Giá trị cổ phiếu toàn cầu bốc hơi hơn 3 ngàn tỷ USD, NĐT rút vốn khỏi thị trường mới nổi
Số liệu của Bloomberg cho thấy giá trị cổ phiếu toàn cầu đã bốc hơi 3.2 ngàn tỷ USD trong tháng 10 trước lo ngại về đà phục hồi chậm hơn của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh Fed dự định chấm dứt QE3 và rủi ro suy thoái tại châu Âu ngày càng tăng cao.
* Nhà đầu tư toàn cầu “mất ăn mất ngủ” vì đâu?
* “Fed có thể chưa kết thúc QE3 trong tháng 10”
* Hàng loạt chỉ số chứng khoán lớn thế giới đã/sắp bước vào phạm vi điều chỉnh
Trong khi đó, báo cáo được Citigroup công bố hôm thứ Sáu (17/10) cho thấy nhà đầu tư đã rút 2.4 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư thị trường mới nổi trong tuần kết thúc ngày 15/10.
Tuần qua, chỉ số MSCI Emerging Markets Index của các thị trường chứng khoán mới nổi giảm 1.7%, đánh dấu tuần giảm điểm thứ 6 liên tiếp, đợt giảm điểm dài nhất kể từ tháng 6/2013. Với mức tăng 1.2% trong ngày thứ Sáu, chỉ số này đã chấm dứt 3 phiên bán tháo liên tiếp trước đó.
Số liệu của Bloomberg cho thấy từ đầu năm đến nay, MSCI Emerging Markets Index đã đánh mất 3% và hiện đang giao dịch với P/E forward 10.5 lần, thấp hơn mức 13.9 lần của chỉ số MSCI World Index. Được biết, hiện MSCI World Index đã giảm 3.8% trong năm 2014.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán các nước Hungary, Cộng hòa Séc và Romania tăng ít nhất 1.7% trước triển vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ áp dụng thêm các biện pháp kích thích. Chỉ số Jakarta Composite Index của Indonesia cũng nhảy vọt 1.6%, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 7/2014 và đồng rupiah phục hồi khi tăng 1.2% so với đồng USD.
Đồng lia của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 0.6% trong khi đồng rand của Nam Phi và đồng rupee của Ấn Độ leo 0.5%. Chỉ số theo dõi 20 đơn vị tiền tệ thị trường mới nổi tăng 0.2%.
Ngày thứ Năm, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết các nhà làm chính sách thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên xem xét trì hoãn việc kết thúc chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3).
Nhận định này đã góp phần xoa dịu mối lo ngại từng khiến các tài sản trên toàn thế giới lao dốc do lo sợ về đà giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Phước Phạm (Theo Bloomberg)
|