Đau đầu vì ngân sách thiếu tiền
Nếu ngân sách chỉ chú trọng đến việc chi cho ăn thay vì cho đầu tư thì sẽ có lỗi lớn với không chỉ thế hệ này.
1,5 tiếng để đi được 60 cây số
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã tận mắt chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn, tắc nghẽn khi trở về Hà Nội để dự bữa ăn tối với Thống đốc Nguyễn Văn Bình cuối tuần trước sau khi thăm một trạm bơm ở tỉnh Hưng Yên.
Đoàn xe của ông, dù được hai xe cảnh sát giao thông hụ còi mở đường, đã phải chậm chạp nhích dần từng mét trên quốc lộ 5 suốt từ Phố Nối, Hưng Yên đến Hà Nội. Cả đoàn xe của ông Nakao mất gần 1,5 tiếng để vượt qua quãng đường hơn 60 ki lô mét, trong đó hơn một nửa là đường cao tốc.
Trải nghiệm trên có thể không lạ với Chủ tịch ADB. Cơ sở hạ tầng tệ hại là một trong những điểm nghẽn “trói” Việt Nam phát triển trong hiện tại, và cả tương lai, dù ADB đã cho vay gần 13 tỉ đô la Mỹ trong hơn 20 năm qua.
Ngay cả dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 245 ki lô mét, với tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó hầu hết là vốn vay của ADB, mới vừa được khánh thành cũng chỉ là một trong những nét tô điểm hiếm hoi trong hệ thống hạ tầng đã trở nên quá lạc hậu ở Việt Nam.
Trên thực tế, một số tuyến đường huyết mạch đã được đưa vào sử dụng hay còn đang xây dựng ở miền Bắc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hải Phòng, Thái Nguyên - Bắc Kạn, Quảng Ninh - Hải Phòng... Ở phía Nam, một số tuyến đường cao tốc nối TPHCM với các tỉnh lân cận cũng đã và đang được hoàn thành. Ngay cả sân bay Long Thành - có vốn đầu tư lên tới 6 tỉ đô la Mỹ - cũng được kiến nghị khởi công xây sớm do nỗi lo quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết trong một cuộc họp gần đây, hiện tại có khoảng 50 dự án giao thông theo các hình thức BOT, BT, PPP với tổng số vốn lên tới 130.000 tỉ đồng. Điều đặc biệt là 80% số vốn đó được huy động từ các ngân hàng thương mại, có nghĩa là ngân sách nhà nước hoàn toàn không đủ vốn. Đây là điều làm ông Thăng trăn trở đến nỗi phải từng xin Quốc hội cho dùng tiền của tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) để làm vốn đầu tư cho các dự án xây đường của bộ này.
Nhưng tất cả những nỗ lực đó là không đủ. Theo Ngân hàng Thế giới, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng hàng năm ở Việt Nam là 25 tỉ đô la Mỹ, trong khi lượng vốn có sẵn từ khu vực nhà nước và tư nhân khoảng 16 tỉ đô la Mỹ, thiếu khoảng 9 tỉ đô la Mỹ.
Mức thiếu hụt này chỉ vào khoảng 2,1 tỉ đô la Mỹ hàng năm, một thập kỷ trước đây. Định chế tài chính này cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng sẽ vào khoảng 2.200-2.300 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, các nguồn vốn như ngân sách nhà nước (NSNN), doanh nghiệp nhà nước, ODA, trái phiếu chính phủ chỉ có thể đáp ứng 50% nhu cầu trên.
Chi cho đường sá chỉ là một phần trong nhu cầu vốn đầu tư phát triển ở cả trung ương và địa phương. Chẳng hạn, tổng nhu cầu đầu tư cho những công trình “không thể không làm” lên tới 300.000 tỉ đồng năm 2012. Tuy nhiên, ngân sách chỉ đáp ứng được 180.000 tỉ đồng, bằng 60%. Đây là điều đáng lo, khi đầu tư tư nhân, cả trong và ngoài nước, vào cơ sở hạ tầng vẫn đang “nản lòng” do khuôn khổ pháp lý không đủ hấp dẫn, theo ông Tony Foster, Chủ tịch nhóm cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).
Ngân sách chỉ đang lo ăn là chủ yếu
Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI ban hành tháng 7-2013 có ghi: “Dành toàn bộ số bội chi NSNN, tiền thu về sử dụng đất và một phần tiền thu về tài nguyên cho đầu tư phát triển”. Nghị quyết này chỉ nhắc lại một nội dung tương tự của Luật NSNN.
Nhưng, đây là điều khó khăn cho Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Trong một báo cáo dự thảo ngân sách, ông tính toán rằng, chi ngân sách cho đầu tư phát triển trong năm 2015 chỉ vào khoảng 180.000 tỉ đồng, chiếm 16% của chi ngân sách năm sau (1.127.100 tỉ đồng). Đây là tỷ trọng thấp chưa từng có trong nhiều năm nay. Tỷ trọng này là 23% năm 2011; 27,5% năm 2012; 21,4% năm 2013 và ước khoảng 20% năm 2014.
Lý do chủ yếu khiến nguồn vốn đầu tư phát triển ngày càng èo uột là do chi thường xuyên ngày càng lớn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng chi thường xuyên năm 2011 là 38%, năm 2012 là hơn 15%, dẫn đến tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 61,5% năm 2011 lên gần 70% năm 2014.
Tất nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không chịu điều này. Trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Vinh nằng nặc yêu cầu vốn đầu tư phát triển “tối thiểu” phải là 242.000 tỉ đồng. Có hàng loạt lý do cho kiến nghị này.
Thứ nhất, theo báo cáo 283 của Chính phủ gửi Quốc hội, tổng số vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn 2013-2015 phải đạt 646.000 tỉ đồng. Số vốn này mới chỉ đạt mức hơn 338.000 tỉ đồng trong hai năm nay. Như vậy, số vốn còn thiếu so với kế hoạch là gần 208.000 tỉ đồng.
Thứ hai, năm 2015 là năm cuối của thời kỳ kế hoạch 2011-2015 nên nhu cầu vốn đầu tư phải tăng cao do bố trí vốn các năm trước thiếu. Cuối cùng, ông Vinh kiến nghị, vốn chi đầu tư phát triển phải đảm bảo nguyên tắc số chi đầu tư phát triển cao hơn bội chi NSNN theo khoản 1, điều 8, Luật NSNN.
Với phương án trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức chi đầu tư phát triển mới chỉ bằng 78,5% so với phần còn lại của kế hoạch trung hạn 2013-2015, và còn lâu mới đáp ứng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 nêu trên.
Dù kiến nghị của ông Vinh sẽ được Chính phủ và Quốc hội xem xét sau, nhưng rõ ràng nó có cơ sở quan trọng. Đó là ngân sách phải đáp ứng các nguyên tắc vàng của tăng trưởng cân đối là tốc độ tăng chi đầu tư không thấp hơn tốc độ tăng chi thường xuyên; tốc độ tăng chi không vượt quá tốc độ tăng thu; tổng thu ngân sách phải lớn hơn tổng chi thường xuyên và dành toàn bộ bội chi và vay nợ dài hạn để đầu tư. Lý do cơ bản nhất, ngân sách mà chỉ chăm chăm lo chi ăn, thay vì đầu tư phát triển, thì đó là dấu hiệu của sự lụn bại.
Trong cuộc gặp với Thống đốc tối hôm đó, sau khi trải qua 1,5 giờ đồng hồ để đi 60 cây số từ Hưng Yên về Hà Nội, Chủ tịch ADB đã hứa về khoản vay gần 3,7 tỉ đô la Mỹ trong vòng ba năm tới. Nhưng, điều đó còn lâu mới đủ để khắc phục thiếu hụt cơ sở hạ tầng, nhất là khi ngân sách không sẵn sàng chi ra.
Tư Giang
tbktsg
|