Các đại gia sàn chứng khoán sẽ “làm mưa làm gió” ngành giống cây trồng Việt?
Nếu như những “ông lớn” ngành bất động sản như HAG, DLG, TDH… chuyển hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp nói chung theo dạng trực tiếp thì có một trào lưu khác dường như chóng vánh hơn nhiều đối với lĩnh vực giống cây trồng nói riêng, đó là con đường M&A.
Xét riêng lĩnh vực giống cây trồng này, hiện ngành có 5 doanh nghiệp lớn chi phối khoảng 30% thị phần cả nước gồm CTCP Giống Cây trồng Miền Nam (NSC), CTCP Giống Cây trồng Trung Ương (SSC), CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Tổng Công ty Giống Cây trồng Thái Bình (Thái Bình Seed) và Công ty TNHH MTV SD Giống Cây trồng An Giang trực tiếp đầu tư nghiên cứu và cung ứng giống.
PAN “theo đuổi” NSC, trong khi đó NSC lại đi gom những doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất; FIT “bẻ lái” vào TSC và ASM; hay như FLC cũng đầu tư vào HAI… cuộc chiến M&A ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực giống cây trồng nói riêng đang gay cấn hơn bao giờ hết. Hơn 30% thị phần đang dồn về 3 ông lớn trên sàn chứng khoán.
Một số chỉ tiêu cơ bản của các doanh nghiệp giống cây trồng trong năm 2013
|
SSI gom NSC, SSC và Thái Bình Seed
Hiện tại NSC mới chỉ có thế mạnh tại thị trường miền Bắc với 25% thị phần lúa từ duyên hải Nam Trung Bộ trở ra, còn giống ngô chỉ chiếm 7% thị phần. Sản phẩm chính của NSC là các loại hạt giống cho các cây hàng năm bao gồm: giống lúa thuần, lúa lai; giống ngô; đỗ tương; lạc, khoai tây và rau. Trong đó lúa và ngô là hai loại giống đóng góp chủ yếu vào doanh thu và lợi nhuận của NSC.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất của SSC là khu vực TPHCM (49%), Hà Nội (34%), còn lại là Tây Nguyên và Nghệ An. SSC chủ yếu cung ứng hạt giống ngô, hiện thị phần ngô của SSC chiếm trên 20%, lúa lai trên 10% và hạt giống rau 5%. SSC đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25%/năm từ nay đến 2016 và chiếm 30% thị phần trong nước. SSC cũng đã tiến hành xuất khẩu sang Lào (chiếm 20-25% thị phần), Campuchia (45% thị phần) và đang muốn mở rộng thêm sang Myanmar. Ngoài ra, SSC đã mua lại Công ty Liên doanh hạt giống Đông Tây để phát triển hạt giống rau, vốn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với phân phối hạt giống ngô, lúa...
Nhằm làm “bàn đạp” mở rộng thị phần tại khu vực phía Nam, NSC vừa công bố chào mua công khai SSC nhằm tăng nắm giữ từ 25% lên 40% vốn. Không những vậy, NSC cũng đang là cổ đông lớn của một số doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất như Quảng Nam Seed (78%), Hà Tây Seed (53.8%) và đặc biệt là Thái Bình Seed (6.24%).
Trong đó, Thái Bình Seed được đánh giá nằm trong Top 3 công ty giống nội địa với hệ thống phân phối giống lúa kéo dài từ Bắc chí Nam, tự phát triển nhiều giống lúa cao sản. Thái Bình Seed bắt đầu nổi lên khi tháng 6 vừa qua SCIC đã bán đấu giá 91,800 cổ phần Thái Bình Seed với giá 228,000 đồng/cp (giá khởi điểm đã ở mức 108,000 đồng/cp). Sau khi bán bớt số cổ phần trên, SCIC vẫn còn nắm giữ 214,200 cổ phần, tương đương 21.5% vốn điều lệ của Thái Bình Seed. Hiện nhà đầu tư mua số cổ phần trên từ SCIC vẫn chưa được tiết lộ.
Thái Bình Seed có vốn điều lệ chỉ gần 10 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế hàng năm của công ty đều gấp 2-5 lần vốn. Còn cổ tức từ 2010-2012 lần lượt là 50%, 100% và 300%. Cổ tức 2014 được đặt ra ở mức 20%, doanh thu 350 tỷ đồng và lợi nhuận 20 tỷ đồng.
SSI, FLC và FIT đang “thâu tóm” ngành giống cây trồng tại Việt Nam
|
Tuy nhiên, đằng sau bóng dáng của NSC lại có một “ông lớn” chuyên đi M&A khác chính là CTCP Xuyên Thái Bình (PAN). Hiện PAN đang sở hữu 55% vốn của NSC và mục tiêu lên tới 65% cổ phần chi phối. Bởi thế mà hồi tháng 9 vừa qua, HĐQT PAN đã thống nhất sẽ huy động hơn 752 tỷ đồng để thực hiện chiến lược đầu tư, mua lại, hợp nhất các công ty trong ngành chế biến thực phẩm tiêu dùng.
Và “đại gia chống lưng” cho PAN không ai khác lại chính là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI). Ông Nguyễn Duy Hưng đồng thời đều giữ vị trí Chủ tịch tại hai đơn vị này.
Ngoài việc nắm giữ gián tiếp các cổ phiếu ngành nông nghiệp, SSI còn sở hữu trực tiếp hơn 20% vốn SSC và 1.21% vốn của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và một loạt những doanh nghiệp sản xuất chế biến khác như BBC, LAF, GIL…
Rõ ràng SSI đang nắm bắt cơ hội của ngành nông nghiệp khi vấn đề an toàn và an ninh lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo đánh giá của vị đại diện của nhóm này, những công ty có khả năng tích hợp chuỗi giá trị trong nông nhiệp, đảm bảo thực phẩm an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc, tập trung vào chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cho cổ đông và giá trị tích cực cho xã hội.
SCIC thoái vốn, FLC và FIT rẽ hướng nghề nông
Thời gian qua, SCIC đã tiến hành thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp theo đề án tái cơ cấu. Chính nhờ những cuộc “nhả hàng” này mà đã tạo ra một làn sóng M&A cũng như những con sóng giá cổ phiếu ấn tượng. Cũng từ đây, nhiều doanh nghiệp đã chớp lấy cơ hội đầu tư thêm vào những lĩnh vực được cho là tiềm năng mà khác xa với hoạt động chính của mình.
Gần đây nhất là thương vụ khi SCIC thoái vốn, CTCP Tập đoàn FLC (FLC) đã chớp ngay cơ hội đầu tư vào CTCP Nông dược HAI (HAI) với mục tiêu đưa HAI trở thành doanh nghiệp đứng trong top 3 thị phần cả nước ở lĩnh vực nông dược vào năm 2016.
Cũng mục tiêu như FLC, khi thâu tóm CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), CTCP Đầu tư FIT (FIT) cho biết sẽ là đối tác phù hợp để giúp TSC trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm của Việt Nam. Còn trước mắt sẽ giúp TSC hoàn thành kế hoạch năm 2014 cũng như xóa lỗ lũy kế.
Theo thống kê, hiện ngành giống cây trồng của Việt Nam có quy mô khá nhỏ, thị trường phân tán và manh mún với hơn 260 doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương trên cả nước. Vì thế, có một thực tế là hiện nay giống trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với giống nhập khẩu, chưa kể mỗi địa phương lại có 1 bộ giống riêng, chưa có giống chủ lực của từng vùng khiến chất lượng nông sản không đồng đều, khó cạnh tranh, giá bán thấp… Đồng thời cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân về cả số lượng và chất lượng. Hiệp hội giống cây trồng cho biết, mỗi năm nước ta phải bỏ ra khoảng 46 triệu USD nhập hạt giống lúa lai; 30-40 triệu USD nhập giống ngô lai và cả trăm triệu USD nhập hạt giống rau lai F1.
Với những tác nhân mới, cộng thêm những chính sách ưu đãi từ Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp thì liệu doanh nghiệp Việt có lật ngược được thế cờ trong thời gian tới khi mà giống ngoại đang nắm phần lớn thị phần? Trước mắt rõ ràng sẽ có một cuộc cách mạng chất lượng sản phẩm trong ngành nông nghiệp khi vốn đang được đổ vào khá mạnh và việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng gay gắt hơn.
Hiện thị trường ngành giống cây trồng trong nước vẫn rất tiềm năng bởi dư địa phát triển còn rộng.
Thanh Nụ
|