Nhìn lại động thái bán “dội bom” của khối ngoại trong tháng 10
Khối ngoại liên tục bán ròng mạnh trên 2 sàn khiến giới đầu tư nội đề cao thận trọng, thậm chí là tạm ngưng giao dịch. Liệu nỗi lo đó sẽ nhanh chóng qua đi hay hoàn toàn hợp lý?
Đáng chú ý là họ đẩy mạnh bán ra trong tuần từ 13 – 17/10 với tổng giá trị bán ròng lên tới gần 1,103 tỷ đồng, trong đó có sự tham gia của một quỹ ETF mua bán cổ phiếu ở Việt Nam là Market Vectors Vietnam – V.N.M (giá trị rút ròng là 13.76 triệu USD, tương đương 292.3 tỷ đồng).
Trên thực tế, hoạt động bán ròng của khối ngoại đã bắt đầu từ tháng 8/2014. Cụ thể, giá trị bán ròng trong tháng 8 đạt 313.3 tỷ đồng và tăng lên đến 1,129 tỷ đồng trong tháng 9 và 1,577.6 tỷ đồng chỉ trong giai đoạn từ 01 - 20/10. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 3,020 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam.
Khối ngoại tháo chạy do đâu?
Nhiều khả năng, trạng thái giao dịch bán ròng của khối ngoại xuất phát từ:
(1) Thị trường đã tăng mạnh sau khi phục hồi từ giữa tháng 5/2014. Chốt tại mức cao nhất 640.75 của VN-Index được thiết lập tại ngày 03/09 thì chỉ số này tăng gần 25% so với phiên 13/05. Mức tăng này cao hơn cả đợt sóng hồi đầu năm là 20.4% kéo dài từ ngày 31/12/2013 tới 24/03/2014. Còn HNX-Index tăng 29.2% từ phiên 13/05 – 08/09. Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi khối ngoại tăng cường bán ra trong tháng 9.
Tuy nhiên, việc bán ồ ạt trong một tuần 13 – 17/10 lại khiến giới đầu tư nội hoang mang nhiều hơn. Liệu có làn sóng rút vốn ròng xảy ra sắp tới chăng?
Biều đồ 1: Biến động của VN-Index và giao dịch của khối ngoại trên HOSE
Biểu đồ 2: Biến động của HNX-Index và giao dịch của khối ngoại trên HNX
(2) Nguyên nhân sâu xa hơn là từ lo ngại tăng cao về một loạt các thông tin tiêu cực như chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp kết thúc, dự báo về đà tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu khi giá dầu thô rơi tự do, nguy cơ suy thoái mới tại châu Âu (đặc biệt là tại Đức với các số liệu kinh tế được báo cáo tiếp tục giảm sút), sự lan rộng của virus Ebola, … khiến các chỉ số thị trường trên thế giới cùng lao dốc.
Giới đầu tư quốc tế vì thế đã nhanh chóng tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu. Ở thị trường mới nổi, theo báo cáo của Citigroup công bố hôm thứ Sáu (17/10), giới đầu tư đã rút 2.4 tỷ USD trong tuần đến ngày 15/10.
Tuy nhiên, một thông tin từ người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Khu vực St. Louis cho biết hôm thứ Năm (16/10), Fed có thể duy trì chương trình QE3 qua tháng 10/2014 để theo dõi triển vọng kinh tế Mỹ, do sự sụt giảm của tỷ lệ lạm phát kỳ vọng và đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ. Theo dự kiến, cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/10.
Như vậy, hoạt động bán ròng của giới đầu tư ngoại sẽ còn là ẩn số cho nhà đầu tư nội ít nhất cho tới giữa tuần sau.
Khối ngoại xả mạnh cổ phiếu nào?
Thống kê cho thấy trong tháng 10, VIC là cổ phiếu có giá trị bán ròng đứng đầu sàn HOSE và cách biệt so với các mã tiếp theo như GAS, PVD, HVG, HPG; trong khi trên HNX bị bán ròng mạnh nhất là các mã PVC, VND, LAS, VCG, SHB.
VIC, GAS là hai cổ phiếu bị điều chỉnh giảm điểm mạnh từ cuối tháng 8 (29/08) cho tới phiên 17/10. Cụ thể, VIC mất gần 21% khi giảm từ 58,500 đồng xuống còn 46,300 đồng, còn GAS giảm 18.6% từ 123,000 đồng (giá đã điều chỉnh sau khi GAS chốt danh sách cổ đông ngày 24/09 quyền nhận cổ tức 15% đợt 1/2014 bằng tiền mặt) xuống 100,000 đồng.
Thu Hoa
|