Chủ Nhật, 05/10/2014 14:00

Gỡ vướng kịp thời để thúc đẩy giải ngân vốn tại địa phương

Thống kê của Bộ Tài chính về công tác giải ngân vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) của 63 địa phương đã cho thấy, vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Vì sao thấp?

Theo số liệu mới cập nhật của Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn NSNN của 63 địa phương là 53.529 tỷ đồng, đạt 43,1% tổng kế hoạch vốn nhà nước giao đầu năm (124.149 tỷ đồng); trong đó, một số tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ giải ngân thấp như: Đà Nẵng 22,9%; Bắc Ninh là 27,9%; Tuyên Quang là 29,5%; Gia Lai là 31,3%; Long An 31,9%; Bình Phước 32,6%... Đối với nguồn vốn TPCP, tổng kế hoạch vốn Nhà nước giao cho 61 địa phương đầu năm là gần 46.105 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đến hết 6 tháng mới đạt 18.761 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,7% kế hoạch. Trong đó, Gia Lai chỉ giải ngân được 2,1%; An Giang là 4,6%; Tiền Giang là 10,2%; Kon Tum là 11,6%; Tây Ninh 11,8%; Sơn La 12,8%; Bình Phước 13,5%...

Ghi nhận phản ánh từ các địa phương có thể thấy hầu hết các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp đều vướng phải những nguyên nhân tương tự nhau. Cụ thể, về vấn đề bảo lãnh hợp đồng, theo quy định của Nghị định số 207/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, các dự án xây dựng cơ bản bắt buộc phải có bảo lãnh tạm ứng hợp đồng, số tiền bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải tương đương với khoản tiền tạm ứng, thời gian bảo lãnh tạm ứng được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Đại diện nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp cho rằng, quy định như vậy có phần cứng nhắc, khó khăn cho những dự án nhỏ.

Liên quan đến chính sách, nhiều ý kiến phản ánh Nghị định số 15/2013/NĐ-CP quy định tất cả các dự án đầu tư xây dựng phải được cơ quan chuyên ngành thẩm tra thiết kế. Nhưng thực tế, việc thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đầu tư xây dựng thường kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến không đảm bảo đủ hồ sơ để thanh toán vốn tại Kho bạc Nhà nước (KBNN). Diễn giải vấn đề này, ông Trương Đăng Phước, Giám đốc KBNN tỉnh Gia Lai – một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp – cho biết: Việc yêu cầu các chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đến sở chuyên ngành để thẩm tra, thời gian phải chờ đợi thẩm tra này quá dài đã làm chậm trễ việc hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án.

Việc phân bổ kế hoạch nguồn vốn TPCP năm 2014 làm nhiều đợt cũng là một khó khăn nhiều tỉnh, thành phố gặp phải. Ông Trương Hải Phương - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long đánh giá, chia đợt vốn TPCP khiến việc phân bổ vốn TPCP đối ứng cho các dự án ODA, vốn bố trí các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới gặp khó, làm ảnh hưởng đến giải ngân. Ông Trương Hải Phương cho rằng, nếu cấp vốn TPCP sớm và tập trung thành một đợt, địa phương có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án này.

Các vấn đề khác như: Tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư yếu kém, một số dự án do còn tồn đọng khối lượng hoàn thành từ những năm trước… cũng là những nguyên nhân góp phần kéo tiến độ giải ngân vốn chậm lại.

Cần phải kịp thời

Nói về giải pháp, Vụ trưởng Vụ Đầu tư Phạm Đức Hồng cho hay, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngay từ đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn như kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về việc thực hiện quản lý thanh toán, quyết toán các nguồn vốn đầu tư từ NSNN, TPCP; thực hiện công tác thẩm tra phân bổ kế hoạch vốn TPCP đảm bảo đúng quy định; tổ chức thẩm định nguồn vốn kịp thời, có hiệu quả; công khai tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương và TPCP; thường xuyên kiểm tra tình hình quản lý, thanh toán, quyết toán các nguồn vốn để nắm bắt vướng mắc, tháo gỡ khó khăn…

Ông Phạm Đức Hồng cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra; tiếp tục thực hiện công khai số liệu giải ngân để giúp các địa phương thấy được mức độ giải ngân của đơn vị mình, từ đó tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư năm 2014. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo hệ thống KBNN hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán, kịp thời báo cáo ngay những vấn đề vượt thẩm quyền để Bộ Tài chính xem xét, giải quyết; thực hiện tốt công tác thanh toán, đồng thời tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Về “hành động” của các địa phương, ông Phạm Đức Hồng nhấn mạnh 3 “thời điểm” cần chú ý. Thứ nhất, đến 30-6-2014, nếu địa phương chưa phân bổ, hoặc phân bổ rồi mà chưa triển khai thì yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát lại, báo cáo Bộ Tài chính để có phương án kịp thời. Thứ hai, sẽ không kéo dài thời gian giải ngân mà thực hiện theo đúng quy định tại Chỉ thị 25. Thứ ba, đến 31-10-2014, những dự án đã được tháo gỡ nhưng vẫn không giải ngân được, địa phương phải báo cáo Bộ Tài chính để trình Chính phủ hướng giải quyết.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Hồng cho rằng: Các tỉnh, thành phố cần mạnh dạn hơn trong việc chấn chỉnh lại hoạt động tư vấn giám sát; xem xét lại năng lực tài chính của nhà thầu; tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, KBNN trên địa bàn cũng như công tác đối thoại giữa chủ đầu tư và nhà thầu các dự án để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. “Nếu thấy cần thiết phải có mặt của Vụ Đầu tư, các địa phương cho ý kiến, chúng tôi sẽ tham dự. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền, chúng tôi sẽ giải quyết ngay” - ông Phạm Đức Hồng khẳng định.

Hồng Vân

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Đau đầu vì ngân sách thiếu tiền (05/10/2014)

>   Thời gian nộp thuế được gia hạn tối đa 2 năm (03/10/2014)

>   Thuế xuất khẩu một số mặt hàng cao su còn 0% (02/10/2014)

>   Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi): Phải bớt cơ chế xin-cho! (02/10/2014)

>   Doanh nghiệp dồn dập nhập hàng chạy thuế tại Lao Bảo (02/10/2014)

>   Metro báo lỗ triền miên: Thanh tra thuế vào cuộc (02/10/2014)

>   Lượng tiêu thụ bia của Việt Nam giảm 7,5% nhờ tăng thuế (01/10/2014)

>   Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công (01/10/2014)

>   Thu NSNN 9 tháng đạt 81,3% dự toán (30/09/2014)

>   Xóa nợ thuế cho nhiều doanh nghiệp nhà nước (30/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật