Thứ Năm, 09/10/2014 21:19

Kinh tế 2015: Cần ”gỡ khó” hơn ”ổn định vĩ mô”

Dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, trong khi chỉ tiêu tăng tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 27,7% GDP là khó khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phản ánh một số ý kiến tại cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội lo đời sống người dân lỡ nhịp tăng GDP

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10, với 2015 ở mục tiêu tổng quát, Chính phủ vẫn đặt tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô lên đầu tiên, sau đó mới đến đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014....

Cần gỡ khó hơn ổn định

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị trong thời gian tới không nên quá nhấn mạnh mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, xem đây như là công việc thường xuyên của Chính phủ, mà cần tập trung “tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”.

Đây phải là mục tiêu bao trùm của 2015, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Với chỉ tiêu GDP, một số ý kiến cho là khó khả thi, khi năm 2011 GDP đạt 5,89%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 34,6% GDP. Các con số tương tự của 2012 là 5,25% và 30,5%, năm 2013 là 5,42% và 30,4%, đến 2014 dự báo GDP đạt 5,8%, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội bằng 30,1%GDP.

Trong khi đó, dự kiến tăng trưởng GDP năm 2015 khoảng 6,2% còn chỉ tiêu tăng tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 27,7% GDP.

"Theo chúng tôi tính toán tổng mức đầu tư toàn xã hội 2015 phải khoảng 32%", ông Giàu nói.

Chỉ tiêu nhập siêu 5% so với kim ngạch xuất khẩu, tương đương 8 tỷ USD cũng được cho là chưa thuyết phục. Vì theo báo cáo của Chính phủ, cán cân thương mại thặng dư 4 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 8 tỷ USD.

Và thực tế 3 năm qua Việt Nam xuất siêu, riêng năm 2014 là khá lớn, trong khi đó các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng năm 2015 chưa có xu hướng cải thiện nhiều so với năm 2014.

Cơ quan thẩm tra cho rằng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên theo nghị quyết 5 năm của Quốc hội khoảng 5%-7%.

Về chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP, cơ quan thẩm tra tính toán nếu cộng với 85 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã lên đến hơn 7% trong khi Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Đề nghị được đưa ra tại báo cáo thẩm tra là bội chi ngân sách nhà nước tính cả trái phiếu Chính phủ phấn đấu khoảng 6% GDP.

"Có ý kiến đề nghị không tiếp tục trích lợi tức của doanh nghiệp nhà nước bổ sung nguồn thu ngân sách và trích các quỹ, kể cả các quỹ hình thành từ nguồn vay cho nhiệm vụ chi ngân sách", Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Sốt ruột với nợ xấu

Đánh giá về tình hình kinh tế năm 2014 tại báo cáo thẩm tra nêu nhiều con số đáng lo ngại.

Đó là, 9 tháng có 52.525 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244 và số tạm dừng hoạt động là 18.873.

Có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013.

Bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế, cơ quan thẩm tra phân tích.

Báo cáo thẩm tra cũng nhìn nhận, một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy... Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại, năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07%, đến cuối tháng 7/2014 là 4,11%.

Tỷ lệ nợ xấu gia tăng dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra chủ yếu do tăng trưởng tín dụng tăng thấp và quá trình hạch toán lại các khoản nợ theo chuẩn mực mới trong khi tiến độ giải quyết nợ xấu của Công ty VAMC còn chậm.

Nguyễn Lê

vneconomy

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Quốc hội lo đời sống người dân lỡ nhịp tăng GDP (09/10/2014)

>   Mũi nhọn cho kinh tế Hà Nội? (09/10/2014)

>   Tùy tiện Đầu tư công: Những dự án công tốn tiền ngân sách (09/10/2014)

>   Nợ công Việt Nam có thể là chuyên đề kiểm toán năm tới (08/10/2014)

>   Nghiên cứu thành lập Ủy ban năng suất lao động (07/10/2014)

>   Hàng ngàn tỉ đầu tư sai, Bộ KHĐT thiếu tiền (07/10/2014)

>   Hạn chế gia tăng thất nghiệp: Đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía (07/10/2014)

>   WB: FDI đẩy kinh tế đi lên, khu vực nội địa kéo lại (06/10/2014)

>   Kinh tế đi lên, ai đi xuống? (06/10/2014)

>   Cả năm có thể xuất siêu 1,5 tỷ USD (05/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật