Thứ Tư, 08/10/2014 10:25

Vụ hoang tàn làng văn hóa 3.200 tỉ đồng:

“Bảo dưỡng chưa kịp vì ngân sách hạn chế”!

Đó là trả lời của ông Nguyễn Đình Lợi - phó trưởng ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam - khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh bài báo “Hoang tàn làng văn hóa 3.200 tỉ đồng".

Khung cảnh hoang tàn của làng văn hóa 3.200 tỉ đồng

Ông Nguyễn Đình Lợi cũng thừa nhận thông tin hạng mục, công trình, nhà ở đặc trưng của đồng bào dân tộc ở làng văn hóa xuống cấp phản ánh trên báo là có thật. Ông Lợi cho biết ban quản lý làng đang cố gắng khắc phục, duy tu bảo dưỡng định kỳ và giao cho công nhân xử lý thường xuyên sau sự cố mưa bão làm tốc mái, hư hại công trình.

Ngân sách hạn chế

Điều chỉnh tiến độ 7 dự án của Làng văn hóa - du lịch

Trong chín dự án thành phần của Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam được phê duyệt trước đó, do nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp hằng năm có hạn nên đến nay mới triển khai được bảy dự án, còn hai dự án chưa khởi công.

Hiện trong bảy dự án này có dự án chỉ thực hiện được 20%, có dự án đã thực hiện được 95%. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh tiến độ thực hiện bảy dự án theo đề nghị của Bộ VH-TT&DL.

Theo đó, thay vì kéo dài đến năm 2015 như quyết định ngày 12-5-2008 của Thủ tướng, việc thực hiện sẽ kéo dài nhanh nhất đến cuối năm 2015, chậm nhất đến cuối năm 2019 tùy theo từng dự án.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ VH-TT&DL cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch 2015 và kế hoạch trung hạn (2016-2020) để thực hiện và hoàn thành các dự án, đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả.

V.V.Thành

Theo ông Lợi, việc duy tu chưa kịp thời do nguồn ngân sách hạn chế, yêu cầu lực lượng chuyên môn của công nhân cần phải cao mà làng không thu hút được nhân lực về làm do lương chi trả không đảm bảo.

“Chúng tôi sẽ tích cực kiểm điểm, đánh giá lại việc duy tu bảo dưỡng, khẩn trương xử lý kịp thời các công trình xuống cấp. Đồng thời chấn chỉnh lại thái độ, ý thức của nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, bảo vệ để làm sao chăm sóc cảnh quan xanh - sạch - đẹp khi du khách tới tham quan” - ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cho rằng vấn đề khó khăn, trăn trở chính là làm sao vừa xử lý được hậu quả của thiên tai, tránh ảnh hưởng của thời tiết nhưng vẫn giữ được nguyên gốc, bảo tồn được giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc.

Về nguồn vốn xây dựng bằng ngân sách nhà nước, ông Lợi cho biết 3.200 tỉ đồng chi cho hạ tầng là chính yếu, khu làng dân tộc chỉ chiếm một phần.

“Nguồn ngân sách nhà nước là 3.200 tỉ đồng nhưng thực tế đến nay làng chỉ nhận được 25-30% của kế hoạch chi do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng năm.

Chúng tôi khai thác cục bộ, tiết kiệm bằng cách xây dựng đến đâu khai thác đến đấy, giới thiệu cho du khách biết công trình văn hóa vật thể nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa từ các công ty, doanh nghiệp để hoàn thiện các công trình không được phê duyệt xây dựng bằng ngân sách nhà nước.

Tới đây, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện một số công trình hạng mục còn dang dở, dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động hiệu quả” - ông Lợi cam kết.

“Thời điểm trọng đại, khách đến cực đông”

Giải thích vì sao mục tiêu dự án xây dựng làng văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch nhưng lại đìu hiu, vắng vẻ, ông Nguyễn Đình Lợi cho rằng nguyên nhân là thời điểm vào hai tháng hè nắng nóng gay gắt, khách du lịch có xu hướng xuống biển nhiều hơn.

Theo ông Lợi, hai năm trở lại đây, số lượng khách tăng đều: “Tính trong chín tháng đầu năm đến nay, lượng khách vào tham quan làng là 198.270 lượt. Năm 2011, tổng lượt khách là 110.000 lượt, năm 2013 là 250.000 lượt”.

Cũng theo ông Lợi, năm vừa qua làng thường xuyên tổ chức các hoạt động vào những ngày lễ tết như chợ phiên, chợ ẩm thực... Vào một số thời điểm trọng đại của làng, “khách đến cực đông, phục vụ không xuể”.

Ông Lợi đưa ra một con số: từ 30 nhân viên ngày thành lập làng năm 2010 đến nay có hơn 100 nhân viên để chứng minh về việc thu hút khách.

Đề nghị Bộ VH-TT&DL sớm làm rõ vấn đề

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Đức Mạnh (phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cho biết trong năm 2013 ông từng chất vấn bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về hiệu quả sử dụng cụm công trình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam bằng văn bản và chất vấn trực tiếp tại hội trường.

Trong chất vấn của mình, đại biểu Ngô Đức Mạnh đã nêu vấn đề liên quan đến việc khai thác và gắn kết công trình với các dân tộc Việt Nam sao cho công trình “sống” cùng đời sống văn hóa không chỉ trong các dịp lễ hội. Tuy nhiên, phần trả lời của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL lúc ấy chưa thuyết phục.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc qua tìm hiểu thực tế của phóng viên tại Làng văn hóa - du lịch cho thấy làng chỉ thu hút đông khách vào ngày hội, còn ngày thường thì vắng khách, đại biểu Ngô Đức Mạnh khẳng định hiện nay ông vẫn tiếp tục quan tâm, dõi theo tính hiệu quả của công trình nêu trên.

“Qua phản ánh của báo Tuổi Trẻ, đề nghị Bộ VH-TT&DL sớm làm rõ vấn đề và công khai để cử tri và đại biểu Quốc hội có thông tin đầy đủ, chính xác về dự án có tổng mức đầu tư rất lớn này” - đại biểu Mạnh nói.

Theo đại biểu Mạnh, điều quan trọng đối với một công trình văn hóa là phải có hồn cốt và “giữ lửa” thường xuyên cho những hồn cốt đó, nghĩa là phải kết nối công trình với đời sống văn hóa, du lịch thường ngày chứ không phải xây dựng lên chỉ cho một vài dịp lễ trọng đại trong năm.

“Tôi còn nhớ cách đây mấy năm đến Hàn Quốc dự một hội nghị quốc tế, có dịp thăm một làng văn hóa cách Seoul khoảng 50km. Làng văn hóa này tái hiện đời sống của người dân Hàn Quốc thời xa xưa, cách bài trí cũng như hoạt động trình diễn trong làng rất hay, họ không cần nhà to cửa rộng gì mà du khách vẫn được chứng kiến đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Hàn Quốc cực kỳ sống động” - ông Mạnh nói.


K.Linh - V.V.Thành

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   NXB Giáo dục “lờ” tiền tác quyền suốt 10 năm: Hàng chục tỉ đồng, ai hưởng? (08/10/2014)

>   Thông tin cá nhân của bạn bị bán cho ai? (08/10/2014)

>   ​Tung tin đồn tiệm vàng bán vàng non tuổi (08/10/2014)

>   Chính quyền New York bị kiện (08/10/2014)

>   Lực lượng chống tội phạm Italy tịch thu 13.000 tài sản của mafia (07/10/2014)

>   Hà Nội: Nhân viên bảo vệ phá két, cuỗm 700 triệu đồng của ngân hàng (07/10/2014)

>   Doanh nghiệp bội tín, chính chuyền thờ ơ? (07/10/2014)

>   Bao bì gỗ xuất khẩu có vi khuẩn gây hại (07/10/2014)

>   Con trai giám đốc rút "súng nhựa" uy hiếp cổ đông (06/10/2014)

>   Thư ký tòa bị bắt vì nhận hối lộ (06/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật