Chủ Nhật, 05/10/2014 23:12

Nghịch lý trong lĩnh vực ngân hàng

Vốn huy động đang đầy ắp các ngân hàng, trong khi rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn. Tại các đô thị “ra ngõ gặp ngân hàng”, nhưng ở nông thôn, miền núi, tìm được phòng giao dịch tín dụng rất khó khăn. Hàng nghìn sinh viên được đào tạo về ngân hàng đang mỏi mắt tìm việc, trong khi đó, rất nhiều ngân hàng vẫn đang đỏ mắt đi tìm nhân viên giỏi… Đó là những nghịch lý đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

“Nếu như mấy năm trước, các doanh nghiệp phải nài nỉ xin vay vốn ngân hàng, nay thì ngược lại, các cán bộ ngân hàng phải chạy ngược, chạy xuôi để cho vay”- Giám đốc một ngân hàng đã khẳng định với chúng tôi như vậy.

Thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 9 đến nay, từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đến các nhân viên ngân hàng thương mại đều tỏa đi các địa phương, các doanh nghiệp để giúp đỡ các doanh nghiệp vay vốn, khắc phục tình trạng vốn ứ đọng tại ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tư vấn cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nhàn

Để giảm sức ép về thừa vốn, từ cuối tháng 9-2014, một số ngân hàng thương mại tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động với mức phổ biến 0,1%-0,3%. Tại báo cáo về hoạt động ngân hàng tuần cuối tháng 9, NHNN cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3-6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn là 4,5%. Các kỳ hạn 2 tháng đến 6 tháng có lãi suất ở mức 4,8-5,7%/năm. Như vậy, các mức lãi suất trên đã thấp hơn khá nhiều so với mức trần 6% theo quy định của NHNN. Eximbank cũng vừa giảm 0,2%/năm kỳ hạn từ 3-12 tháng, đưa lãi suất các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống 5-5,5%/năm. Lãi suất cao nhất 8%/năm được Eximbank áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Ngoài các ngân hàng trên, Agribank, ABBank… giảm 0,2-0,3% đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND) phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,3-7,8%/năm.

Dù lãi suất huy động giảm nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, tiền gửi vào ngân hàng không giảm, thậm chí tăng khá. Tính đến ngày 22-9-2014, huy động vốn tăng 9,79% so với cuối năm ngoái, trong đó, huy động vốn bằng tiền đồng tăng 10,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 2,82%.

Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù họ rất cần vốn để kinh doanh nhưng lại khó vay được ngân hàng vì yêu cầu thế chấp tài sản, vì các khoản nợ cũ chưa trả được. Một số doanh nghiệp còn cho rằng, lãi suất cho vay của các ngân hàng dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

“Ra ngõ gặp ngân hàng”

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền ví von: "Trước kia ra ngõ gặp anh hùng, thì giờ ra ngõ toàn gặp ngân hàng".

Nhận xét của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp hoàn toàn có cơ sở. Tại các thị xã, thành phố, hiện nay đang có rất nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng. Tại Hà Nội, đã có một số tuyến phố được mệnh danh là “phố ngân hàng” như: Phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Hưng Đạo… Hầu hết các phường ở nội thành Hà Nội đều có cơ sở ngân hàng, thế nhưng ở nhiều nơi thuộc miền núi vẫn vắng bóng các cơ sở tín dụng. Tại nhiều huyện mới chỉ có trụ sở của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội. Gần đây, các ngân hàng lớn như: TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TMCP Quân đội (MB)… đã tích cực mở thêm chi nhánh tại các địa phương. Tuy nhiên, mạng lưới bao phủ của các chi nhánh này vẫn chưa nhiều. Bà con nông dân vẫn đang gặp khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng và địa bàn nông thôn đang là “đất” để tín dụng “đen” phát triển.

Mấy năm trước, do tín dụng tăng trưởng quá nhanh, các chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng liên tục được mở thêm, nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng tăng đột biến. Mặt khác, thu nhập bình quân của ngành ngân hàng lúc đó cao chót vót đã thu hút nhiều học sinh vào các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành ngân hàng. Một số trường đại học, cao đẳng cũng tranh thủ cơ hội này mở thêm ngành ngân hàng, chiêu sinh ồ ạt. Số sinh viên này ra trường vào đúng thời điểm ngành ngân hàng gặp khó khăn, số lượng nhân viên tuyển dụng thêm rất ít, dẫn tới dư thừa khá lớn cử nhân ngân hàng. Đây là gánh nặng thực sự của các gia đình đã cho con học ngân hàng và ảnh hưởng không nhỏ đến toàn xã hội. Trong khi đó, lãnh đạo của nhiều ngân hàng vẫn phàn nàn rằng, họ khó tìm được những nhân viên giỏi. Phần lớn, các tân cử nhân được tuyển dụng vào ngân hàng đều phải đào tạo lại, nhất là sinh viên của những trường vốn không “xuất thân” từ lĩnh vực kinh tế.

Tư vấn cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Kiều Linh

Vấn đề cấp bách: Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

Để giải quyết các nghịch lý đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng cần phải nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, nhưng cấp bách nhất vẫn là tái cơ cấu.

Phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, nhiều đại biểu cho rằng, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn chậm. Trước đó, tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu”, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế đóng góp ý kiến. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ là giữ được ổn định tương đối hệ thống tiền tệ quốc gia. Nhưng chính ưu điểm đó cũng lại là khuyết điểm vì đã giữ ổn định bằng ý muốn chủ quan mà bỏ qua quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đó là quy luật cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và chất lượng hàng hóa. Nếu tuân thủ quy luật này thì khi tổ chức tín dụng cho vay và đi vay lại mà không hiệu quả, thì họ phải trả giá cho thị trường. Nhưng ở đây, chúng ta đã chưa tôn trọng quy luật đó và đã can thiệp để những tổ chức đó không phá sản”.

Mới đây, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình lý giải: Mức tăng trưởng dư nợ đối với nền kinh tế chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh…

Theo Thống đốc NHNN, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai đầy đủ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đạt được kết quả quan trọng. NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Riêng về Agribank-ngân hàng quốc doanh chưa được cổ phần hóa, thời gian qua, NHNN đã xây dựng một đề án lớn để tái cấu trúc lại Agribank. Đề án này bao gồm 8 đề án nhỏ đã được Chính phủ phê duyệt và đang được tổ chức triển khai. Đối với các ngân hàng TMCP, trong số 9 ngân hàng yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với một ngân hàng còn lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt.

Cuối tuần qua, trao đổi với chúng tôi về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giải quyết nghịch lý trong nội tại ngân hàng, đại diện một số tổ chức tín dụng cho biết: Các ngân hàng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn về điều kiện cho vay, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đẩy mạnh việc cho vay theo tín chấp đi đôi với kiểm soát rủi ro, giảm tối đa có thể các loại phí và lãi suất, cơ cấu lại các khoản nợ gốc, nợ lãi...

Đại diện các ngân hàng kiến nghị: Để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, cần phải nâng cao sức mua của nền kinh tế để giải phóng lượng hàng hóa tồn kho. Bởi khi hàng hóa tồn kho chưa giải quyết thì các doanh nghiệp sẽ không “mặn mà” trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cho dù có được vay với lãi suất thấp.

Đỗ Phú Thọ

Quân đội nhân dân

Các tin tức khác

>   Mảnh ghép cuối cùng (05/10/2014)

>   Sacombank dành 41.88 tỷ đồng cho vay ưu đãi tại quận Thủ Đức (04/10/2014)

>   Sàn vàng tài khoản: Cấm vẫn tràn lan (04/10/2014)

>   Tái cơ cấu ngành ngân hàng: Ngoại nói tốt, nội lo xấu (04/10/2014)

>   Tỷ giá tăng giật mình: Quy luật đáng sợ lặp lại? (04/10/2014)

>   Ngân hàng đầu tiên công bố vượt lợi nhuận cả năm 2014 (03/10/2014)

>   Lãi suất rơi sâu, tỷ giá USD/VND tăng nhanh (03/10/2014)

>   Thúc đẩy tăng trưởng: Nghẽn mạch không phải chỉ do nợ xấu (03/10/2014)

>   Mạo danh ngân hàng để lừa đảo (03/10/2014)

>   Tranh mua trái phiếu Chính phủ, lãi suất giảm mạnh (02/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật