Kiểm toán dự án Nhà Quốc hội
Năm 2015 sẽ có khoảng 180 cuộc kiểm toán lớn nhỏ, tập trung vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước ở các địa phương và một số dự án được quan tâm, trong đó có công trình Nhà Quốc hội.
Ngày 6-10, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch kiểm toán năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn cho biết sẽ thực hiện khoảng 180 cuộc kiểm toán lớn nhỏ, tập trung vào vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước ở các địa phương và một số dự án dư luận quan tâm (trong đó có dự án Nhà Quốc hội).
Theo đó, KTNN dự kiến thực hiện kiểm toán về ngân sách nhà nước tại 54 tỉnh, TP (trong đó có 26 tỉnh, TP đã kiểm toán năm 2014) và 19 bộ, cơ quan trung ương.
Kiểm toán 35 đầu mối lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng; 16 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng; 7 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh và các cơ quan Đảng; 10 cuộc kiểm toán chuyên đề; kiểm toán hoạt động đối với 5 chủ đề được xã hội quan tâm và 37 dự án được dư luận quan tâm.
Riêng dự án Nhà Quốc hội, hiện nay đang thực hiện theo phương thức xây dựng đến đâu kiểm toán đến đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu KTNN thực hiện kiểm toán chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, không có tham nhũng, tiêu cực tại dự án Nhà Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết trong quá trình thẩm tra tờ trình của KTNN, có ý kiến trong ủy ban kiến nghị “cân nhắc đưa việc kiểm toán tài chính Đảng vào kế hoạch kiểm toán 2015”.
Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị tập trung kiểm toán những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các dự án được dư luận xã hội quan tâm...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý trong điều kiện nhân lực có hạn, chưa thể trải rộng ra để kiểm toán thường niên với tất cả chủ thể thuộc đối tượng kiểm toán thì cần chú trọng chất lượng các cuộc kiểm toán chứ không phải số lượng.
“Cố gắng làm đến nơi đến chốn, kiểm toán không phải chỉ để kết luận đúng sai, đề xuất xử lý trách nhiệm như thế nào mà còn rút ra được những vấn đề gì cần bổ khuyết, đặc biệt là về sửa đổi thể chế” - ông nói.
Về kết quả thực hiện kiểm toán năm 2014, ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết: tính đến ngày 15-9 đã triển khai 125/186 cuộc kiểm toán theo kế hoạch (đã kết thúc kiểm toán tại 99 đầu mối, phát hành 59 báo cáo kết quả kiểm toán).
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán của 59 cuộc kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.554,8 tỉ đồng (tăng thu hơn 1.310 tỉ đồng, giảm chi gần 796 tỉ đồng và các xử lý khác gần 2.449 tỉ đồng).
“Kết quả kiểm toán cho thấy còn nhiều hạn chế trong quản lý, chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước của đơn vị được kiểm toán từ khâu lập, phân giao, sử dụng và quyết toán NSNN;
Tồn tại trong lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng; sai phạm trong lựa chọn nhà thầu, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng công trình, quản lý hồ sơ dự án còn diễn ra tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương” - ông Vạn cho biết.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Pháp lệnh cảnh sát môi trường. Đây cũng là ngày làm việc đầu tiên cơ quan này họp thử tại Nhà Quốc hội mới.
Tú An - Lê Kiên
Tuổi Trẻ
|