Mũi nhọn cho kinh tế Hà Nội?
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi về những ngành kinh tế có thể giúp Thủ đô phát huy thế mạnh riêng có của mình.
* Nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế
* Định vị nền kinh tế
* Hà Nội sẽ xây dựng trên 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại
TS. Lưu Bích Hồ
|
Thưa ông, với vị thế là Thủ đô, đâu là những điểm mạnh có thể khai thác, biến thành lợi thế phát triển kinh tế?
Xét về khả năng tăng trưởng GDP đương nhiên Hà Nội không bằng TP.HCM, cả về tiềm năng lẫn cơ cấu. Và cũng không nên đặt vấn đề như thế, không nên quá chú trọng vào phát triển kinh tế, vì Hà Nội phải còn đảm đương những trách nhiệm của một trung tâm chính trị - văn hóa.
Nhưng Hà Nội có nhiều điều kiện có thể làm cho chất lượng tăng trưởng tốt hơn. Khoa học công nghệ sẵn, viện, trường nhiều, chất xám dồi dào. Khả năng tìm nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, cả về nguồn tài chính cũng như hỗ trợ kỹ thuật đều không khó.
Tất nhiên như tôi đã nói, Hà Nội cũng có nhiều cái khó khi gánh vác những nhiệm vụ của Trung ương, vì toàn bộ các cơ quan đầu não đều đóng ở đây. Thế nhưng vấn đề tăng trưởng, tạo việc làm vẫn buộc phải đặt ra, dù là không phải tăng trưởng bằng bất cứ giá nào, kiểu nào.
Vâng, “không với giá nào” thì khá dễ hiểu, nhưng còn “không phải với bất cứ kiểu nào” nên hiểu thế nào, ông có thể nói cụ thể hơn?
Nôm na là không phải cái gì cũng làm. Ngay dịch vụ cũng thế, cũng phải là dịch vụ chất lượng cao chứ đừng làng nhàng như hiện nay. Ví dụ Hà Nội định xây 100 siêu thị, nghe thì rất hợp lý: Hiện đại, văn minh, phù hợp với thời kỳ hội nhập. Nhưng phải rút kinh nghiệm tại sao những cái siêu thị làm ra lại không được hoan nghênh, lại vắng tanh vắng ngắt.
Phải chăng vì giá cả hàng hóa cao, mua bán không thuận tiện, hàng hóa chưa đảm bảo chất lượng cao như cam kết… mà so với các chợ truyền thống thì vẫn chưa có nhiều giá trị gia tăng? Siêu thị ở Hà Nội có thể phải có nhiều thứ khác hơn nữa mới thu hút được người dân Thủ đô đến mua sắm. Mà cũng không nhất thiết phải xây một cái nhà máy hay cái chợ mới là phát triển kinh tế đâu.
Tôi nghĩ có một đòn bẩy kinh tế rất quan trọng mà chính quyền thành phố có thể sử dụng, đó là tổ chức đời sống kinh tế, xã hội cho tốt, tạo môi trường tốt cho đầu tư thì nguồn lực tự khắc sẽ chảy về. Những quy định minh bạch, hợp lý nhưng kiên quyết theo kiểu “lạt mềm buộc chặt” sẽ thuyết phục được nhà đầu tư.
Hỗ trợ chứ không phải là o bế, giải quyết công việc theo kiểu từng trường hợp khiến các nhà đầu tư đang có ý định nhập cuộc chẳng biết đằng nào mà lần. Từ cái o bế đó mà rất dễ phát sinh lợi ích nhóm.
Ý ông là tổ chức quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch đô thị sẽ tạo ra sức bật tăng trưởng?
Đúng là như vậy. Ví dụ làm thế nào để những địa chỉ sản xuất thực sự có hạ tầng tốt, điều kiện sản xuất thuận lợi. Tại sao khu công nghệ cao Hòa Lạc lại để “vuột” mất Intel, vốn ban đầu đã định vào Hà Nội? Hay Samsung hoàn toàn cũng có thể vào đấy, nhưng họ đã đi chỗ khác.
Ông vừa nhắc đến công nghệ cao. Có lẽ đó là lĩnh vực thích hợp để phát triển ở Hà Nội?
Hoàn toàn thích hợp, mà không phải chỉ là công nghệ tin học hay công nghệ điện tử. Còn rất nhiều lĩnh vực khác: Sinh học, năng lượng, vật liệu… Đấy là những ngành nghề không sử dụng nhiều đất, thích hợp với một đô thị nén.
Để có thể phát triển những lĩnh vực công nghệ cao đó, theo ông, Hà Nội nên làm gì?
Cũng không có gì mới cả! Phát huy vai trò của nhà nước kiến tạo, chính quyền kiến tạo: Nâng đỡ những nhân tố mới, ý tưởng mới; trọng dụng người tài. Hà Nội không cần trải thảm thì cũng đã sẵn có rất nhiều người tài ở đây, nhưng phải có cách tạo môi trường làm việc và đãi ngộ xứng đáng để sử dụng họ…
Và đặc biệt, ngân sách cho khoa học công nghệ phải khác, không thể chia bổ bình quân được. Hà Nội rất nên chú trọng lĩnh vực nghiên cứu – phát triển (R&D); tăng cường năng lực làm R&D cho các tổ chức, DN, lan tỏa R&D vào hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN – nghiên cứu gắn chặt với nhu cầu của DN.
Hà Nội còn sở hữu một quỹ di sản văn hóa- lịch sử ở Hà Nội rất lớn, có cách nào để khai thác nguồn lực này một cách hiệu quả?
Hãy giữ gìn, tôn tạo di sản một cách có hiểu biết. Là một người gắn bó với Hà Nội gần như suốt cuộc đời, tôi rất đau lòng trước những hành vi “tôn tạo” theo kiểu phá chùa đi xây chùa mới. Rồi áp dụng những cách thức quản trị hiện đại, hiệu quả vào mà quản lý quỹ di sản ấy để phục vụ cho du lịch; đưa hàm lượng văn hóa vào du lịch. Vốn cổ đã vậy, đô thị mới cũng phải được quan tâm thiết kế một cách thông minh để có được đầy đủ các không gian chức năng, làm cho đô thị thực sự là một nơi “đáng sống”.
Cẩm Hà (thực hiện)
hải quan
|