Nhập nhiều khô đậu nành giá cao, chịu sức ép lớn
Việc giá khô đậu nành nội địa giảm mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải bán nguyên liệu dưới giá thành để cắt lỗ, và tình trạng này có thể vẫn tiếp diễn vào cuối năm nay.
Báo cáo triển vọng cung - cầu ngũ cốc và hạt của Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây đã tăng ước tính sản lượng đậu nành vụ mới của Mỹ thêm 2,6 triệu tấn, lên mức kỷ lục 106,5 triệu tấn. Sản lượng đậu nành của Brazil và Argentina niên vụ 2014-2015 cũng được điều chỉnh tăng tương ứng 3 triệu tấn và 1 triệu tấn so với báo cáo tháng trước. Sau báo cáo này, ngay lập tức giá khô đậu nành tiếp tục giảm sâu, hiện giá khô đậu nành CBOT (sàn giao dịch hàng hóa Chicago) giao tháng 12 đã xuống dưới mốc 360 đô la Mỹ/tấn.
Nguồn cung thì lớn như vậy nhưng ở đầu cầu tiêu thụ lại xuất hiện những thông tin khá tiêu cực. Trung tâm Thông tin ngũ cốc và hạt có dầu mới đây dự báo, lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc có thể giảm tới 25% trong năm tài chính 2014-2015 (bắt đầu từ ngày 1-10) bởi ngành chế biến đậu nành nước này đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng nề. Doanh thu từ bán dầu đậu nành và bột đậu nành thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất. Nếu điều này thực sự xảy ra thì giá đậu nành và khô đậu nành thế giới sẽ lao dốc mạnh trong năm 2014-2015 bởi Trung Quốc đang chiếm tới 60% thương mại đậu nành toàn thế giới.
Đà giảm giá đậu nành và khô đậu nành thế giới có thể được kéo dài trong quí 4 và sang cả đầu năm 2015 bởi ngay sau vụ thu hoạch đậu nành tại Mỹ kết thúc vào cuối năm thì đầu năm sau các nước Nam Mỹ cũng bước vào vụ thu hoạch mới. Nguồn cung đậu nành và khô đậu nành dồi dào sẽ giữ giá nguyên liệu thế giới dao động ở mức thấp trong thời gian dài.
Giá nguyên liệu thế giới trượt dài đã khiến cho chào giá khô đậu nành nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh theo. Hiện nay, chào giá khô đậu nành Argentina giao tháng 12 về cảng Phú Mỹ/Cái Mép chỉ còn 474 đô la Mỹ/tấn, hàng giao tháng 1-2-3 ở mức 466 đô la Mỹ/tấn và hàng giao tháng 4-5-6 chỉ ở mức 445 đô la Mỹ/tấn và có thể sẽ còn tiếp tục giảm mạnh nữa nếu giá thế giới tiếp tục lao dốc.
Mặc dù chào giá xuống khá thấp, nhưng theo các thương nhân, nhu cầu ký các đơn hàng giao mới cuối năm là rất ít bởi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã mua hàng cho kỳ hạn này từ cách đây vài tháng. Trong khi đó, hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8, chào giá khô đậu nành về cảng Việt Nam giao các tháng 10-11-12 vẫn khá cao, dao động trên dưới 500 đô la Mỹ/tấn (tương đương khoảng 11.700 đồng/ki lô gam), lượng hàng này sẽ về cảng của Việt Nam trong các tháng 11-12 và đầu năm 2015.
Kể từ đầu tháng 9, thị trường bắt đầu xuất hiện trở lại nguồn cung khô đậu nành từ Ấn Độ với mức giá khá tốt, khoảng 480-490 đô la Mỹ/tấn (khoảng 11.042-11.272 đồng/ki lô gam) về cảng TPHCM-Hải Phòng cho kỳ hạn giao tháng 11. Với mức giá như trên, cộng thêm thời gian vận chuyển về nhanh hơn so với hàng từ Mỹ và Nam Mỹ thì những doanh nghiệp có hàng về vào tháng 11 sẽ chịu sức ép giảm giá lớn khi nguồn cung khô đậu nành từ Ấn Độ cập cảng.
Ngoài ra, việc các nhà máy chiết xuất dầu đậu nành nội địa đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm có thể khiến cho nguồn cung khô đậu nành nội địa ra thị trường nhiều hơn, cũng gây sức ép lên giá khô đậu nành. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 10-9, Việt Nam đã nhập khẩu tới 1,2 triệu tấn đậu nành các loại, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trần Thị Nga
tbktsg
|