Chủ Nhật, 12/10/2014 15:20

Minh bạch ngành khai khoáng để chống thất thu ngân sách

Trong thời gian qua, ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam tăng trưởng nhanh và đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, những đóng góp này được đánh giá chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất gây ra đối với môi trường, xã hội.

Chính sách quản lý hiện nay cũng chưa khuyến khích doanh nghiệp (DN) khai thác tài nguyên khoáng sản một cách tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính vẫn còn nhiều lỗ hổng, tạo kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu NSNN. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để giải bài toán này, Việt Nam cần xây dựng các giải pháp hướng tới minh bạch ngành khai khoáng.

Phung phí tài nguyên do khai thác theo kiểu “ăn xổi”

Tại Hội thảo “Tăng hiệu quả nguồn thu ngân sách từ khai thác khoáng sản, giải pháp nào cho Việt Nam?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 10/10, các chuyên gia trong lĩnh vực khai khoáng đều cho rằng: Tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản và thực tế cho thấy, tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, vô tổ chức ở nhiều nơi, không chỉ làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên, mà còn ảnh hướng xấu đến cơ sở hạ tầng, phá hoại môi trường sống; tai nạn lao động khai khoáng thường xuyên xảy ra với tỷ lệ tử vong cao. Điều này thể hiện trình độ phát triển thấp và công tác quản lý lỏng lẻo trong lĩnh vực này.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng chứng minh rằng, mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế khai thác xuất khẩu sản phẩm thô, song hầu hết các DN ở Việt Nam hiện nay vì muốn thu lợi nhuận nhanh nên chỉ chú trọng khai thác xuất khẩu ở mức quặng và tinh quặng. Vì vậy, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản, đồng thời gây lãng phí tài nguyên do không tận dụng được đáng kể sản phẩm khoáng sản khác đi kèm. Nhiều quy mô khai thác nhỏ chỉ lấy được những phần trữ lượng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và khoáng sản đi kèm, dẫn đến lãng phí tài nguyên. Đáng lo ngại hơn, việc khai thác theo kiểu “ăn xổi” còn gây tổn thất lớn trong chế biến khoáng sản. Chẳng hạn, trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) hiện chỉ đạt 30-40%, nghĩa là mất một nửa thải ra môi trường.

Một số điều tra nghiên cứu về tổn thất khai khoáng cũng cho thấy, mức độ tổn thất trong khai thác apatit là 26-43%; khai thác quặng kim loại là 15-30%; vật liệu xây dựng là 15-20%. “Vấn đề bất cập trong khai thác và chế biến khoáng sản Việt Nam là có rất ít DN quan tâm đến các sản phẩm phụ và chất thải có thể tận thu trong chế biến khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên đất nước. Việc chậm phát triển công nghiệp chế tác thành phần có giá trị gia tăng cao, cùng với tâm lý khai thác theo kiểu “ăn xổi” để thu lợi nhanh của đại bộ phận DN, là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trong suốt một thời gian dài vừa qua, nước ta bị “chảy máu” xuất quặng thô, chủ yếu sang Trung Quốc” - PGS.TS Lưu Đức Hải, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội khẳng định.

Tăng cường tính minh bạch để chống thất thu cho ngân sách

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về khoáng sản và tài nguyên môi trường, TS Đào Trọng Hưng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệViệt Nam chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy chúng ta vẫn chưa thống nhất điểm thu thuế, nguồn thu thuế tài nguyên. Ví dụ một công ty khai thác than ở Quảng Ninh, hay khai thác đá ở Phú Yên nhưng trụ sở công ty lại đóng ở Hà Nội, nên công ty này sẽ phải nộp thuế ở Hà Nội. Địa phương nơi công ty trực tiếp khai thác không quản lý được các khoản thuế này. Và để làm “hài lòng” địa phương, các công ty phải phải trích ra một số phí khác để đóng cho địa phương, như thuế hoàn thổ, quỹ phúc lợi.

Một ví dụ khác cũng rất thực tế, được ông Hưng đưa ra đó là một công ty liên doanh đóng tại Việt Nam, họ hoàn toàn dùng các công ty vệ tinh để làm sản phẩm. Các công ty vệ tinh nhỏ ấy chỉ phải nộp thuế tài nguyên với mức nội bộ, nhưng sản phẩm của họ lại được đưa vào công ty liên doanh và xuất khẩu ra nước ngoài. “Như vậy, bản thân công ty liên doanh này đã “né” được một khoản thuế lớn. Trong khi đó, các DN tại Việt Nam phải nộp hầu hết các khoản thuế. Việc quá nhiều khoản thuế không thống nhất, đã đẩy cao giá thành, làm sản phẩm của DN nội khó cạnh tranh hơn so với các sản phẩm của công ty liên doanh” - ông Hưng cho biết.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: Việc quản lý tài nguyên khoáng sản cần bắt đầu từ khâu đánh giá bởi qua nhiều thông tin Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan đều biết DN cắt nhỏ các mỏ ra để phân quyền khai thác. Cá biệt, có tỉnh đã cấp đến 200 giấy phép. Điều đáng nghi ngại hơn, là do thất thoát lớn, nên thu ngân sách ở các tỉnh này không đủ để nuôi bộ máy và trang trải chi phí hành chính cũng như đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, việc khai thác mỏ theo cơ chế tự khai, tự thu là không thích hợp khiến nhiều công ty khai thác rất lãi và nhiều công ty lỗ cũng rất nhiều. Do vậy, Bộ Tài nguyên Môi trường cần thúc đẩy minh bạch, công khai nguồn tài nguyên khoáng sản, quy định về phân cấp trong cấp phép để tránh thất thu cho NSNN.

Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng: Vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao, để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Để làm được điều này, trước hết Chính phủ cần giao cho một tổ chức độc lập xây dựng báo cáo về thực trạng khai thác và quản lý khoáng sản ở Việt Nam với những kiến nghị cải cách theo một lộ trình thích hợp bao gồm sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản; điều chỉnh quy định phân cấp về cấp phép khai thác và quản lý khoáng sản… Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong sáng kiến này.

Huyền Thanh

CAND

Các tin tức khác

>   Dự kiến tăng 650 tỷ đồng thuế TTĐB/năm từ game online (12/10/2014)

>   18 thay đổi quan trọng về chính sách thuế (11/10/2014)

>   Ông lớn trốn thuế, những nghi án chưa bao giờ giải (10/10/2014)

>   Tự tin sử dụng quyền phòng vệ thương mại (10/10/2014)

>   Thanh tra thuế hơn 1.950 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá (09/10/2014)

>   9 tháng, KBNN tạm dừng và từ chối thanh toán gần 90 tỷ đồng (09/10/2014)

>   Năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương (09/10/2014)

>   Thêm công cụ giám sát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc (09/10/2014)

>   Nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế (08/10/2014)

>   “Bảo dưỡng chưa kịp vì ngân sách hạn chế”! (08/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật