Hãng hàng không giá rẻ bị đem bán "rẻ như cho"
Cuối tuần qua, Tiger Airways Holdings Ltd, hãng hàng không của Singapore, cho biết đã rút khỏi thị trường hàng không Úc sau khi nhượng lại 40% cổ phần đang nắm giữ trong Tiger Australia, một hãng hàng không giá rẻ làm ăn thua lỗ, cho Virgin Australia, đối tác sở hữu 60% còn lại với giá rất "hữu nghị" là 1 đô la Úc (AUD), tương đương 0.88 USD.
Virgin Australia trở thành cổ đông lớn nhất tại Tiger Australia từ năm ngoái với số tiền đầu tư 35 triệu AUD nhằm tấn công mạnh vào phân khúc bay giá rẻ.
Cạnh tranh toàn diện
Việc thâu tóm trọn vẹn Tiger Australia có thể giúp Virgin, dưới sự lèo lái của John Borghetti - người từng giữ vai trò lãnh đạo cấp cao của Qantas, thoải mái hơn trong hoạch định chiến lược kinh doanh để cạnh tranh với đối thủ chính là Qantas Airways trong cuộc chiến giành giật thị trường nội địa diễn ra từ nhiều năm trở lại đây. Qantas hiện là hãng hàng không hàng đầu của Úc với khoảng hai phần ba thị phần bay trong nước.
Một vấn đề khác Virgin Australia cũng cần giải quyết sớm là kéo Tiger Australia ra khỏi khó khăn về tài chính kể từ lỗi vi phạm an toàn năm 2011 buộc toàn bộ đội bay phải tạm thời "đắp chiếu". Hiện tại, hãng hàng không này có 13 chiếc A320 để chở khách qua lại giữa 12 địa điểm trong lãnh thổ Úc.
Dự kiến, thương vụ của Virgin Australia sẽ hoàn tất vào cuối năm nay sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt. Cùng ngày thông tin trên được công bố thì Singapore Airlines cũng thông báo đã mua đủ số cổ phần chi phối trong Tiger Airways - công ty mẹ của Tiger Australia. Singapore Airlines nâng tỷ lệ nắm giữ từ 40% lên 55% tại Tiger Airways sau khi hãng này báo lỗ kỷ lục 182 triệu đô la Singapore riêng quý III vừa rồi.
Để cạnh tranh với "công ty cũ" Qantas, ông Borghetti sử dụng Virgin và Tiger cạnh tranh toàn diện trong mọi phân khúc. Ở phân khúc giá rẻ, Tiger đối đầu với Jetstar của Qantas. Ở phân khúc cao cấp hơn, Virgin Australia triển khai ghế hạng thương gia trên các chuyến bay nội địa, và cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho các trung tâm khai thác mỏ ở khu vực phía tây phong phú tài nguyên của nước Úc.
Theo báo cáo hoạt động 9 tháng đầu năm, hãng này lỗ ròng 59,1 triệu AUD, trong đó bao gồm cả khoản lỗ 11,6 triệu AUD liên quan tới 60% cổ phần sở hữu tại Tiger Australia.
Trước đó, hồi tháng 8, Virgin dự báo số lỗ cả năm tăng gấp 3 lần lên 355,6 triệu AUD do nhu cầu khách hàng giảm, phải gánh thuế carbon của Úc và bỏ tiền ra mua cổ phần Tiger Airways.
Song với kế hoạch thâu tóm lần này, ông Borghetti tin tưởng lợi ích kinh tế nhờ quy mô sẽ giúp công ty có lợi nhuận trước thời điểm cuối năm 2016 như dự tính.
Tiền nào của nấy?
Virgin Australia hoàn toàn có thể theo đuổi chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ của mình nhờ sự hậu thuẫn của 3 hãng hàng không có tiềm lực tài chính là Air New Zealand, Singapore Airlines và Etihad Airlines, những công ty có chính phủ đứng đằng sau, sở hữu khoảng hai phần ba Virgin Australia.
Tiger Airways thì lỗ chồng chất những năm gần đây, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt về hàng không giá rẻ ở châu Á. Thứ Sáu tuần trước, Tiger Airways cho biết sẽ phát hành thêm cổ phiếu để huy động 234 triệu đô la Singapore (khoảng 184 triệu USD) sau khi quý II lỗ ròng 182 triệu đô la Singapore.
Bán tài sản với giá "rẻ như cho" từ lâu đã được sử dụng như một chiến thuật hữu ích để các công ty đang muốn cắt lỗ mà không đánh mất thương hiệu. Năm 2010, ông trùm âm thanh Sidney Harman mua lại tạp chí Newsweek từ Washington Post mà hầu như không mất đồng tiền mặt nào.
Tuy nhiên, giá rẻ không có nghĩa là người mua chẳng bị tốn kém gì. Trường hợp của ông trùm Harman ở trên, vị này cũng phải "ôm" luôn hơn 50 triệu USD công nợ gắn với Newsweek. 18 tháng sau khi bị đem bán, Glasgow Rangers đã bị cơ quan thuế của Anh điều tra vì số nợ khổng lồ và cuối cùng phải giải thể năm 2012.
Hùng Anh
thời báo kinh doanh
|