào bán sản phẩm của mình. Các siêu thị nên tạo điều kiện cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc, tiêu thụ hàng hóa nông dân làm ra.

Nông sản của nông dân ĐBSCL chủ yếu tiêu thụ tại các chợ truyền thống.

Siêu thị bảo “lỗi” của nông dân

Theo Sở Công Thương TP.Cần Thơ, hàng hóa trong các siêu thị, trung tâm thương mại do Cty mẹ ở TP.HCM quyết định, chi nhánh ở Cần Thơ chỉ quyết định các đơn hàng nhỏ. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của địa phương có khả năng vào siêu thị nhưng không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, thu gom, vận chuyển… Ông Phạm Việt Bắc, PGĐ Sở Công Thương Cần Thơ cho rằng: “Chúng ta xúc tiến xuất hàng sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản còn được nhưng vào siêu thị tại sao không? Vì bắt tay chưa chặt”.

Về vấn đề này, bà La Ngọc Trương, Phó Giám đốc ngành hàng thực phẩm Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ cho rằng: Chủ trương của hệ thống Co.op Mart là ưu tiên khai thác nguồn hàng tại địa phương để hỗ trợ nông dân và có giá bán tốt nhất cho khách hàng, nhưng hiện chưa có nhiều nguồn hàng. Hiện còn nhiều nông dân ngại khó, làm theo tập quán truyền thống. Các điều kiện đơn giản như đáp ứng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm (có giấy chứng nhận xuất xứ, kiểm nghiệm, xin cấp mã) thì chúng tôi sẽ khảo sát trực tiếp nguồn hàng; nếu đáp ứng sẽ cung cấp cho toàn hệ thống.

“Tuy nhiên, cũng có việc nghe khó tin nhưng lại có thật là hàng ngày chúng tôi vẫn phải nhập bún, hủ tiếu, bánh phở từ TP.HCM đưa về Cần Thơ bán cho hệ thống trường học và người dân vì các cơ sở địa phương không đáp ứng đủ các điều kiện và không xuất được hóa đơn” - bà Trương nói.

Bà Hồ Quang Kiều, Giám đốc Siêu thị Big C Cần Thơ cho rằng: “Tiêu chí của Big C là gắn kết hàng hóa địa phương. Tuy nhiên, hàng hóa của Cần Thơ khá khiêm tốn tại siêu thị. Nguyên nhân là các đơn vị này còn ngại làm các thủ tục giấy tờ xác minh nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, một số đơn vị mặc dù có đủ điều kiện để cung ứng hàng với số lượng lớn nhưng năng lực về chuyên chở, bảo quản… còn yếu”.

Còn ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc khu vực Tây, hệ thống Siêu thị Vinatex nói: “Tại sao cam sành, xoài của Cần Thơ chở đi nơi khác bán được mà không vào siêu thị. Đó là thiếu sự kết nối giữa nông dân và siêu thị. Nông dân phát triển theo kiểu tự phát, không có hợp tác xã hay đầu mối, còn chúng tôi thì tự đi tìm nông dân chứ không có ai kết nối”.

Về những khúc mắc trên, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Hùng Dũng giao các địa phương xác định, xây dựng, tổ chức vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc trưng chất lượng cao để cung ứng cho các siêu thị, hướng đến sản xuất bền vững. Trung tâm xúc tiến đầu tư đứng ra làm đầu mối liên kết, cầu nối để nông dân và doanh nghiệp gặp nhau, hợp tác làm ăn. Trong quá trình hợp tác, nếu có vướng mắc cần tháo gỡ ngay, các siêu thị, doanh nghiệp… có thể gọi điện trực tiếp, ông sẵn sàng giải quyết.

Trần Nam

pháp luật việt nam

Các tin tức khác

>   9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu hạt điều đạt gần 1,5 tỷ USD (20/10/2014)

>   Nhập nhiều khô đậu nành giá cao, chịu sức ép lớn (19/10/2014)

>   Dịch vụ bảo vệ thực vật: Lối mở cho nông sản an toàn? (17/10/2014)

>   Yên tâm sử dụng thực phẩm biến đổi gen? (16/10/2014)

>   Xuất khẩu gạo: vẫn bỏ trứng vào một giỏ (16/10/2014)

>   Mía đường Thành Thành Công đã sẵn sàng hội nhập AFTA (16/10/2014)

>   Khoảng 10% số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (15/10/2014)

>   Vicofa lại muốn tạm trữ 200.000 tấn cà phê (14/10/2014)

>   Thị trường gạo thế giới đang cạnh tranh gay gắt (14/10/2014)

>   Indonesia: Kim ngạch xuất khẩu càphê tăng do hạn hán tại Brazil (14/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật